Khẩn trương xây dựng quy chế bảo vệ công trình kiến trúc có giá trị

° Ban hành quy trình thanh tra quản lý, sử dụng đất đai

° Ban hành quy trình thanh tra quản lý, sử dụng đất đai
(SGGP).- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đã chỉ đạo như vậy trong cuộc họp ngày 11-10 với các ban ngành chức năng về công tác bảo vệ các công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn TPHCM.

Đồng chí Nguyễn Thành Tài đã chỉ đạo các quận, huyện tiến hành thống kê các công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn và đề xuất hướng bảo vệ. Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cùng các ban ngành chức năng khác tạm thời không cấp giấy phép xây dựng mới cũng như không cho phép tháo dỡ, phá bỏ các công trình này cho đến khi thành phố hoàn thiện quy chế bảo vệ các công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn.

Theo báo cáo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, có 2 nhóm công trình kiến trúc cần được bảo vệ. Nhóm thứ nhất là các công trình có đủ điều kiện xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa. Nhóm thứ hai là các công trình có giá trị về kiến trúc nhưng chưa đủ điều kiện xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa.

Đồng chí Nguyễn Thành Tài chỉ đạo, trong quy chế quản lý các công trình kiến trúc có giá trị, các ban ngành chức năng phải xác định rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương, có lộ trình thực hiện và có sự phân công trách nhiệm cụ thể. Đặc biệt, quy chế phải đưa ra được cơ chế tài chính cho việc thực hiện công tác này và khuyến khích người dân tham gia cùng nhà nước bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị.

UBND TPHCM vừa ban hành Quy định về quy trình thanh tra quản lý, sử dụng đất đai tại TPHCM. Quy định này quy định về trình tự, thủ tục và nội dung tiến hành một cuộc thanh tra ở giai đoạn chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra và kết thúc thanh tra trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai. Bao gồm: thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý đất đai và thanh tra việc sử dụng đất của tổ chức, cá nhân sử dụng đất.

Theo đó, việc xây dựng kế hoạch thanh tra trong quản lý, sử dụng đất đai phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung cơ bản và những vấn đề trọng điểm phải tập trung thanh tra, kết luận. Trưởng đoàn thanh tra chủ trì xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, kết quả này phải phản ánh đầy đủ nội dung công việc đã thanh tra; những nội dung chưa tiến hành hoặc tiến hành ngoài quyết định và kế hoạch thanh tra được duyệt; các đề xuất về chính sách, chế độ và quản lý. Mỗi nội dung kết luận cần nêu rõ sự việc, nguyên nhân, trách nhiệm, hình thức xử lý, thời hạn chấp hành… TP yêu cầu Thanh tra TP phối hợp với Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường chịu trách nhiệm tổ chức thí điểm, tập huấn, triển khai quy trình này. Quy định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18-10-2010.

NG.KH. - N.NG.

Tin cùng chuyên mục