Khán giả trở lại với chèo?

Nỗ lực dựng chèo
Khán giả trở lại với chèo?

Giữa thời sân khấu ế ẩm, việc đầu tư tiền tỷ vào một vở chèo là một sự táo bạo. Vở diễn có kéo khán giả đến rạp không hay chỉ để đi hội diễn? Nhưng dù thế nào thì sự đầu tư kỹ lưỡng cho nghệ thuật cũng là một cách để sân khấu chèo có thể hồi sinh.

Cảnh trong vở chèo Vương nữ Mê Linh.

Cảnh trong vở chèo Vương nữ Mê Linh.

Nỗ lực dựng chèo

Nhà hát Chèo Hà Nội thường mạnh dạn đầu tư những vở diễn lịch sử tiền tỷ. Tiếp theo Oan khuất một thời, vở diễn Vương nữ Mê Linh đã được thực hiện với sự đầu tư kỹ lưỡng từ trang phục đến cảnh trí, đạo cụ… Vương nữ Mê Linh là vở diễn kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Hai Bà Trưng, những nữ tướng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và tính đến thời điểm này, đây là vở diễn lớn nhất mà NSƯT Thúy Mùi đạo diễn.

NSƯT Thúy Mùi tâm sự, khi biết chị định dựng chèo về cuộc khởi nghĩa quật cường của Hai Bà Trưng hàng ngàn năm trước, một đạo diễn đàn anh trong làng chèo thẳng thắn: “Nếu như trong vở này Thúy Mùi không đưa được không khí hào hùng của lịch sử vào thì cầm chắc thất bại”. Nhiều người khác cũng băn khoăn về ý định này của chị, bởi trước chèo thì hình tượng Hai Bà Trưng cũng đã được phục dựng trên sân khấu rất thành công, từ tuồng đến cải lương và làm nên tiếng tăm cho nhiều nghệ sĩ. Chưa kể, toàn bộ vai chính trong vở diễn “khủng” này được giao cho dàn diễn viên trẻ.

Vì thế, mặc dù ngoài miệng nói mạnh để anh em tin tưởng, quyết tâm dựng vở nhưng trong lòng NSƯT Thúy Mùi cũng không khỏi lo lắng. Với người quản lý, việc bỏ ra tiền tỷ để dựng vở rồi bán 100.000 đồng/vé đối với nghệ thuật truyền thống là bài toán vô cùng khó. Nhưng khó hơn cả là để làm được một vở diễn cho ra tấm ra miếng, khiến khán giả trở lại với chèo thì các nghệ sĩ của nhà hát không chỉ một lần nữa gạt bỏ những lo toan về kinh tế, cơm áo gạo tiền trước mắt mà còn phải cùng sát cánh, đồng cam cộng khổ.

Từ ý tưởng đến việc thực hiện vở diễn lịch sử Vương nữ Mê Linh đều nhận được sự cộng hưởng từ giới nghệ sĩ. Việc mời được nhà thiết kế Sĩ Hoàng và biên đạo múa Tấn Lộc tham gia vở diễn phần nào khẳng định quyết định đúng đắn của của nhà hát.

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng quả không làm thất vọng người xem khi đã tạo hình nhân vật với những bộ trang phục khá ấn tượng, bắt mắt, đủ kiểu cách mà vẫn phù hợp với từng nhân vật. Nếu như trang phục dành cho diễn viên chính Trưng Trắc, Trưng Nhị, Thi Sơn, Thi Sách toát lên vẻ thuần Việt thì những trang phục của quân nhà Hán, của quân sư, của Tô Định cũng được làm cẩn trọng, khá tương thích với những trang phục công chúng đã thấy qua những bộ phim dã sử của Trung Quốc. Đặc biệt, tượng 2 con voi cao hơn 2m cũng được nhà hát đầu tư đưa lên sân khấu nhằm thể hiện nội dung vở diễn một cách chân thực nhất.

Những bối cảnh được thể hiện đẹp mắt, hạn chế tối đa tính ước lệ của chèo, tăng tính thật để hấp dẫn khán giả. Ví dụ cảnh lập hương án thờ Thi Sách của nữ vương Trưng Trắc, dàn diễn viên với những giá nến được thắp sáng lung linh sân khấu. Có thể nói về tạo hình, về âm nhạc, đây là vở diễn đẹp, ấn tượng.

Cảnh trong vở chèo Vương nữ Mê Linh.

Cảnh trong vở chèo Vương nữ Mê Linh.

Tín hiệu vui

Trong đêm ra mắt 21-8 vừa qua, vé mời, khán giả không ngại đội mưa đến chật rạp Đại Nam và phản hồi từ khán giả tuy khác nhau nhưng khá tích cực. Bác Trần Minh Xuyên, 70 tuổi, được con đưa đi xem vở diễn này chia sẻ: “Lâu lắm mới được xem một vở chèo được làm cẩn thận như thế này”. Vở diễn cũng đã giữ chân được nhiều khán giả trẻ cho đến phút cuối.

Khe khắt một chút thì vai diễn Trưng Trắc của diễn viên Thục Khánh vẫn còn đôi chỗ đuối sức. Có thể vì đã quen với những vai liễu yếu đào tơ, tiểu thư công chúa nên khi vào vai một nữ tướng Thục Khánh vẫn chưa làm toát lên được sự mạnh mẽ, can trường, uy dũng cần có. Song chỉ ở một vài bước đi của Trưng Trắc, còn với cảnh giả điên được nữ diễn viên này thể hiện khá linh hoạt.

Có thể nói, với sự đầu tư kỹ lưỡng, Vương nữ Mê Linh vẫn giữ được tinh thần, không khí hào hùng mà một vở diễn lịch sử đòi hỏi. Gây ấn tượng nhất của vở diễn là NSƯT Quốc Anh trong vai Tô Định. Cũng phải thôi, bởi anh là gương mặt gạo cội duy nhất góp mặt vở này. Vương nữ Mê Linh được biểu diễn từ ngày 21 đến 30-8 tại rạp Đại Nam, Hà Nội trước khi công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 5-9. Và theo NSƯT Thúy Mùi, cho đến thời điểm này, sự tâm huyết của các nghệ sĩ đã được đền đáp khi các buổi diễn của Vương nữ Mê Linh gần như không còn chỗ trống.

Giữa thời sân khấu khó khăn, nhiều người không tin tưởng những vở diễn với đề tài lịch sử lại có thể sống được nhờ bán vé. Tuy nhiên, Nhà hát Chèo Hà Nội từng đầu tư lớn cho việc “cách tân” chèo với các vở: Oan khuất một thời, Nàng Sita và lần này là Vương nữ Mê Linh. Đây là những vở diễn thổi vào lịch sử hơi thở đời sống đương đại, từ nội dung, cách hát, cách dàn dựng đến thủ pháp nghệ thuật. Đến nay, Oan khuất một thời, Nàng Sita vẫn có đông khán giả và liên tục nhận được yêu cầu diễn. Bởi vậy, hãy cứ lạc quan tin rằng, Vương nữ Mê Linh không phải chỉ dựng để đi hội diễn mà còn có thể bán vé!

MAI AN

Tin cùng chuyên mục