Khẩn cấp ứng phó với dịch cúm diễn biến phức tạp

Chiều 13-2, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ cuộc họp khẩn triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm đang diễn biến phức tạp trong cả nước.

Tại cuộc họp, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế đã quán triệt 7 chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế về chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để bùng phát dịch bệnh trong mùa Đông Xuân, mùa Lễ hội và Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Khẩn cấp ứng phó với dịch cúm diễn biến phức tạp ảnh 1 Các bệnh viện đang ráo riết ứng phó với số người mắc cúm tăng đột biến

Về phía các bệnh viện tuyến trung ương tham dự cuộc họp cho biết, tới thời điểm này, các bệnh viện đã triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với dịch cúm. Trong đó, Bệnh viện Bạch Mai triển khai toàn bộ một tầng khu điều trị phục vụ cấp cứu bệnh nhân nhi và 2 tầng cấp cứu bệnh nhân người lớn. Đồng thời, Bệnh viện Bạch Mai cũng tập trung nhiều máy thở cho khoa hồi sức, huy động 12 máy ecmo (tim phổi nhân tạo) và dự trữ 1.260 viên Tamiflu điều trị cúm. Trong khi đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã tiến hành triển khai phân luồng từ khoa khám bệnh để tránh dịch lây lan. Đồng thời dành riêng số giường đáng kể để điều trị cách ly các bệnh nhân mắc cúm,  huy động nhân lực, trang thiết bị và thuốc men đủ để ứng phó với dịch cúm.

Về phía các bệnh viện của Hà Nội cũng đang ráo riết triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp với dịch cúm.  Đại diện Bệnh viên Saint Paul cho hay từ đầu mùa đến nay có khoảng 400 bệnh nhân cúm điều trị, hiện đang điều trị nội trú cho 70 ca, không có tử vong. Bệnh viện có đủ thuốc dành cho bệnh nhân nặng.

 Về phía Bệnh viện Đống Đa cho biết, từ đầu năm 2018 mỗi ngày bệnh viện đón khoảng 10 bệnh nhân cúm đến khám mỗi ngày. Bệnh viện Đống Đa đã triển khai test chẩn đoán sáng lọc cúm, dành 15 giường để điều trị bệnh nhân cúm. Bệnh viện Đức Giang chưa có bệnh nhân cúm nào nhưng cũng đã triển khai các biện pháp thu dung và điều trị trong trường hợp có bệnh nhân.

Trước tình hình dịch cúm đang diễn biến phức tạp, lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các bệnh viện luôn luôn trong tình trạng sẵn sàng để ứng phó kịp thời với dịch cúm. Đồng thời khuyến cáo các bác sĩ không nên chỉ định sử dụng rộng rãi Tamiflu, để tránh kháng thuốc và tránh tạo nên cơn sốt giả về loại thuốc này. Yêu cầu các bệnh viện giám sát chặt chẽ các bác sĩ trong việc kê đơn Tamiflu.

Cục Y tế dự phòng cho biết, trong những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, tình hình dịch cúm trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Tại Trung Quốc tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc cúm A/H7N9, bùng phát dịch cúm mùa tại Mỹ và cúm A/H1N1 tại Triều Tiên.
Cùng với đó, tình hình bệnh cúm tại nhiều địa phương trong cả nước cũng đang có xu hướng diễn biến phức tạp, gia tăng số trường hợp mắc bệnh cúm nhập viện tại một số bệnh viện tuyến cuối. Bên cạnh đó, thời tiết mùa Đông Xuân là điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có bệnh cúm lây lan và bùng phát. Mặc dù bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho nhưng lại rất dễ lây lan. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Khi mắc cúm mùa, nếu bệnh nhân là người lớn thì có thể hồi phục trong vòng từ 2 đến 7 ngày. Tuy nhiên, với trẻ em, người già, người có bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch, sẽ diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Tin cùng chuyên mục