(SGGPO).- Ban chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương cho biết, theo báo cáo nhanh từ các địa phương, thiệt hại sơ bộ do bão, mưa lũ gây ra tại các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Bình Định và tỉnh Kon Tum tính đến 20 giờ ngày 16-10-2013 bão số 11 đã làm 9 người chết (Quảng Nam: 3 người; Quảng Bình: 5 người; Nghệ An: 1 người); 6 người mất tích: (Hà Tĩnh: 3 người; Quảng Bình: 1 người; Thừa Thiên - Huế: 1 người; Bình Định 1 người); 76 người bị thương: (Quảng Bình: 27 người; Quảng Trị: 11 người; Thừa Thiên - Huế: 11 người; Đà Nẵng 11; Quảng Nam: 7 người, Quảng Ngãi: 9 người).
Ngoài ra, bão cũng làm 548 nhà bị sập, trôi (Hà Tĩnh: 7; Quảng Bình: 208; Quảng Trị: 2; Thừa Thiên Huế: 17; Đà Nẵng: 122 nhà; Quảng Nam: 181 nhà; Quảng Ngãi: 10 nhà; KonTum: 1 nhà); 34.220 nhà bị ngập (Hà Tĩnh: 13.856 nhà; Quảng Bình 18.666 nhà; Thừa Thiên - Huế: 1.686 nhà); 12.515 nhà bị tốc mái, hư hỏng (Hà Tĩnh: 278 nhà; Quảng Bình: 418 nhà; Quảng Trị: 21 nhà; Thừa Thiên Huế: 669 nhà; Đà Nẵng 5.449 nhà; Quảng Nam: 5.033 nhà; Quảng Ngãi: 577 nhà; Bình Định Định: 17 nhà, KonTum: 52 nhà); 20 trường học bị tốc mái, hư hỏng (Quảng Trị: 4 trường; Quảng Ngãi: 15 trường; KonTum 1 trường); 452 phòng học tốc mái, hư hỏng (Quảng Bình: 400 phòng; Thừa Thiên - Huế: 4 phòng; Đà Nẵng: 135 phòng; Quảng Nam: 11 phòng; KonTum: 2 phòng); 37 trụ sở cơ quan, bệnh viện bị ngập, tốc mái, hư hỏng: (Hà Tĩnh: 4; Quảng Trị: 5; Thừa Thiên - Huế: 3; Đà Nẵng 13; Quảng Ngãi: 6; Kon Tum: 6).
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, đến tối và đêm nay, 17-10, mực nước tại một số trạm chính trên các sông có khả năng như sau:
- Sông Cả tại Nam Đàn lên mức 7,2m, trên BĐ2: 0,3m;
- Sông La tại Linh Cảm lên mức 6,0m, dưới BĐ3: 0,5m;
- Sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt xuống mức: 9,8m, dưới BĐ3: 0,7m ;
- Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm xuống mức: 9,2m, dưới BĐ1: 0,8m;
- Sông Gianh tại Mai Hóa xuống dưới mức BĐ1
- Các sông ở Thanh Hóa và Nam Quảng Bình ở mức BĐ1 và trên BĐ1
|
Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt sâu ở vùng thấp và đồng bằng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình...
Các sông Nam bộ: Lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang xuống chậm, hạ nguồn và sông Vàm Cỏ Tây đang lên. Mực nước cao nhất ngày 16-10, trên sông Tiền tại Tân Châu: 3,95m (dưới BĐ2: 0,05m); trên sông Hậu tại Châu Đốc: 3,57m (trên BĐ2: 0,07m). Mực nước cao nhất sáng ngày 17-10 trên sông Tiền tại Mỹ Thuận là 1,84m (trên BĐ3: 0,04m), tại Mỹ Tho: 1,60m (ở mức BĐ3); trên sông Hậu tại Long Xuyên: 2,90m (trên BĐ3: 0,4m), tại Cần Thơ: 1,97m (trên BĐ3: 0,07m); trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa: 1,96m (trên BĐ2: 0,16m).
Dự báo, hôm nay, lũ đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục xuống, sau đó có khả năng lên chậm và còn ở mức cao, sông Vàm Cỏ Tây tiếp tục lên; các trạm hạ nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên trong 1-2 ngày tới và đạt đỉnh trên BĐ3 khoảng 0,2-0,6m, sau đó xuống. Đến ngày 22-10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 4,0m (ở mức BĐ2); tại Châu Đốc ở mức 3,65m (trên BĐ2: 0,15m); tại Mộc Hóa dao động ở mức đỉnh và đạt mức 2,05m (trên BĐ2: 0,25m); tại các trạm chính hạ nguồn dao động ở mức BĐ2-BĐ3.
Song Nguyên
| |
Quảng Bình: Nước lũ rút đến đâu, khắc phục hậu quả ngay đến đó
Sáng 17-10, nước lũ bắt đầu rút ở phía bắc Quảng Bình nhưng rất chậm. Ở vùng siêu lũ Phúc Trạch, Liên Trạch (Bố Trạch) nước lũ rút một phần nhưng còn rất cao, công tác cứu trợ đang được triển khai trên toàn tỉnh Quảng Bình. Lực lượng công an, quân đội, biên phòng được diều động vào cuộc giúp dân.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Bí thư xã Phúc Trạch, Bố Trạch cho biết nước lũ rút đến đâu chính quyền và người dân khắc phục hậu quả đến đó. Ở vùng vượt mốc lũ lịch sử 2010 là Bàu Sen, Phúc Đồng người dân gặp rất nhiều khó khăn vì nhà sập đổ, tốc mái.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trạch (Bố Trạch) cho biết xã là trung tâm hành chính di sản Phong Nha-Kẻ Bàng nên người dân cùng tiểu thương đang hợp lực dọn dẹp theo thời gian nước lũ rút. Động Phong Nha và động Thiên Đường đã phải ngừng hoạt động cho đến khi lũ rút hoàn toàn vì nước dâng ngập, nhiều nơi chạm trần hang.
Tại xã Quảng Sơn, Quảng Minh bị lũ cuốn và lốc càn, người dân đang dốc sức dựng lại nhà cửa nhưng thiệt hại quá nặng nề khiến nhiều người kiệt sức. Hàng ngàn thùng mì tôm, hàng ngàn chai nước đã được UBND tỉnh Quảng Bình triển khai cho các đoàn cứu trợ, Mặt trận, Hội chữ thập đỏ, 7 huyện thành phố tổ chức đưa hàng cứu trợ đến tay dân, tuy nhiên nước lũ dọc các dòng sông đang chảy cuồn cuộn khiến việc cứu trợ đang gặp nhiều khó khăn.
Hiện tại đường sắt Bắc - Nam bị hư hỏng nhiều điểm ở khu gian Minh Lệ - Lê Sơn, gây ách tắc hoàn toàn. Các tàu đang phải đỗ tại các ga của tỉnh Quảng Bình gồm tàu SE8 đang phải đỗ ở ga Lệ Sơn, tàu SE3 đang đỗ ở ga Kim Lũ, tàu SE7 đỗ ở ga Đồng Lê, tàu SE6 đỗ ở ga Đồng Hới. Cũng do đường sắt Bắc - Nam bị ngập nên ngành đường sắt phải hủy bỏ tàu SE 19 đi Đà nẵng ngày 16-10, và chuyển khách lên tàu SE1.
Hàng chục ngàn hộ dân đang rất thiếu nước uống, lương thực cũng như chất đốt, hàng ngàn học sinh chưa thể đến trường. Tính đến sáng nay, Quảng Bình đã có 5 người chết do mưa lũ.
Minh Phong
Hà Tĩnh: 3 người chết, 2 người mất tích trong lũ
Sáng nay, 17-10, theo báo cáo từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, 13.856 hộ dân tại 35 xã, thị trấn thuộc các huyện miền núi Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê đang bị ngập chìm trong nước lũ, 7 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi (5 nhà ở Hương Sơn, 2 nhà ở Vũ Quang), 278 ngôi nhà ở huyện Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh bị tốc mái.
Tuyến Quốc lộ 8A đoạn từ km52+00 - km60+00 một số vị trí bị ngập cục bộ sâu từ 0,6-0,8m; đoạn km81+800 - km82+00 bị sạt mái ta luy âm gây đứt đường; đoạn từ km82+500 bị sạt ta luy dương gây ách tắc giao thông từ 4 giờ ngày 16-10 đến nay vẫn chưa thể thông tuyến. Tuyến Quốc lộ 15A đi Hương Khê bị ngập từ 0,1-0,5m. Tỉnh lộ 17 địa bàn Hương Khê ngập 5 đoạn, đô sâu 0,2-0,8m. Tỉnh lộ 3 đoạn cầu Khe Giao km24+600 bị ngập 0,3m; Tỉnh lộ 5 nhiều đoạn sạt mái taluy dương, taluy âm...
Trao đổi với PV báo SGGP sáng 17-10, ông Lê Nhật Tân, Trưởng Phòng văn hóa thông tin huyện Hương Sơn cho biết, đến thời điểm này trên địa bàn huyện đã có 2 người chết, 2 người mất tích, 3 người bị thương; 23/32 xã, thị trấn bị ngập lụt, 3 nhà bị cuốn trôi, 2 nhà bị sập, đổ hư hỏng nặng. Đặc biệt tại xã Sơn Kim 2 có khoảng 200 hộ có tài sản bị cuốn trôi hoàn toàn; 647 hộ hộ phải di dời, sơ tán; 1700/2.100ha ngô và 300 ha khoai bị ngập; 15 con trâu, 10 con bò, 19 con hươu, 100 con lợn bị cuốn trôi. Trên địa bàn huyện bị mất điện từ 2 giờ ngày 16-10 đến nay, 50 trường học bị ngập, các trường Mầm non, Tiểu học và THPT học sinh phải nghỉ học, 12 Trạm y tế bị ngập, 2 cầu cống bị hư hỏng, cuốn trôi, 20/32 điểm Bưu điện văn hoá xã và 5/32 trụ sở UBND xã bị ngập. Tổng giá trị thiệt hại ước tính ban đầu khoảng 170 tỷ đồng.
Khoảng 8 giờ sáng 17-10, cháu Nguyễn Thị Bảo Ngọc (2 tuổi, ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê) bị sẩy chân ở khu vực bờ sông, bị nước lũ cuốn trôi, đến nay đã tìm thấy thi thể.
Ngay trong sáng 17-10, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp tìm biện pháp khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống của người dân. Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh cũng đã điều động 9 xuồng cao tốc và huy động 500 cán bộ chiến sĩ trực tiếp về vùng rốn lũ Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn để tổ chức sơ tán nhân dân ra khỏi vùng bị ngập lụt nặng và cứu hộ cứu nạn.
Tính đến 17 giờ chiều 16-10, chính quyền các địa phương cùng lực lượng chức năng đã tổ chức sơ tán 1.450 hộ với 5.940 người (trong đó, Hương Khê 500 hộ với 2.100 người, Vũ Quang 600 hộ với 2.430 người, Hương Sơn 350 hộ với 1.410 người).
Dương Quang – Bùi Tiến
>> Miền Trung hứng chịu lũ lớn
- Đêm nay, lũ tràn sông từ Nghệ An đến Quảng BìnhMiền Trung hứng chịu lũ lớn