Khẳng định vị thế “Bát cơm châu Á”

Ngày 31-10-2011, dân số thế giới chạm mốc 7 tỷ người. Dân số tăng kéo theo nhu cầu về lương thực không ngừng tăng, trong khi diện tích sản xuất nông sản trên thế giới ngày càng giảm. ĐBSCL có trên 3,8 triệu hécta đất nông nghiệp, điều kiện địa lý và sản xuất có lợi thế so sánh tốt nhất ở Việt Nam, được mệnh danh là “Bát cơm châu Á”. Với vị thế đó, chúng ta có quyền kỳ vọng vào một đồng bằng giàu có trong tương lai.
Khẳng định vị thế “Bát cơm châu Á”

Ngày 31-10-2011, dân số thế giới chạm mốc 7 tỷ người. Dân số tăng kéo theo nhu cầu về lương thực không ngừng tăng, trong khi diện tích sản xuất nông sản trên thế giới ngày càng giảm. ĐBSCL có trên 3,8 triệu hécta đất nông nghiệp, điều kiện địa lý và sản xuất có lợi thế so sánh tốt nhất ở Việt Nam, được mệnh danh là “Bát cơm châu Á”. Với vị thế đó, chúng ta có quyền kỳ vọng vào một đồng bằng giàu có trong tương lai.

  • An ninh lương thực, vấn đề toàn cầu

Theo báo cáo của tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (Food and Agriculture Organization-FAO), giá lương thực tăng cao kỷ lục trong thời gian qua và có thể còn cao hơn nữa do biến đổi bất thường của khí hậu toàn cầu. Trước đó, trong báo cáo “Triển vọng lương thực”, FAO cũng đưa ra nhận định: Giá lương thực toàn cầu sẽ tăng từ 10%-20% do mất mùa và giảm sút các nguồn dự trữ toàn cầu. Trong khi đó, giá lúa mì, giá ngô và đậu tương tăng liên tục. Thật ra nạn đói và những biến loạn xã hội vì đói kém không phải điều mới lạ. Từ mấy chục năm nay, các tổ chức phi chính phủ và nhất là Chương trình Lương thực Thế giới (World Food Program – WFP) vẫn thường xuyên cứu trợ hàng trăm ngàn người đói vì mất mùa hay phải sơ tán vì chiến tranh loạn lạc, phần lớn ở châu Phi.

Nông dân đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa bằng cơ giớI. Ảnh: DUY BẰNG

Nông dân đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa bằng cơ giớI. Ảnh: DUY BẰNG

Điểm đặc biệt lần này, cùng một lúc trên thế giới, không chỉ các nước nghèo mới lo lắng mà cả những nước giàu cũng quan tâm đến an ninh lương thực. Nước nghèo lo không có tiền nhập thực phẩm, dân chúng sẽ đói và nổi loạn. Nước giàu e các nguồn cung ứng có thể thiếu hụt, ảnh hưởng đến nếp sống tiêu thụ thoải mái xưa nay. Cụm từ “biến động giá lương thực” nhanh chóng trở thành “khủng hoảng lương thực”. An ninh lương thực và nông nghiệp lại trở thành trọng tâm của dư luận quốc tế.

Ông Robert S.Zeigler, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) cho biết: “Đầu những năm 2000, quỹ lương thực thế giới khá dồi dào, nhưng sau đó cạn dần. Đến đầu năm 2008 hầu như bằng không. Hiện quỹ dự trữ đảm bảo đủ lương thực trong 120 ngày (4 tháng). Nhưng gần đây, giá gạo bắt đầu tăng trở lại”. Đây là một vấn nạn nghiêm trọng không riêng của quốc gia nào.

Rõ ràng, tầm quan trọng của lúa gạo với an ninh lương thực đã và đang tăng, thậm chí với cả những nước lúa gạo không phải lương thực truyền thống. Khủng hoảng lương thực luôn được cả thế giới quan tâm, vì nó liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, kéo lùi những thành tựu giảm nghèo trong Chương trình thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc, nhất là các nước nghèo đã đạt được sau nhiều năm phấn đấu. Cùng với đó là những hệ lụy không chỉ trong phạm vi kinh tế mà cả về chính trị, xã hội.

Cuộc khủng hoảng lương thực cuối năm 2007 đến đầu năm 2008 với giá lương thực, đặc biệt là giá gạo tăng đột biến khiến gần 100 triệu người lâm vào cảnh thiếu lương thực và đã gây ra những biến động phức tạp về chính trị, xã hội ở nhiều quốc gia châu Á, châu Phi và Trung Mỹ.

  • Đong đầy “Bát cơm châu Á”

Trong những năm gần đây, cây lúa ngày càng khẳng định được vị thế trong sự phát triển của đất nước. Việt Nam từ một nước đói nghèo đã vươn lên thành nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo (sau Thái Lan). Có thể nói, hiện nay kinh nghiệm và kỹ thuật trồng lúa nước của bà con nông dân đã đạt đến trình độ khá cao, cộng với sự phát triển của công nghệ sinh học và sự đầu tư thích đáng về thủy lợi, giao thông, nghề trồng lúa nước đã tạo được một vị thế lớn trong ngành nông nghiệp nước ta, nhất là ở ĐBSCL.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp của các tổ chức quốc tế nhận xét rằng: điều kiện trồng lúa của Việt Nam vào loại thuận lợi nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá lương thực trên thế giới đang có xu hướng tăng cao, cung – cầu mất cân đối, Việt Nam cần giải quyết tốt bài toán vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa phải tận dụng thời cơ để xuất khẩu lương thực đạt hiệu quả cao nhất và ứng phó tốt với biến đổi khí hậu. Gần 9 năm qua, đất lúa đã bị giảm 590.000 ha. Riêng tại ĐBSCL, đất lúa đã bị giảm 205.000 ha (57% so với toàn quốc). Đó là những thách thức không nhỏ trong vấn đề đảm bảo an ninh lương thực hiện nay.

Hiện năng suất và sản lượng lúa đã tăng gấp 2 lần so với cách nay 30 năm. Tại ĐBSCL, mặc dù diện tích canh tác nông nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 27% nhưng ĐBSCL chiếm tới 45% diện tích lúa, 71% diện tích nuôi trồng thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, để ĐBSCL phát triển bền vững trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và khủng hoảng lương thực, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần, ĐBSCL cần sớm hình thành các vùng chuyên canh lúa có quy mô sản xuất lớn, vừa với khả năng cơ giới hóa. Xây dựng hệ thống nhà kho lớn gắn với các cơ sở hạ tầng phục vụ tiếp thị như sàn giao dịch, nhà máy chế biến, bến cảng xuất khẩu tại chỗ.

Còn TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng cần đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ nông nghiệp và kinh tế nông thôn một cách hiệu quả và vững bền cho ĐBSCL. Để đối phó với biến đổi khí hậu, cần cân nhắc nghiêm túc về tận dụng lợi thế về sản xuất nông nghiệp và sinh kế nông thôn hài hòa với thiên nhiên hơn là việc thay đổi điều kiện tự nhiên.

GS-TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam khẳng định: “Rủi ro về sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL chỉ vài phần trăm trong khi ở đồng bằng sông Hồng 30%, miền Trung khoảng 50%. Việt Nam nhắm tới mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa năm 2020, diện tích lúa sẽ giảm. Như vậy phải tổ chức lại cho nông dân sản xuất theo hướng công nghiệp hóa. Và phải ưu tiên ở ĐBSCL vì đồng bằng này là vùng sản xuất nông nghiệp vô cùng ổn định”. 

TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục