Khẳng định vai trò khoa học công nghệ

Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện “Chiến lược khoa học – công nghệ (KH-CN) 2001 – 2010, đánh giá kết quả hoạt động KH-CN giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng nhiệm vụ 2011 – 2015” vừa được Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức phần nào cho thấy bức tranh toàn cảnh về KH-CN nước ta trong 5 năm qua. Rõ ràng, KH-CN ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong đời sống, giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội quốc gia.
Khẳng định vai trò khoa học công nghệ

Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện “Chiến lược khoa học – công nghệ (KH-CN) 2001 – 2010, đánh giá kết quả hoạt động KH-CN giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng nhiệm vụ 2011 – 2015” vừa được Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức phần nào cho thấy bức tranh toàn cảnh về KH-CN nước ta trong 5 năm qua. Rõ ràng, KH-CN ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong đời sống, giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội quốc gia.

Trạm điều khiển vệ tinh mặt đất (Vinasat 1) tại Bình Dương là một trong những thành quả liên kết phát triển KH-CN Việt Nam với quốc tế

Trạm điều khiển vệ tinh mặt đất (Vinasat 1) tại Bình Dương là một trong những thành quả liên kết phát triển KH-CN Việt Nam với quốc tế

Kết quả nổi bật

Theo Bộ KH-CN, nổi bật nhất là hệ thống pháp luật về KH-CN cơ bản được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động KH-CN và hội nhập quốc tế. Khoa học xã hội đã kịp thời cung cấp luận cứ khoa học cho quá trình công nghiệp hóa, phát triển bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới. Thị trường công nghệ được hình thành, phát triển, bước đầu phát huy vai trò cầu nối, gắn kết hoạt động KH-CN với sản xuất, kinh doanh. Cơ chế hoạt động của các tổ chức KH-CN được đổi mới theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hình thành doanh nghiệp KH-CN.

Báo cáo của Bộ KH-CN cũng cho thấy 5 năm qua, với mức đầu tư còn thấp nhưng trình độ nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, vaccine, công nghệ tế bào... đã sánh ngang trình độ của các nước trong khu vực. Lĩnh vực có nhiều thành công nhất phải kể đến là phát triển KH-CN trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp.

Việc Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo, thứ 4 về xuất khẩu cao su, thứ nhất về xuất khẩu hồ tiêu, điều; sản lượng xuất khẩu thủy sản cũng ở mức cao với giá trị lên đến 4,26 tỷ USD trong năm 2009, đưa tổng giá trị xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản năm 2009 đạt 15,2 tỷ USD có đóng góp rất lớn của KH-CN.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cũng cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu nâng giá trị sản phẩm công nghệ cao đến năm 2015 đạt khoảng 30% trong tổng GDP, 100% doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực có dự án nâng cao năng suất và chất lượng. Về xây dựng tiềm lực KH-CN, phấn đấu xây dựng 10 - 12 viện nghiên cứu và 20 - 30 tập thể khoa học đủ sức tổ chức nghiên cứu và giải quyết những nhiệm vụ KH-CN trọng điểm quốc gia ở trình độ quốc tế...

Và những tồn tại

Báo cáo về thực hiện Chiến lược phát triển KH-CN Việt Nam 2001 - 2010, đánh giá kết quả hoạt động KH-CN 2006 - 2010, phương hướng nhiệm vụ 2011 – 2015 chỉ rõ bên cạnh những thành tựu đạt được, KH-CN nước ta vẫn còn bộc lộ một số mặt yếu kém. Về năng lực KH-CN, cơ cấu nhân lực KH-CN theo ngành nghề và lãnh thổ còn bất hợp lý; chưa có cơ chế chính sách đủ mạnh để huy động được nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, nước ta còn có khoảng cách nhất định về tiềm lực và kết quả hoạt động KH-CN.

Trình độ công nghệ của nhiều ngành sản xuất nước ta hiện nay vẫn lạc hậu so với các nước trong khu vực, hạn chế năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Về cơ chế quản lý KH-CN, dù đã được đổi mới những vẫn nặng tính hành chính. Các tổ chức KH-CN chưa mạnh dạn và còn lúng túng khi chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; chưa có những chính sách hữu hiệu tạo động lực đối với cán bộ KH-CN và chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; thị trường KH-CN phát triển chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đánh giá cao vai trò của Bộ KH-CN trong việc giúp Chính phủ triển khai mạnh mẽ chiến lược phát triển KH-CN, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của KH-CN thời gian tới. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh cần tiếp tục quan tâm đổi mới cơ chế tài chính góp phần tạo sự phát triển bền vững của KH-CN; phát triển nguồn nhân lực trong hoạt động KH-CN; ứng dụng KH-CN trong hoạt động của doanh nghiệp…

Để KH-CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, những năm tới cần giải quyết được việc thu hút doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học cũng như đưa những thành tựu của KH-CN đến nhiều hơn với doanh nghiệp; tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế để học hỏi và từng bước làm chủ những lĩnh vực khoa học, công nghệ cao.

Bộ KH-CN đã chọn Công ty cổ phần Dịch vụ Công nghệ thông tin Naiscorp là doanh nghiệp KH-CN trẻ tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong hoạt động  KH-CN giai đoạn 2006 – 2010 và tham gia giao lưu tại hội nghị. Naiscorp là doanh nghiệp trẻ đi lên từ nhóm nghiên cứu khoa học có thành tựu, có ước mơ lớn… Công nghệ của Naiscorp cũng được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực và trong các cơ quan, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Tài, Tổng Giám đốc Công ty Naiscorp cho rằng: Doanh nghiệp KH-CN là một mô hình không dễ để thành công, nhưng khi thành công thì có thể thành công rất lớn, có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Do đó rất mong Nhà nước, Bộ KH-CN cần có các chủ trương, chương trình hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp KH-CN một cách trực tiếp hoặc gián tiếp và đẩy nhanh và ưu tiên ứng dụng công nghệ “made in Việt Nam” vào các chương trình lớn của quốc gia.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục