Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM:
TPHCM sẽ triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất vừa được Chính phủ phê duyệt như thế nào? Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, cơ quan tham mưu cho UBND TPHCM trong việc thực hiện quy hoạch này cho biết:
Trong thời gian 30 ngày, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM sẽ tiến hành công bố quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Sau đó, căn cứ vào chỉ tiêu sử dụng đất đã được phê duyệt, Sở Tài nguyên Môi trường sẽ tham mưu cho UBND TPHCM phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho 24 quận, huyện, đồng thời thẩm định và trình UBND TPHCM phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các quận, huyện, phường, thị trấn và các xã đô thị hóa; phối hợp với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, các huyện xác định vị trí, ranh giới đất trồng lúa, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng để giám sát, bảo vệ nghiêm ngặt phần diện tích này; chỉ đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất xây dựng kế hoạch phát triển quỹ đất nhằm tạo vốn để đầu tư phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của thành phố.
* PV: Việc phối hợp với các quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội TPHCM cũng vừa được Chính phủ thông qua và quy hoạch xây dựng phát triển đô thị như thế nào, thưa ông?
* Ông ĐÀO ANH KIỆT: Quy hoạch chung xây dựng TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 1-2010. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 TPHCM được lập song song với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch một số ngành đã được phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển và Sở Quy hoạch - Kiến trúc để đảm bảo các quy hoạch đều phù hợp nhau. Đồng thời, trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thành phố và thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của quận huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp rất chặt chẽ với các ngành và quận huyện để bố trí, cân đối quỹ đất nhằm đáp ứng nhu cầu của các ngành.
* Một trong 5 yêu cầu mà Chính phủ giao cho TPHCM trong thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 là “chủ động thu hồi đất theo quy hoạch và kế hoạch, trong đó cần phải thu hồi cả diện tích đất bên cạnh công trình kết cấu hạ tầng, vùng phụ cận để tạo nguồn vốn cho phát triển, tạo quỹ đất đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội”. Việc này sẽ được triển khai ra sao khi mà công tác đền bù giải phóng mặt bằng không đơn giản, nhiều dự án làm đường, làm cầu, nạo vét, làm mới bờ kè kênh rạch… đã từng được tính đến việc giải tỏa thêm ngoài ranh làm công trình để tạo nguồn thu, chỉnh trang đô thị nhưng đã không làm được?
* Các dự án tạo quỹ đất để có nguồn vốn cho phát triển và đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội phải tính toán hiệu quả cả về mặt kinh tế và xã hội. Do đó không phải tất cả những công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và vùng phụ cận đều phải thu hồi phần diện tích bên cạnh để tạo quỹ đất. Trong trường hợp khu vực không nằm trong dự án cải tạo chỉnh trang đô thị thì các khu đất dự kiến tạo vốn thường chọn ở những khu vực có triển vọng phát triển nhanh khi có công trình kết cấu hạ tầng đi qua và chi phí bồi thường giải tỏa, tái định cư phải thấp, chủ yếu là tại các quận ven và huyện ngoại thành (khu vực ít giải tỏa nhà ở của dân).
SƠN LAM
Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM: Tiêu chí phát triển bền vững phải được thực thi trong từng dự án Để TPHCM phát triển bền vững, việc xây dựng đô thị phải tuân thủ theo các tiêu chí về phát triển bền vững. Các chỉ tiêu này phải được cụ thể hóa đến từng dự án xây dựng các khu dân cư. Ngoài ra, để TPHCM phát triển bền vững, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải đi trước một bước. Căn cứ vào yêu cầu và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch xây dựng đô thị và sử dụng đất sẽ được triển khai đi theo một cách phù hợp. SƠN LAM (ghi) |