Khẩn trương hoàn thiện các dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục, dạy nghề giai đoạn 2011 – 2020

Ngày 8-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực (Hội đồng) đã chủ trì phiên họp Hội đồng để thảo luận, đóng góp ý kiến về dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 và dự thảo Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020. Tham dự Cuộc họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên của Hội đồng.
Khẩn trương hoàn thiện các dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục, dạy nghề giai đoạn 2011 – 2020

Ngày 8-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực (Hội đồng) đã chủ trì phiên họp Hội đồng để thảo luận, đóng góp ý kiến về dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 và dự thảo Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020. Tham dự Cuộc họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên của Hội đồng.

Học viên khoa điện lạnh hệ trung cấp trường Đại học Công nghiệp TPHCM trong giờ thực hành. Ảnh: MAI HẢI

Học viên khoa điện lạnh hệ trung cấp trường Đại học Công nghiệp TPHCM trong giờ thực hành. Ảnh: MAI HẢI

Theo Dự thảo Chiến lược, mục tiêu tổng quát phát triển giáo dục đến năm 2020 là nền giáo dục nước ta đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao; giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành được chú trọng; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân, dần từng bước hình thành xã hội học tập.

Từ mục tiêu tổng quát, dự thảo Chiến lược đã xác định các mục tiêu cụ thể trong giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên.

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, dự thảo Chiến lược nêu lên 7 giải pháp phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2020 là: đổi mới và quản lý giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; tăng cường các nguồn đầu tư cho giáo dục, gắn đào tạo với sử dụng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đáp ứng nhu cầu xã hội; tăng cường hỗ trợ giáo dục đối với các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách xã hội; phát triển khoa học giáo dục và cuối cùng là mở rộng và nâng cao hiệp quả hợp tác quốc tế về giáo dục. Trong 7 giải pháp này, 3 giải pháp được đề cập đầu tiên là các giải pháp mang tính đột phá.  

Thảo luận, đóng góp ý kiến vào 2 dự thảo Chiến lược nêu trên, các thành viên của Hội đồng cơ bản bày tỏ sự đồng tình với các nội dung mà 2 dự thảo Chiến lược đã nêu; cho rằng việc xây dựng và ban hành các Chiến lược này là hết sức cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.   

Đóng góp ý kiến cụ thể vào dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020, nhiều thành viên Hội đồng đề xuất Ban soạn thảo Chiến lược cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các mục tiêu cụ thể vào Chiến lược, làm cho Chiến lược không mang tính chung chung và thực sự tạo đột phá, sự đổi mới trong giáo dục - đào tạo. 

Đề cập tới các giải pháp, các thành viên Hội đồng cho rằng, trước hết phải xác định rõ, đã là chiến lược, các giải pháp đưa ra phải mang tính dài hạn; đồng thời đề xuất việc cụ thể hóa nội dung các giải pháp nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo để làm gương học sinh, sinh viên; cũng như làm rõ, bổ sung các hình thức cụ thể trong tăng cường nguồn đầu tư cho giáo dục, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa khọc và chuyển giao công nghệ, gắn kết trong đào tạo giữa các trường đại học, các cơ sở giáo dục; từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ sở giáo dục. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị Chiến lược nên xác định nhóm đối tượng ưu tiên trong đào tạo; bổ sung nội dung về lộ trình cụ thể trong tổ chức các hình thức thi tuyển, nhất là hình thức tổ chức tuyển sinh đại học; bổ sung các nội dung về xã hội hóa giáo dục…    

Liên quan đến dự thảo Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 – 2020, một số thành viên Hội đồng đề xuất, trong nhóm giải pháp mà dự thảo Chiến lược đề ra, bên cạnh giải pháp đầu tiên là giải pháp mang tính trọng tâm và giải pháp thứ 2 và thứ 3 là giải pháp mang tính đột phá, nên đưa thêm giải pháp thứ 6 là “Gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp” trở thành giải pháp mang tính đột phá, bởi hiện nay sự gắn kết giữa dạy nghề với giải quyết việc làm, thị trường lao động vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập và cần tiếp tục được đẩy mạnh với những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn, đảm bảo “đầu ra” của đối tượng được đào tạo nghề. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề xuất bổ sung các giải pháp liên quan đến việc mở rộng quy mô đào tạo nghề, nâng cao năng lực của các cơ sở dạy nghề; tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho các trung tâm, trường dạy nghề bằng các hình thức huy động đầu tư khác nhau; xây dựng hệ thống dạy nghề theo hướng hiện đại, phù hợp, linh hoạt; có đột phá về cơ cấu và chất lượng đào tạo… 

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của triển giáo dục - đào tạo, dạy nghề; cho biết đây là một trong những khâu đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, việc phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề phải đảm bảo xây dựng được đội ngũ lao động có trình độ, tay nghề cao; đáp ứng cho các ngành kinh tế mũi nhọn, vùng kinh tế trọng điểm, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các yêu cầu phát triển khác của đất nước.

Đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng, các chuyên gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động -Thương binh và xã hội là 2 bộ chủ trì soạn thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 và Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 – 2020 tiếp thu các ý kiến đóng góp, bổ sung và sớm hoàn thiện các dự thảo Chiến lược này trên tinh thần bám sát vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển giáo dục, dạy nghề để đề ra các giải pháp hiệu quả, phù hợp với thực tiễn; cố gắng định lượng, tiêu chí hóa các mục tiêu cụ thể được đề cập trong các Chiến lược.

Cùng với đó, có những đề xuất hiệu quả nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho giáo dục; xây dựng cơ chế, chính sách để huy động, xây dựng được đội ngũ cán bộ giảng dạy giỏi, sống được bằng nghề…         

Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 nêu rõ tình hình giáo dục Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010; bối cảnh và thời cơ, thách thức đối với giáo dục nước ta giai đoạn 2011 – 2020; quan điểm chỉ đạo phát triển giáo dục; mục tiêu phát triển giáo dục đến năm 2020; các giải pháp phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2020… 

Thiện Thuật (TTX)

Tin cùng chuyên mục