Suốt hơn 1 tuần qua, ngành đường sắt đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện để khôi phục đường sắt Bắc- Nam.
Tất cả vì đường sắt
12 giờ 15 phút ngày 25-10, trên khu vực thuộc tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh bị sạt lở và sập hoàn toàn khoảng 700m đường sắt, hàng ngàn cán bộ, công nhân viên ngành đường sắt vẫn không ngừng nghỉ. Tiếng máy khoan, tiếng máy ủi, máy tời, máy cẩu, máy phá đá làm rúng động cả một vùng. Vừa từ dưới gầm đường ray chui lên, hai tay lấm lem đất đỏ và gỉ sắt, công nhân Trần Hữu Hòa thuộc Công ty CP Công trình đường sắt Việt Nam nói liền: “Tui vào đây đến giờ là hơn 8 ngày rồi, làm việc suốt cả 3 ca vất vả lắm, đôi khi mình thấy kiệt hết sức lực…”.
Công nhân Nguyễn Xuân Tiến thuộc Công ty Quản lý đường sắt Quảng Bình quả quyết: “Tất cả chúng tôi đang tập trung cho đường sắt quốc gia thông tuyến vào ngày 28-10, nên tạm thời mọi vất vả cũng không ăn thua gì mô…”.
Ngay sau khi sự cố sạt lở và sập nghiêm trọng tuyến đường sắt Bắc - Nam do vỡ đê ngăn lũ Rú Trí gây ra, ngành đường sắt đã huy động gần 1.800 cán bộ công nhân viên của 6 đơn vị từ Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế và vận chuyển hàng chục ngàn khối đất đá, thanh tà vẹt, rọ sắt… khẩn cấp có mặt tại hiện trường dựng lán trại dã chiến cùng ăn, cùng ở tại chỗ để tổ chức ứng cứu đường sắt.
Làm việc cật lực 24/24 trong suốt nhiều ngày cộng với thời tiết khắc nghiệt khiến một số công nhân có dấu hiệu bị kiệt sức. Ông Huỳnh Ngọc Tấn, Giám đốc Xí nghiệp công trình 792 tâm sự: “Anh em chúng tôi từ Hà Nội vào đây phải làm việc 3 ca liên tiếp, không kể ngày hay đêm, với mục đích thông tàu đúng tiến độ của đường sắt Việt Nam, nên chuyện ăn ở, đi lại thiếu thốn đến mấy chúng tôi cũng cố gắng vượt qua”.
Trên cung đường ray 351+300, gần 20 công nhân phải ngụp lặn xuống đáy sông tìm từng chiếc đinh ốc, từng thanh tà vẹt trên đường ray bị nước lũ nhấn chìm đưa lên bờ. Các anh cho biết đã đánh trần dưới nước nhiều ngày qua để góp phần khôi phục đường sắt Bắc Nam.
Theo ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Công trình đường sắt Việt Nam, dự kiến khoảng 23 giờ ngày 28-10, đường sắt Bắc- Nam (đoạn qua huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) sẽ thông tuyến. Ông Long nhấn mạnh, đây là thiệt hại lịch sử nhất của ngành đường sắt Việt Nam do lũ lụt gây ra. Quá trình khắc phục gặp rất nhiều khó khăn, như chỗ ăn ở, đi lại, phương tiện vận chuyển, địa hình quá phức tạp, nhiều vị trí bị ngập nước sâu từ 8 - 10m.
Học chay tại vùng lũ
| |
Ông Nguyễn Kế Thân, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: toàn tỉnh có gần 200.000 học sinh thiếu sách giáo khoa, trong đó có 115.000 học sinh mất trắng toàn bộ sách vở. Ngành giáo dục đang tìm mọi cách giúp đỡ 115.000 học sinh này, nếu không các em sẽ tiếp tục học chay toàn phần. Như vùng lũ xã Tân Hóa, Minh Hóa, trường học đã được khôi phục phần nào, giáo viên đã đến lớp nhưng học sinh vẫn vắng rất nhiều. Nhiều em vì gia đình không còn gì nên ở nhà đi nhặt nhạnh lại đồ đạc đã bị trôi sau hai trận lũ; có nhiều học sinh vừa đến trường vừa tranh thủ lượm lại các vật dụng gia đình.
Tại Trường Tiểu học số 1 Hưng Trạch, Bố Trạch, 437 học sinh đã đến trường, nhưng nhiều em không còn đủ áo quần đồng phục. Em Nguyễn Nam, học sinh lớp 4A mấy ngày đến lớp chỉ một bộ đồ vì lũ đã cuốn trôi mọi thứ. Nam nói: “Nhà con bị lũ cuốn sạch rồi, nhưng con thích học lắm nên thầy giáo nói đi học là con đi”. Hàng chục học sinh không sách giáo khoa, không vở, ngồi nhìn bảng đen với ngăn bàn trống hoác. Theo thầy Hiệu trưởng Phan Công Hào, trường cần viện trợ khẩn cấp 437 bộ sách giáo khoa và mỗi em 10 tập vở, bút viết.
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh, Nguyễn Khắc Hào cho biết ngày 25-10, có khoảng 348.000/350.000 học sinh các cấp của gần 800 trường học trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã bắt đầu đến trường học. Hiện tại vẫn còn khoảng 2.000 học sinh của 42 trường (trong đó có 3 trường THCS, 23 trường mẫu giáo và 16 tiểu học) chưa thể đến trường được, chủ yếu ở các huyện Vũ Quang, Hương Khê và Hương Sơn, dự kiến 3 ngày nữa toàn bộ số học sinh này sẽ bắt đầu đến trường đầy đủ.
Lũ lụt đã làm 400 trường học bị ngập chìm trong biển nước, 100.000 bộ sách giáo khoa bị ướt và cuốn trôi. Hàng ngàn giáo viên, học sinh không có nhà ở, thiếu lương thực, nước uống. Sau lũ, học sinh Hà Tĩnh đang bị thiếu trầm trọng gần 15.000 bộ sách vở.
Tại Nghệ An đến ngày 25-10, vẫn còn đóng 194 trường học, trong đó có 140 trường tại Hưng Nguyên và Nam Đàn.
Không thiếu thuốc phòng chống dịch bệnh sau lũ (SGGP).- Hôm qua 25-10, Thủ tướng đã ký quyết định về việc hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng các dự án đường cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân trong vùng bão lũ giai đoạn 2011 – 2015. Theo đó, ngân sách TƯ sẽ hỗ trợ có mục tiêu cho 30 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ để thực hiện 123 dự án đường cứu hộ, cứu nạn phòng chống lụt bão cấp bách giai đoạn 2011 – 2015. Thủ tướng giao Bộ Tài chính ứng trước 960 tỷ đồng kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2011 để các tỉnh triển khai thực hiện ngay trong năm 2010. Ngoài ra, các bệnh đường ruột đang có cơ hội bùng phát, như bệnh tiêu chảy do vi khuẩn (vi khuẩn tả), thương hàn, lỵ do các loại virus, ký sinh trùng, giun sán gây ra có liên quan đến môi trường bị ô nhiễm. điều kiện ăn ở người dân sau lũ lụt thường không đảm bảo nên dễ nhiễm bệnh đường hô hấp như viêm họng, cúm, cảm lạnh. Bộ Y tế tiếp tục dự trữ đủ thuốc men, trang thiết bị y tế, hóa chất phòng chống dịch, khử khuẩn môi trường sẵn sàng cung cấp thêm cho các địa phương phòng chống dịch nếu có yêu cầu. |
NHÓM PV
Thông tin liên quan |
>> Miền Trung khẩn trương xử lý ô nhiễm môi trường |