Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (còn gọi là Đối thoại Shangri-La) lần thứ 11 đã khai mạc ngày 1-6 tại Singapore. Hội nghị năm nay có 28 nước tham dự với thành phần gồm các bộ trưởng quốc phòng, các quan chức quân sự cấp cao, các học giả và các nhà phân tích chiến lược.
An ninh biển Đông vẫn là chủ đề nóng
Phái đoàn Mỹ tham dự rất hùng hậu do Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta dẫn đầu, ngoài ra còn có Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Bill Burn, Tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear cùng Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách châu Á - Thái Bình Dương Mark Lippert. Ngoài ra, Mỹ còn có đoàn nghị sĩ trong đó có TNS John McCain, TNS Joe Liebermen, Hạ nghị sĩ Eni Faleomavaega thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện. Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết phái đoàn Trung Quốc do Thiếu tướng Nhâm Hải Tuyền, Phó Chủ tịch Học viện Khoa học quân sự thuộc Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc, dẫn đầu. Đoàn đại biểu nước ta do Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh dẫn đầu tham dự hội nghị.
Theo AFP, trong ngày 2-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta sẽ có bài phát biểu quan trọng với chủ đề “Mỹ tái cân bằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Ngoài các chủ đề an ninh chung như vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, an ninh hàng hải - trong đó có an ninh biển Đông - được xem là chủ đề nóng giữa lúc Trung Quốc và Philippines vẫn chưa giảm căng thẳng xung quanh tranh chấp tại bãi đá cạn Scarborough.
Kỷ nguyên mới về hợp tác quốc phòng
Theo nhà phân tích Stephen Biddle thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ, khác với thông điệp cứng rắn trong các hội nghị trước đây, lần này thông điệp của Mỹ một mặt ủng hộ các đồng minh trong khu vực nhưng đồng thời tránh đối đầu với Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trong bài phát biểu với học viên tại Học viện Hải quân Mỹ ở Annapolis, bang Maryland ngày 31-5, một mặt thừa nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc nhưng mặt khác khẳng định xu thế hợp tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông nói: “Lực lượng quân sự Trung Quốc đang lớn mạnh và hiện đại. Chúng ta phải mạnh và phải cảnh giác để chuẩn bị đối đầu với các thách thức. Nhưng điều cốt lõi là khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ phát triển trong kỷ nguyên mới về hợp tác quốc phòng giữa các nước”.
Theo AFP, phát biểu trên đường tới Singapore, Bộ trưởng Panetta nêu rõ chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang triển khai một chiến lược rất mới tại châu Á - Thái Bình Dương, theo đó thay vì thành lập các căn cứ lớn thường trực, Mỹ sẽ đưa máy bay, tàu chiến và quân tới các nước đối tác thông qua các cuộc tập trận, huấn luyện và tác chiến chung. Chiến lược này phù hợp với việc cắt giảm ngân sách quốc phòng của Mỹ đồng thời không gặp sự phản kháng từ các nước nếu xây dựng căn cứ Mỹ.
Lãnh đạo Lầu Năm Góc nhấn mạnh nhiệm vụ của họ là tập trung củng cố và tăng cường mối quan hệ quốc phòng với Trung Quốc, đổi mới và phát triển mối quan hệ vững mạnh với các đồng minh truyền thống Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như xây dựng quan hệ đối tác mới với các nước trong khu vực.
Phản ứng về phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vĩ Dân nói: “Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ đóng vai trò tích cực và xây dựng trong khu vực. Trung Quốc cũng hy vọng Mỹ sẽ tôn trọng lợi ích và các mối quan tâm của Trung Quốc trong khu vực”.
KHÁNH MINH tổng hợp