* Dịch bệnh truyền nhiễm vẫn căng thẳng
(SGGPO). - Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, nhận được thông tin về 18 trẻ nhỏ bị sốt, co giật, tím tái… sau khi tiêm kháng sinh tại bệnh viện đa khoa huyện Đại Từ, Thái Nguyên, Cục đã đề nghị Sở Y tế Thái Nguyên khẩn trương làm rõ sự việc và xử lý nghiêm nếu có vi phạm chuyên môn, đồng thời tiếp tục theo dõi sức khỏe của những trẻ đã tiêm kháng sinh.
Trong khi đó, Sở Y tế Thái Nguyên đã cử đoàn công tác trực tiếp tới khoa Nhi-Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Đại Từ để kiểm ra và kết luận: các biểu hiện trên của bệnh nhi ở bệnh viện đa khoa huyện Đại Từ sau tiêm kháng sinh không phải do phản ứng thuốc. Thuốc tiêm đã được pha chế theo đúng hướng dẫn, tiêm đúng quy trình kỹ thuật. Tuy nhiên, Sở Y tế Thái Nguyên vẫn thu hồi vỏ thuốc đã tiêm và lô thuốc còn lại gửi các cơ quan chức năng ở trung ương để kiểm tra làm rõ nguyên nhân.
Trước đó, vào chiều ngày 21-4, tại khoa Nhi-Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Đại Từ có 55 cháu được tiêm kháng sinh, với nhiều loại kháng sinh khác nhau như: sultacil, cephardin, cephotaxim, ampicillin, zentamicin. Sau khi tiêm khoảng 1 giờ, có 18 cháu từ 3 tháng đến 4 tuổi có biểu hiện khác thường như: sốt, quấy khóc, tím tái, trong đó có 2 cháu có dấu hiệu khó thở phải thở ôxy.
Ngay khi sự việc xảy ra, bệnh viện đã huy động y, bác sĩ kịp thời cấp cứu các bé và phần lớn số trẻ này đã hồi phục và xuất viện. Để xảy ra vụ việc nghiêm trọng như vậy nhưng bệnh viện đa khoa huyện Đại Từ đã không báo cáo ngay với Sở Y tế hay niêm phong toàn bộ số thuốc kháng sinh.
* Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm tới nay tình hình một số bệnh truyền nhiễm trên người diễn biến khá phức tạp trong cả nước. Tại khu vực phía Nam, bệnh tay - chân - miệng đang có dấu hiệu gia tăng. Trong số gần 3.000 ca mắc bệnh tay - chân - miệng ở 26 tỉnh thành, có 96% số bệnh nhân ở khu vực phía Nam. Theo các bác sĩ, bệnh tay - chân - miệng rất nguy hiểm với trẻ nhỏ. Khi trẻ có các dấu hiệu sốt, nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối và mông, loét ở miệng cần phải đưa trẻ đi khám ngay tại bệnh viện, nhằm tránh biến chứng lên não.
Tại Hà Nội, theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, đã có hơn 140 trường hợp tiêu chảy cấp (trong đó có 1 trường hợp bị tử vong) và gần 600 ca sốt phát ban. Số ca sốt xuất huyết cũng tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
NGUYỄN QUỐC