Trong một hội nghị mới đây về đánh giá tình hình, tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) ở TPHCM, đại diện Thanh tra thành phố cho biết: Trong 4 năm, thanh tra chỉ phát hiện và chuyển hồ sơ sang công an điều tra xử lý 4 vụ việc. Cả 4 vụ đều được phát hiện từ 3 năm trước. Còn từ đầu năm 2010 đến nay, Thanh tra TP không phát hiện thêm trường hợp tham nhũng nào.
Phát hiện tham nhũng “vặt”
Nhiều người lạc quan sẽ tin rằng công tác PCTN trên địa bàn TP đạt hiệu quả rất tích cực khi số vụ tham nhũng bị phát hiện quá ít. Tuy nhiên, trong dự thảo báo cáo tổng kết 5 năm (2006-2010) về công tác PCTN, lại có nhiều vấn đề khác đáng quan tâm. Theo đó, Công an TP thụ lý điều tra 112 vụ, đã khởi tố điều tra 96 vụ với 248 bị can, đồng thời xác minh trên 50 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, Viện Kiểm sát nhân dân TP truy tố 79 vụ, các đoàn kiểm tra của Thành ủy phát hiện 468 cá nhân sai phạm, toàn ngành thanh tra TP phát hiện sai phạm kinh tế hơn 1.300 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 55 vụ…
Bên cạnh những vụ việc nổi cộm như vụ nhận hối lộ tại PCI, vụ tiêu cực đất đai Gò Môn, vụ Công ty Thành Phát, các vụ tham nhũng, tiêu cực được phát hiện còn lại chủ yếu là tham nhũng “vặt” với đối tượng là đội ngũ CBCC mà nhiều phương tiện truyền thông đã thông tin. Qua kênh báo chí, dư luận bức xúc vụ Lê Văn Bình, nguyên Chủ tịch UBND phường 12 quận Gò Vấp và Nguyễn Tri Ân, nguyên cán bộ địa chính phường 11, quận Gò Vấp “chạy” hợp thức hóa hồ sơ giấy tờ nhà. Nguyễn Thanh Vinh, nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường 14 quận Phú Nhuận “vòi” tiền của dân để hoãn gọi nghĩa vụ quân sự. Lý Thị Quỳnh Trâm, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 9 quận Phú Nhuận sử dụng trái phép tiền quyên góp của hội…
Như báo chí đã từng lên tiếng, phần lớn các vụ việc bị phát hiện, xử lý đều từ đơn thư tố cáo của người dân. Điển hình như vụ Nguyễn Thị Thùy Linh, nguyên kế toán Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hóc Môn chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng từ việc lập danh sách giả nhận tiền đền bù giải tỏa mặt bằng là từ tố cáo của một cán bộ hưu trí ở địa phương. Một người dân ở quận 9 đã thông tin, giúp địa phương này xử lý cán bộ vi phạm và thu hồi lại 7 căn nhà, 177m² đất…
Trong dự thảo báo cáo tổng kết 5 năm về công tác PCTN, TP cũng nhìn nhận: “Tình hình tham nhũng, lãng phí vẫn còn phức tạp. Tiền, tài sản thất thoát, thiệt hại lớn, khó khắc phục. Việc ngăn chặn và tự phát hiện hành vi tham nhũng còn ít…”.
Đánh giá về việc này, ông Phan Bá, Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cho biết: Nhận thức của một số cấp ủy, một bộ phận cán bộ về tham nhũng chưa đầy đủ và sâu sắc, chưa thấy hết tính nghiêm trọng của vấn đề. Việc phát hiện tham nhũng phần lớn không phải do tổ chức cơ sở Đảng, do nội bộ mà do quần chúng và báo chí tố giác. Điều này cho thấy hoạt động của các ban thanh tra nhân dân, công tác kiểm tra, đoàn thể tại cơ quan, đơn vị không phát huy hiệu quả. Nhiều vụ việc vì để sai phạm kéo dài dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Khi vụ việc xảy ra, các đơn vị chỉ lo tìm hiểu đối tượng tham nhũng, chức vụ, số tiền chiếm đoạt là bao nhiêu mà quên mất một nội dung rất cần được “lượng hóa” là niềm tin của người dân sẽ bị tổn thất thế nào. “Mất tài sản là thiệt hại nhỏ, mất cán bộ thiệt hại lớn hơn nhưng mất niềm tin của người dân mới là thiệt hại nặng nề nhất” - ông Phan Bá đúc kết.
Đánh giá tổ chức Đảng, đảng viên qua PCTN
Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến tham nhũng trên địa bàn TPHCM vẫn diễn biến phức tạp, tham nhũng “vặt” có đất phát triển, ông Phan Bá cho rằng bên cạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn kéo dài, việc điều tra chứng cứ để định tội danh còn gặp khó khăn (hối lộ, nhận hối lộ, cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô…) thì nguyên nhân chủ quan còn nhiều. Việc quản lý, giám sát của các cơ quan lỏng lẻo, tạo điều kiện để CBCC phát sinh tiêu cực trong thực hiện công vụ. Hệ thống chính sách, pháp luật dễ bị lợi dụng vì còn sơ hở. TP cũng chưa thực hiện triệt để một số giải pháp trong 6 nhóm giải pháp PCTN mà luật quy định như xử lý người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng, nộp lại quà biếu, luân chuyển cán bộ… “Trước hết, TP phải kiểm tra lại các giải pháp phòng ngừa tham nhũng để đánh giá lại toàn bộ, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong PCTN; củng cố cơ quan chức năng, nâng cao năng lực về PCTN; giáo dục liêm chính cho CBCC để họ thấy vinh khi từ chối, nhục khi cầm những đồng tiền tham nhũng. Không có một giải pháp nào là tối ưu mà TP phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp” - ông Phan Bá đề nghị.
Dự thảo báo cáo tổng kết 5 năm về công tác PCTN cũng đề cập nhiều giải pháp đồng bộ mà TP phải thực hiện trong giai đoạn tới. Trong đó, TP mạnh dạn đưa nội dung thực hiện PCTN, lãng phí, thực hành tiết kiệm vào tiêu chuẩn đánh giá, phân tích chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên hàng năm. Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu đơn vị trong PCTN, lãng phí. Kiên quyết thay thế những cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, suy thoái về đạo đức, bị dư luận chê trách. Bên cạnh việc tập trung kiểm tra, thanh tra để phòng ngừa tham nhũng trong những lĩnh vực nhạy cảm lâu nay, TP cũng chú trọng đến vai trò của cơ quan báo chí thông qua việc kịp thời xem xét, chỉ đạo giải quyết các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng do báo đài và dư luận phản ánh…
Hồng Hiệp