Khẩn trương ổn định cuộc sống ở vùng lũ

Thông tin liên quan
Khẩn trương ổn định cuộc sống ở vùng lũ

* 83 người chết và mất tích

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương: Tính đến ngày 11-10, tổng số người chết do lũ lụt tại các tỉnh miền Trung lên tới 66 người, tăng 2 người so với ngày 10-10 (Quảng Bình 1, Nghệ An 1); số người mất tích 17 (giảm 2 người); số người bị thương 75.

Hội Chữ thập đỏ Quảng Bình đưa hàng cứu trợ đến vùng lũ.

Hội Chữ thập đỏ Quảng Bình đưa hàng cứu trợ đến vùng lũ.

Hiện Hà Tĩnh không còn xã nào bị ngập. Tỉnh Quảng Bình còn ngập với tổng số 2 xã và 2 thôn thuộc 3 huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh. Ước tổng thiệt hại vật chất do mưa lũ gây ra cho các tỉnh miền Trung đã lên đến hơn 2.562 tỷ đồng, trong đó Quảng Bình gần 1.400 tỷ. Hiện mối nguy hiểm lớn nhất với người dân vùng lũ là tình trạng ô nhiễm môi trường và nguồn nước, do diện tích vùng dân cư bị ô nhiễm lên tới hơn 6.300 ha với hơn 100.000 người thiếu nước sạch.

Các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã và đang tập trung toàn lực khắc phục nhanh hậu quả lũ lụt, khẩn trương ổn định đời sống mọi mặt cho nhân dân. Hơn 1.000 đoàn viên thanh niên, chiến sĩ bộ đội, công an đã được điều động đến vùng rốn lũ Hương Khê (Hà Tĩnh) phối hợp với người dân thu dọn rác, dựng lại nhà cửa; ngành y tế Hà Tĩnh đã trực tiếp xử lý gần 7.000 giếng nước, 6.000 công trình vệ sinh cho nhân dân vùng lũ…

Các đoàn viên - thanh niên vận chuyển đất san lấp những điểm sạt lở tại Trường Tiểu học Đức Giang (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh).

Các đoàn viên - thanh niên vận chuyển đất san lấp những điểm sạt lở tại Trường Tiểu học Đức Giang (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh).

Ngày 11-10, sau hơn một tuần phải tạm nghỉ học do lũ lụt, gần 40.000 học sinh các cấp của 2 huyện Hương Khê và Vũ Quang tỉnh Hà Tĩnh đã trở lại trường học.

Trao đổi với PV Báo SGGP, thầy Lê Ngọc Minh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hương Khê cho biết, sáng 11-10, khoảng 28.000 trên tổng số 29.000 học sinh của 90 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, TTGDTX trên địa bàn đã trở lại trường học, hiện một số trường mầm non ở xã Phương Mỹ, Hương Thủy, Hà Linh… (với gần 1.000 em) tập trung sửa chữa, xử lý môi trường nên trong vài ba ngày tới mới có thể vào học được.

Thầy Nguyễn Thái Hòa, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Vũ Quang cũng phấn khởi cho biết, ngay trong ngày 11-10, gần 9.000 học sinh của 36 trường thuộc các cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT và TTGDTX trên địa bàn đã trở lại trường học.

Được biết, đợt lũ này đã khiến gần 100 ngôi trường bị ngập, hệ thống thư viện, thiết bị, máy tính, bàn ghế, tường rào, khu nội trú của giáo viên bị trôi, sập đổ... Tổng thiệt hại toàn ngành GD-ĐT Hà Tĩnh trên 50 tỷ đồng. Đến thời điểm này đã có gần 400 đoàn đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ và hỗ trợ cho đồng bào bị lũ lụt ở Hà Tĩnh với tổng số tiền lên đến gần 13 tỷ đồng, hơn 30 tấn mì tôm, 23 tấn gạo, 35.000 bộ quần áo, hàng ngàn thùng nước uống, lương khô, thịt hộp, vật dụng gia đình, chăn, màn…

Ngày 11-10, UBMTTQVN thành phố Cần Thơ mở đợt vận động cứu trợ đồng bào các tỉnh miền Trung bị thiên tai do mưa lũ gây ra. Ngay trong ngày đầu kêu gọi đã vận động được 190 triệu đồng. Ngoài ra, Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam TP Cần Thơ quyết định trích ngân sách 300 triệu đồng cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh. UBND tỉnh Vĩnh Long cũng vừa ứng 300 triệu đồng từ Quỹ cứu trợ của tỉnh để ủng hộ đồng bào bị lũ ở 3 tỉnh trên, mỗi tỉnh 100 triệu đồng.

Ngày 11-10, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng tổ chức tiếp nhận tiền và hàng trên địa bàn TP Đà Nẵng ủng hộ đồng bào các tỉnh Bắc miền Trung bị ảnh hưởng trong đợt thiên tai vừa qua với tổng số tiền 82 triệu đồng. Trước đó, UBND TP Đà Nẵng cũng quyết định hỗ trợ 1,5 tỷ đồng cho 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị, mỗi tỉnh 500 triệu đồng.

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định hỗ trợ 650 triệu đồng cho các tỉnh bị thiệt hại nặng trong đợt lũ vừa qua. Trong đó, hỗ trợ Quảng Bình 200 triệu đồng; Hà Tĩnh 150 triệu đồng; Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và Nghệ An mỗi tỉnh 100 triệu đồng.

Những ngày vừa qua, tỉnh Tiền Giang đã quyết định chi khẩn cấp 210 triệu đồng hỗ trợ đồng bào trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”.

Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (TP Cần Thơ) đã tổ chức đoàn cứu trợ khẩn cấp hướng về người dân vùng lũ với hơn 1.500 tủ thuốc gia đình, 15 tấn gạo, gần 2.000 áo ấm. Bên cạnh đó, Dược Hậu Giang còn hỗ trợ người dân khó khăn ở 6 xã bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra ở 3 tỉnh với tổng số tiền là 150 triệu đồng. Được biết, Dược Hậu Giang sẽ tiếp tục triển khai các đợt khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào vùng lũ nhằm giúp người dân phòng chống dịch bệnh xảy ra sau mưa lũ.

Sáng 11-10, Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ phát động đợt vận động cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Tại đợt 1, các lãnh đạo Phòng CS PCCC quận, huyện, trên sông và nghiệp vụ; các CB-CS đang làm việc tại khuôn viên Sở Cảnh sát PCCC đã quyên góp hơn 171 triệu đồng. 

Trắng tay sau lũ

Xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) lũ đã rút, chỉ còn thôn Rí Rị nước vẫn ngập tràn. Nhiều người dân đã rời hang đá về lại làng trong cảnh đổ nát hoang lạnh. Người Nguồn ở Tân Hóa đã hoàn toàn trắng tay sau trận lũ kinh hoàng.

Tân Hóa sau lũ làng mạc một màu bùn đất xơ xác. Con đường dẫn về từng bản nhỏ đã hiện ra, nhưng sau những ngõ xóm là từng căn nhà không ra dáng nhà, mái ngói những ngôi nhà truyền thống của người Nguồn đã hoàn toàn tan hoang.

Anh Đinh Sơn Tùng trong lũ đã để cho người đàn ông cụt chân tên Thương vào nhà tá túc, đêm trên gác nhà, lũ lên, Tùng trổ ngói kéo ông Thương lên nóc, nước ngập nóc một mét, hai người ôm nhau, cột dây vào nóc nhà cho nước khỏi cuốn. Rồi nghe tiếng kêu cứu giữa biển lũ trong đêm, thuyền của xóm Yên Thọ đã đến cứu Tùng và ông Thương lên hang đá. Hai người đã thoát được cơn lũ lịch sử, một tuần đằng đẵng trong hang đá quay quắt cái ăn. Lũ rút, Tùng trở về, nơi trước đây là một tổ ấm đầy tiếng cười có căn nhà nhỏ để vợ chồng con cái chung sống, nay chỉ còn nền đất trống lạnh, liếp nhà đã bị lũ cuốn đi xa hơn 5km.

Tùng dự trữ trong căn nhà hạnh phúc ấy mấy phuy ngô, lạc để chống đói những tháng cuối năm. Nhưng nay trở về, cả nhà chỉ còn được mấy gói mì tôm cứu trợ.

Tình cảnh của Tùng cũng là tình cảnh của 650 hộ dân xã Tân Hóa với 3.200 khẩu. Cuộc sống của họ đang được tính từng ngày bằng lương thực cứu đói. Ông Cao Xuân Lục, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, nói: “Nhà nào cũng mất sạch gia sản thóc, ngô, sắn chống đói mấy tháng, nay chỉ còn trông chờ vào hàng cứu trợ nữa thôi. Hết hàng cứu trợ thì nhai lá rừng mà sống”.

Đi giữa Tân Hóa mà như đi giữa thung lũng bị bom càn, từng căn nhà lũ chảy qua, nước cạy lên mái ngói ngổn ngang. Hơn 3.000 con heo nuôi của dân đã chết vì lũ hàng ngàn trâu bò cũng bị lũ nhấn chìm.

Trong khi đó, trẻ em lại khốn đốn với sách vở ướt đẫm, không còn gì ngoài những tập viết, sách đầy bùn đất. Em Đinh Thị Thương, 12 tuổi ở Rí Rị, trước đây đến trường bằng chiếc cặp mẹ ra phố huyện mua, nay sau lũ, cặp đã trôi mất. Em đang tìm lại từng trang vở để đến trường, nhưng tìm mãi cũng chỉ là mấy quyển sách đầy bùn non, phải nhúng nước cho bùn trôi đi, rồi phơi vội dưới nắng để tìm chữ.

NHÓM PV

Thông tin liên quan

>> TPHCM hỗ trợ 4,5 tỷ đồng khắc phục hậu quả lũ lụt

>> Quảng Bình: Hàng ngàn người Tân Hóa rời hang đá về nhà trong cảnh trắng tay

>> Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Trợ giúp dân xây dựng lại nhà để ổn định cuộc sống

>> Thương lắm người dân vùng lũ

>> Những chuyến bay cứu đói vùng lũ

>> Thiên tai ở miền Trung: Khẩn cấp cứu trợ

>> Các tỉnh miền Trung bị lũ lụt đang cần sự hỗ trợ khẩn cấp

>> Quảng Bình: Lũ nhấn chìm hàng ngàn căn nhà

Tin cùng chuyên mục