Khai thác tài nguyên môi trường biển và hải đảo phải bảo đảm an ninh quốc phòng

Chiều 27-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đây là lần cho ý kiến đầu tiên của Quốc hội về luật này. Các ĐBQH đều cho rằng cần thiết có luật này để góp phần quan trọng trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình hiện nay.
Khai thác tài nguyên môi trường biển và hải đảo phải bảo đảm an ninh quốc phòng

(SGGPO). – Chiều 27-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đây là lần cho ý kiến đầu tiên của Quốc hội về luật này. Các ĐBQH đều cho rằng cần thiết có luật này để góp phần quan trọng trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình hiện nay.

Đáng chú ý, nhiều ĐBQH đề nghị phải đưa vấn đề bảo đảm bảo vệ an ninh quốc phòng khi thực hiện các dự án ở vùng biển gần bờ để khắc phục tình trạng vừa qua một số địa phương có nhiều sai sót mà dư luận đã phản ánh.

ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) nhấn mạnh, biển và hải đảo hết sức quan trọng đối với chủ quyền an ninh, vì vậy cần bổ sung yêu cầu về bảo đảm an ninh quốc phòng khi lập quy hoạch, kế hoạch khai thác tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Tương tự, ĐB Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) đề nghị Luật quy định rõ khi Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) trình Chiến lược khai thác bền vững tài nguyên môi trường biển và hải đảo phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng để bảo đảm vấn đề an ninh quốc phòng.
 
 ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thì đề nghị quy định chặt chẽ việc khai thác vùng biển ven bờ để tránh tình trạng chia cắt hiện nay, làm mất quyền tiếp cận các bờ biển của người dân.

“Đề nghị khi trình quy hoạch khai thác các bờ biển, Bộ TN-MT phải lấy ý kiến các bộ ngành”, bà Trần Thị Quốc Khánh đề nghị.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đề xuất, cần xây dựng kho dữ liệu về tài nguyên biển đảo để các ngành sử dụng, nghiên cứu, khai thác phù hợp tiềm năng biển đảo Việt Nam.

ĐB Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lã Anh

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị tên Luật chỉ nên là Luật tài nguyên, môi trường biển, bỏ từ hải đảo. Bởi biển đã bao gồm hải đảo, thềm lục địa và những kiến tạo khác trong phạm vi thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta.

“Chẳng hạn có những bãi đá đang nằm trong vùng của chúng ta mà không phải là hải đảo, nhưng khi bị tranh chấp thì chúng ta sẽ phải bảo vệ. Vì vậy, biển là đã bao gồm những kiến tạo khác. Luật cần giải thích khái niệm biển là được hiểu theo Công ước luật biển quốc tế”, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục