(SGGPO).- Sáng nay, 10-10, phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức khai mạc tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ngay trước khi bắt đầu phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung rà soát lại toàn bộ chương trình kỳ họp; nghiên cứu, cho ý kiến về dự thảo Hiến pháp và các văn bản luật sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội tới; cho ý kiến về về các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015); kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014; dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2014; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đến hết năm 2015...
Ngay sau đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ sơ kết 3 năm (2011-2013) thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; cho ý kiến về việc phát hành trái phiếu Chính phủ cho Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về kết quả thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.
* Ban Dân nguyện của Quốc hội vừa tổ chức lấy ý kiến đóng góp về dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII. Theo dự thảo báo cáo nói trên, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, cử tri đã gửi đến Quốc hội gần 2.000 kiến nghị. Với tinh thần trách nhiệm cao, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và cơ bản trả lời kịp thời. Nhiều kiến nghị cụ thể của cử tri đã được tiếp thu, thể hiện vào các dự án luật, các văn bản của Chính phủ, bộ, ngành góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, dự thảo báo cáo cũng chỉ rõ một số vấn đề mà đến nay việc giải quyết vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, như việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhất là tái định cư khi nhà nước thu hồi đất xây dựng các công trình thủy điện; về an toàn các hồ thủy lợi, đập thủy điện; việc giải quyết nhà ở xã hội, nhất là nhà ở đối với người có thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp...
Nhiều ý kiến tại hội nghị đề nghị phân loại và chia nhóm những vấn đề mà cử tri đã kiến nghị, đồng thời nêu cụ thể tiến độ và chất lượng giải quyết. Một số ý kiến đề nghị phân tích thêm nguyên nhân chậm giải quyết kiến nghị từ cử tri của các bộ, ban, ngành; quy chế phối hợp của các bộ, ban, ngành trong giải quyết kiến nghị của cử tri như thế nào…
ANH PHƯƠNG