“Khai tử” người có công để... nhận tiền mai táng

Đang sống, nhưng nhiều người thuộc diện hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày ở huyện Chư Prông (Gia Lai) bị khai tử để lấy tiền mai táng phí.
“Khai tử” người có công để... nhận tiền mai táng

Đang sống, nhưng nhiều người thuộc diện hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày ở huyện Chư Prông (Gia Lai) bị khai tử để lấy tiền mai táng phí.

Khai tử người còn sống

Nghị định 31-2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, quy định người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày được hưởng trợ cấp hàng tháng. Theo đó, đối với người đã hưởng trợ cấp một lần hiện còn sống thì thời điểm hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngày 1-9-2012… Trước đó, những người thuộc diện này chỉ được hưởng trợ cấp 1 lần. Khi chết thì được làm thủ tục để được hưởng tiền mai táng phí.

Dù còn sống nhưng bà Rah Lan Phie bị khai tử để nhận tiền mai táng phí

Tuy nhiên tại huyện Chư Prông (Gia Lai), nhiều người thuộc diện nói trên khi làm hồ sơ để hưởng ưu đãi hàng tháng thì mới tá hỏa phát hiện họ không được hưởng. Lý do, vì trước đó, những người này đã bị khai tử để nhận tiền hỗ trợ mai táng phí nên giờ không được nhận. Bà Rah Lan Phie (thôn Pó, xã Ia Kly, huyện Chư Prông) là một trong số đó. Trong quyết định cấp tiền mai táng phí thì người nhận tiền mai táng phí vào năm 2003 để tổ chức mai táng cho bà Rah Lan Phie là Rah Lan Đức, con của bà Phie. Bà Phie cho biết, con trai bà nói không làm giấy tờ và cũng không nhận tiền mai táng phí. Bà cũng đã kiến nghị lên cấp có thẩm quyền để giải quyết.

Ngoài trường hợp của bà Rah Lan Phei, tại xã Ia Kly cũng còn một trường hợp khác cũng chung tình cảnh tương tự là bà Kpuih Blế (làng Nú). Đại diện UBND xã Ia Kly xác nhận cả 2 trường hợp trên đã làm giấy chứng tử để nhận tiền mai táng. Trường hợp bà Kpuih Bế thì người nhận tiền mai táng là Kpuih Bình, cháu của bà Kpuih Bế. Qua làm việc với ngành chức năng thì người thân của 2 người này thừa nhận đã nhận đã làm hồ sơ để nhận tiền mai táng phí.

Theo Sở LĐTB-XH Gia Lai, trên địa bàn huyện Chư Prông có tổng cộng 11 trường hợp người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày đã bị khai tử để nhận tiền mai táng phí từ các năm 2003, 2006, 2007. Những trường hợp này rơi vào các xã Ia Kly, Ia Vê, Ia Bang, Ia Boòng. Trong đó có một trường hợp khi nhận tiền mai táng phí đã hoàn trả cho Phòng LĐTB-XH Chư Prông. Việc khai man làm giấy chứng tử để nhận tiền mai táng phí là do tự cá nhân đối tượng và thân nhân đối tượng đề nghị và họ cũng nhận tiền mai táng phí.

Lỗi tại người dân?

Để hưởng được mai táng phí thì gia đình người chết phải viết giấy báo tử có xác nhận của thôn trưởng. Sau đó Tư pháp xã xác nhận, lãnh đạo xã ký rồi chuyển lên Phòng LĐTB-XH huyện. Trên cơ sở đó, Phòng LĐTB-XH báo cáo lên Sở LĐTB-XH và sở ra quyết định cấp tiền mai táng phí. Phòng LĐTB-XH căn cứ quyết định trên để rút tiền chi trả. Quy trình phải qua nhiều cấp, ngành xác nhận nhưng sai phạm vẫn xảy ra khiến dư luận bức xúc. Ông Lê Văn Ba, Phó phòng LĐTB-XH huyện Chư Prông giải thích: “Cái này do gia đình họ (gia đình người bị khai tử để nhận mai táng phí - PV). Ở thời điểm người ta làm chế độ mai táng phí thì lúc đó chưa được hưởng trợ cấp hàng tháng. Nhận thức của họ còn hạn chế và nghĩ rằng đằng nào cũng chết nên làm chế độ hưởng mai táng phí để lấy tiền sửa nhà… Còn cán bộ tư pháp thiếu kiểm tra”. Trong khi đó, Sở LĐTB-XH cho rằng, việc giải quyết chế độ mai táng phí cho những người thuộc diện nói trên là “đúng quy định trên cơ sở căn cứ các thủ tục, giấy tờ đề nghị”.

Về hướng giải quyết chế độ cho 11 trường hợp nói trên, ông Lê Văn Ba cho biết, quan điểm của phòng là sự việc nên giải quyết êm thấm, hài hòa cho người có công. Cụ thể là thu lại tiền hỗ trợ mai táng phí mà các hộ trên đã nhận, sau đó cho các hộ này truy lĩnh và nhận tiền hỗ trợ hàng tháng trong những năm qua. Trong khi đó, Sở LĐTB-XH Gia Lai cho biết đã có văn bản gửi UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến chỉ đạo để sở phối hợp với UBND huyện Chư Prông lập thủ tục để ra quyết định thu hồi tiền mai táng phí đã cấp cho những người thuộc diện hưởng chế độ tù đày nói trên, đồng thời cho họ được kê khai hồ sơ để hưởng trợ cấp hàng tháng kể từ ngày 1-9-2012 theo nghị định 31/2013/NĐ-CP.

Liên quan đến vụ việc, UBND huyện Chư Prông đã kiểm điểm 4 cán bộ là ông Nguyễn Trúc, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Ia Vê; Giáp Hồng Sinh, nguyên cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Ia Vê; Nguyễn Hữu Thanh, nguyên cán bộ tư pháp - hộ tịch thị trấn Chư Prông; Bùi Văn Thắng, nguyên cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Ia Boòng. Lý do bị kiểm điểm là chủ quan, thiếu tinh thần trách nhiệm, không kiểm tra đã ký vào các giấy tờ đề nghị giải quyết chế độ mai táng phí.

HỮU PHÚC

Tin cùng chuyên mục