Khẩn cấp ứng phó mưa lũ, đảm bảo an toàn hồ đập

Để hạn chế thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó mưa lũ và đảm bảo an toàn hồ đập.
Người dân xã Nghi Văn (Nghi Lộc, Nghệ An) nỗ lực ngăn nước tràn qua đập Gà
Người dân xã Nghi Văn (Nghi Lộc, Nghệ An) nỗ lực ngăn nước tràn qua đập Gà

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, trong những ngày qua tại các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 200 - 300mm, một số nơi ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh từ 400 - 600mm, đã gây ngập úng, cô lập một số khu dân cư tại các vùng thấp trũng, ven sông suối và khiến nhiều người chết.

Tiếp cận bằng được các khu dân cư bị cô lập

Mưa lớn trên lưu vực hồ Hòa Bình đã gây đợt lũ lớn với lưu lượng nước đến hồ trên 14.700m³/giây và có thể còn tiếp tục tăng, thủy điện Hòa Bình đã mở liên tiếp 7 cửa xả đáy, lũ hạ lưu hệ thống sông Hồng đang lên rất nhanh - đây là đợt lũ lớn bất thường sau mùa lũ ở Bắc bộ. Theo dự báo, mưa lũ còn diễn biến rất phức tạp, nhất là trên hệ thống sông Hồng, sông Hoàng Long và sông Mã. 

Để hạn chế thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó mưa lũ và đảm bảo an toàn hồ đập. Thủ tướng yêu cầu các tỉnh thành: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Sơn La, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh rà soát, chủ động sơ tán khẩn cấp các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, khu vực hạ lưu các hồ đập có nguy cơ xảy ra sự cố để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Bằng mọi biện pháp tiếp cận các khu dân cư còn bị cô lập do ngập sâu, hỗ trợ sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói. Chủ động bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ, nhất là qua các ngầm, tràn để bảo đảm an toàn. Triển khai các biện pháp bảo vệ hệ thống đê điều, hồ đập trên địa bàn. Rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường. 

Đối với các địa phương ở hạ lưu hệ thống sông Hồng, đặc biệt là các tỉnh thành sau đập thủy điện Hòa Bình, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và kế hoạch xả lũ của các hồ thủy điện; triển khai ngay phương án phòng, chống lũ theo cấp báo động, tập trung bảo vệ hệ thống đê điều, nhất là tại các khu vực trọng điểm xung yếu; bằng mọi biện pháp thông báo kịp thời thông tin mưa lũ đến người dân sinh sống hoặc có các hoạt động trên sông, ven sông để chủ động phòng, chống; tổ chức rà soát, chủ động sơ tán các hộ dân sinh sống ngoài bãi sông khi có nguy cơ xảy ra ngập sâu.

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, tổ chức vận hành an toàn các hồ đập và công trình thủy lợi, giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, hoạt động thủy sản, nhất là các hoạt động trên sông và ven sông Hồng. Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị quản lý hồ đập thủy điện triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện và hệ thống điện; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc vận hành các hồ chứa thủy điện, đặc biệt là các hồ chứa lớn trên hệ thống sông Hồng, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du…

2 cán bộ bộ đội biên phòng bị lũ cuốn trôi

Ngày 11-10, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An phối hợp UBND các huyện Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Anh Sơn, Tương Dương, Nam Đàn di dời 154 hộ dân với khoảng 600 người ra khỏi khu vực ngập lụt, nguy hiểm. Cho đến chiều cùng ngày, theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, đã có 8 người chết vì mưa lũ tại các huyện Yên Thành, Nghi Lộc, Quỳ Hợp, Đô Lương, Nam Đàn và Thị xã Hoàng Mai. Ngoài ra, có 4 căn nhà tại huyện Quỳ Hợp bị sạt lở, 735 nhà bị ngập lụt; trên 152ha lúa, 4.951ha bắp và rau màu bị ngập; 263 con heo, trên 7.900 con gia cầm bị cuốn trôi,…

Tại Thanh Hóa, cho đến chiều tối ngày 11-10, lực lượng tìm kiếm vẫn đang nỗ lực tìm kiếm 2 cán bộ bộ đội biên phòng bị nước cuốn trôi. Trước đó, vào khoảng 18 giờ 45 ngày 10-10, thượng tá Cao Đăng Cường và đại úy Nguyễn Thành Chủng thuộc Đồn Biên phòng Yên Khương phối hợp với chính quyền xã Yên Khương giúp dân chạy lũ. Khi 2 anh di chuyển từ chốt biên phòng bản Mè qua đập tràn bản Bôn thì bất ngờ bị nước lũ cuốn trôi. Hiện hàng trăm bộ bội, công an, dân quân,… đang phối hợp với các địa phương dọc suối Bôn và sông Âm tổ chức tìm kiếm. 

Trưa 11-10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thanh Hóa đã thông báo đến các địa phương về việc vận hành xả lũ hồ chứa Cửa Đạt và phát lệnh báo động trên các triền sông thuộc sông Yên, Lèn, Bưởi, Cầu Chày, sông Chu và sông Mã. Khoảng 1 giờ sáng ngày 11-10, tại thôn Chiềng (xã Yên Nhân (huyện Thường Xuân), mưa lớn đã khiến một lượng lớn đất đá sạt xuống làm một ngôi nhà bị sập. Anh Vi Văn Chiến (28 tuổi, chủ nhà) cùng con gái 2 tuổi tử vong. Tại xã Bát Mọt (cùng huyện) xảy ra sạt lở núi cũng làm sập nhà khiến chị Lê Thị Hà (43 tuổi) tử vong, 1 người khác bị thương. Tại huyện Thường Xuân còn có 2 người mất tích, 2 người bị thương; nhiều bản làng ở các xã Vạn Xuân, Luận Khê, Tân Thành,… bị chia cắt, cô lập với bên ngoài.

Nhiều địa bàn ở Hà Tĩnh vẫn bị chia cắt

Cùng ngày, theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP tại địa bàn các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Đức Thọ… (tỉnh Hà Tĩnh) nước lụt bắt đầu rút. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn, trường học, trụ sở UBND xã, trạm y tế xã… bị ngập sâu trên dưới 1m. 

Chiều 11-10, ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Hồ Bốn (đơn vị quản lý nhà máy thủy điện Hố Hô) cho biết, trong ngày trên địa bàn giáp ranh giữa huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh và huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình tiếp tục có mưa, đến khoảng 16 giờ cùng ngày lượng nước từ thượng nguồn đổ về lòng hồ đạt khoảng 210m³ nên nhà máy vẫn điều tiết xả nước về hạ du với lưu lượng khoảng 177m³/giây, nếu những ngày sắp tới thời tiết tạnh ráo, lưu lượng nước đổ về lòng hồ giảm thì việc điều tiết xả nước về hạ du sẽ giảm dần…

Ông Nguyễn Hồng Quân, Bí thư Đảng ủy xã Phương Mỹ (xã nằm vùng thấp trũng nhất ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, chiều 11-10, trên địa bàn đang có mưa nhỏ, nước lụt đã rút dần, tuy nhiên các tuyến đường giao thông trên địa bàn còn bị ngập gây chia cắt hoàn toàn, việc đi lại của người dân đều phụ thuộc vào thuyền nhỏ. Hiện toàn bộ học sinh các cấp đã được nghỉ học và dự kiến đầu tuần tới mới trở lại trường học bình thường. 

Chiều 11-10, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trong ngày vẫn còn 109/726 trường học, tương đương với khoảng 36.200/300.000 học sinh các cấp trên địa bàn 13 huyện, thị xã, thành phố ở Hà Tĩnh chưa thể đến trường học để đảm bảo an toàn. Dự kiến, đầu tuần tới số học sinh này sẽ trở lại trường học bình thường.

* Ít nhất 58 người chết và mất tích

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đến tối 11-10, mưa lũ ở miền Bắc và ATNĐ ở miền Trung đã làm ít nhất 27 người bị thiệt mạng (Thanh Hóa: 7 người, Nghệ An: 8 người, Sơn La: 5 người, Hòa Bình: 4 người, Yên Bái: 3 người) và 19 người còn đang mất tích (Yên Bái: 10 người, Hòa Bình: 1 người, Thanh Hóa: 4 người; Sơn La: 3 người, Quảng Trị: 1 người) cùng 12 người bị thương.

Mưa lũ đã làm 106 ngôi nhà bị hỏng hoàn toàn, 3.457 nhà bị ngập; 135 hộ dân phải di dời khẩn cấp tại nhiều tỉnh như Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Bước đầu thống kê có 348ha lúa và 13.784ha bắp, hoa màu, cây ăn trái bị ngập trong nước lũ, trong đó nhiều nhất là ở Thanh Hóa (7.678ha), Nghệ An (4.952ha), Phú Thọ (840ha)... Gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi lên đến gần 10.000 con. Nhiều tuyến đường giao thông bị ngập và hư hỏng do mưa lũ.

* Ngoài khơi lại có áp thấp nhiệt đới

Trong khi hoàn lưu áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đổ bộ vào Bắc Trung bộ đang gây mưa và lũ rất lớn ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ thì chiều 11-10, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương tiếp tục cảnh báo vừa có một ATNĐ mới xuất hiện và hoạt động trên vùng biển phía Đông Philippines, đang hướng vào biển Đông. Hồi 13 giờ chiều 11-10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 16,5 độ vĩ Bắc - 130,5 độ kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7 (tức 40-60km/giờ), giật cấp 9. Dự báo từ chiều 11 đến 12-10, ATNĐ di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km. Đến 13 giờ ngày 12-10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 16,7 độ vĩ Bắc - 124,3 độ kinh Đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Trong 24 - 48 giờ tiếp theo, ATNĐ vẫn di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km và có khả năng mạnh thêm.

* Một phóng viên ở Yên Bái bị lũ cuốn trôi

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, tình hình mưa lũ tại Yên Bái ngày 11-10 đã làm 4 người thiệt mạng và 8 người bị mất tích tại 2 huyện Trạm Tấu và Văn Chấn. Chiều 11-10, ông Chu Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) cho biết, khoảng 13 giờ chiều 11-10, mưa lũ đã cuốn trôi cây cầu Thia nối giữa phường Cầu Thia (thị xã Nghĩa Lộ) và xã Phù Nham (huyện Văn Chấn). Mưa lũ đã cuốn bay một nhịp cầu bên phía thị xã Nghĩa Lộ cùng 4 người. Trong đó, có 1 phóng viên thường trú của TTXVN và 3 người dân. Hiện các lực lượng đang tổ chức tìm kiếm các nạn nhân.

Tin cùng chuyên mục