Khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nước ngầm

Thời gian qua, việc khai thác, sử dụng nước ngầm quá mức ở TPHCM đã và đang gây ra những hệ lụy cho hạ tầng, môi trường, sức khỏe. Để hạn chế tình trạng này, TPHCM sẽ triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện lộ trình giảm khai thác nước ngầm.
Nhân viên Công ty CP Cấp nước Tân Hòa thực hiện trám lấp giếng cho người dân ở quận Tân Phú, TPHCM
Nhân viên Công ty CP Cấp nước Tân Hòa thực hiện trám lấp giếng cho người dân ở quận Tân Phú, TPHCM

Lượng khai thác giảm 

Theo Sở TN-MT, TPHCM đã triển khai nhiều hoạt động, dự án, chương trình... để giảm khai thác nước ngầm. Đến nay, khối lượng khai thác đã giảm xuống còn 264.581m3/ngày đêm, giảm mạnh so với năm 2018 là 716.581m3/ngày đêm. Trong đó, lượng khai thác nước ngầm hộ gia đình ước giảm còn 235.703m3/ngày đêm (so với kế hoạch là 327.859m3/ngày đêm); lượng khai thác nước ngầm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất giảm 28.805m3/ngày đêm (so với kế hoạch là 50.150m3/ngày đêm); lượng khai thác nước ngầm bên ngoài các khu công nghiệp, khu chế xuất (không phải hộ gia đình) giảm 145.220m3/ngày đêm (so với kế hoạch là 138.572m3/ngày đêm). 

Nếu tính theo số lượng công trình đang khai thác nước ngầm và quyền cấp phép, sau 4 năm thực hiện giảm cấp phép khai thác theo lộ trình, hiện nay TPHCM còn 159 công trình, trong đó có 9 công trình (giảm 6 công trình) do Bộ TN-MT cấp phép và 150 công trình (giảm 416 công trình) do Sở TN-MT TPHCM cấp phép. Theo đánh giá của Sở TN-MT TPHCM, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng quá trình triển khai, thực hiện giảm khai thác nước ngầm còn gặp nhiều khó khăn.

Chẳng hạn, một số khu vực nguồn nước cấp còn hạn chế, chưa có mạng lưới cấp nước cấp 2, cấp 3 hoặc áp lực nước chưa ổn định, công tác thi công đường ống cấp nước bị vướng các thủ tục xin phép đào đường do đường còn trong thời hạn bảo hành. Ngoài ra, các công trình khai thác thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN-MT có thời hạn giấy phép từ 5-10 năm, lưu lượng cấp phép lớn, do đó sẽ khó khăn để đưa nhóm đối tượng này vào chỉ tiêu giảm hàng năm của thành phố. Nhìn chung, việc khai thác nước ngầm đã giảm vượt yêu cầu chỉ tiêu của thành phố, nhưng vì phải cân đối chung với các công trình khai thác do Bộ TN-MT cấp phép nên tỷ lệ giảm khai thác ở các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra. 

Đồng bộ giải pháp

Là đơn vị chủ lực cung cấp nước sạch cho TPHCM, ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco), cho biết, công ty đã có kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng không khai thác giai đoạn 2021-2023. Năm 2021, Sawaco duy trì vận hành 22 trạm cấp nước với tổng công suất khai thác 66.000m3/ngày. Trong năm 2022, để đảm bảo lộ trình giảm dần công suất theo đúng quyết định của UBND TPHCM và kế hoạch của Sở TN-MT, đồng thời đảm bảo duy trì nguồn cung cấp nước cho người dân tại các khu vực chưa thể khai thác trực tiếp từ mạng lưới tập trung, Sawaco dự kiến giảm tổng lượng khai thác nước dưới đất xuống mức 62.300m3/ngày.

Đến cuối năm 2022, Công ty TNHH MTV Nước ngầm Sài Gòn điều chỉnh giảm công suất khai thác nước dưới đất về mức 29.300m3/ngày; Xí nghiệp Cấp nước sinh hoạt nông thôn duy trì công suất khai thác 33.000m3/ngày và thực hiện kế hoạch trám lấp giếng khoan hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác theo đúng kỹ thuật hướng dẫn của Bộ TN-MT.

Về tổng thể, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, đến năm 2025, TPHCM đặt mục tiêu giảm khai thác nước ngầm còn 100m3/ngày đêm. Nhằm đảm bảo khả thi, Sở TN-MT sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức… đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước đến người dân; vận động người dân sử dụng nguồn nước cấp của thành phố; tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng nguồn nước dưới đất có chất lượng không đạt yêu cầu theo quy định; hướng dẫn trám lấp giếng khoan không sử dụng để người dân có thể tự thực hiện.

Mặt khác, Sở TN-MT cũng kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo Sở Tài chính sớm trình thành phố xem xét, chấp thuận chủ trương thực hiện Đề án “hỗ trợ kinh phí trám lấp giếng cho các hộ dân trên địa bàn thành phố”. Đối với Sawaco, cần sớm phủ kín mạng lưới cấp nước, đảm bảo áp lực và chất lượng nguồn nước cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng. Về cấp phép khai thác nước dưới đất, chỉ cấp trong ngắn hạn (thời hạn giấy phép 1 năm) đối với những khu vực chưa có mạng lưới cấp nước, hoặc đã có mạng lưới nhưng chất lượng, áp lực nước còn yếu, không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp. 

Theo GS Nguyễn Văn Phước, nguyên Viện trưởng Viện Môi trường - Tài nguyên, Đại học Quốc gia TPHCM, để hạn chế khai thác nước ngầm, TPHCM cần xác định giải pháp cho từng đối tượng cụ thể. Ví dụ, đối với người dân, việc khai thác nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt là không nhiều. Chủ yếu người dân khai thác để phục vụ cho tưới tiêu nông nghiệp, chăn nuôi. Do đó, cần thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hướng dẫn người dân sử dụng tiết kiệm nước…

Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, trước đây các công trình khai thác nước ngầm chủ yếu do Bộ TN-MT cấp giấy phép nhưng không xét đến ảnh hưởng sụt lún đối với TPHCM, vì vậy thành phố cần đề xuất giao quyền cấp phép khai thác từ Bộ TN-MT về cho thành phố. Ngoài ra, TPHCM cần đánh giá tiềm năng khai thác của các khu vực để xác định lượng cho phép khai thác mà không gây ảnh hưởng đến sụt lún đất, vì đây cũng là tài nguyên, nếu không khai thác thì sẽ lãng phí.

Mới đây, tại buổi khảo sát của Ban Đô thị HĐND TPHCM với Sở TN-MT và các đơn vị về thực hiện giảm khai thác nước ngầm và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố, Phó trưởng Ban Đô thị Huỳnh Hồng Thanh cho rằng, Sawaco, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM cần đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý, đúng mục đích; có chính sách ưu đãi, giá nước linh hoạt để người dân, doanh nghiệp sử dụng nguồn nước cấp của thành phố. Đối với Sở TN-MT, cần tăng cường các điểm quan trắc tài nguyên nước để cung cấp thông tin chất lượng nguồn nước kịp thời cho người dân. Bên cạnh đó, cần có một kế hoạch phân vùng khai thác nước cụ thể, rõ ràng hơn, từ đó có những biện pháp xử lý phù hợp với tình hình thực tế. 

Tin cùng chuyên mục