Khánh thành công trình cơ sở cách mạng xã Mỹ Quới và nhà lưu niệm đồng chí Ngô Thị Huệ

Khánh thành công trình cơ sở cách mạng xã Mỹ Quới và nhà lưu niệm đồng chí Ngô Thị Huệ

Ngày 25-11, tại xã Mỹ Quới (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng khánh thành công trình cơ sở cách mạng xã Mỹ Quới và nhà lưu niệm đồng chí Ngô Thị Huệ.

Đến dự lễ có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng; nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải; Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng; nguyên Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ và đại biểu các tỉnh thành trong khu vực cùng đông đảo nhân dân thị xã Ngã Năm.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL chụp ảnh lưu niệm với đồng chí Ngô Thị Huệ  Ảnh: Quang Vinh

Tiếp cận với các tài liệu cộng sản và tham gia hoạt động cách mạng từ khá sớm, 11 tuổi, đồng chí Ngô Thị Huệ đã được người anh rể là ông Trần Văn Bảy giác ngộ cách mạng, thoát ly gia đình đi cách mạng với vai trò giao liên. Năm 1936, khi mới 18 tuổi, đồng chí đã được kết nạp vào Đảng; sau đó tham gia hoạt động cách mạng tại nhiều địa bàn với nhiều chức vụ khác nhau. Đồng chí đã nhiều lần bị giặc bắt, kết án tù chung thân khổ sai, bị giam cầm, tra tấn lần lượt ở các nhà tù Chợ Quán, Chí Hòa rồi Côn Đảo. Đến tháng 6-1945, sau một số lần tổ chức phá khám vượt ngục, đồng chí Ngô Thị Huệ mới được giải thoát về Bạc Liêu. Từ đó, đồng chí Bảy Huệ tham gia Tỉnh ủy lâm thời, tổ chức Cách mạng Tháng Tám và cướp chính quyền ở Bạc Liêu. Tháng 1-1946, ngày tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí Ngô Thị Huệ đã trở thành đại biểu Quốc hội, một trong 3 nữ đại biểu Quốc hội đại diện miền Nam Việt Nam trong số 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đồng chí ra Hà Nội nhận công tác Quốc hội vào tháng 10-1946. Đầu năm 1947, đồng chí Ngô Thị Huệ trở lại miền Nam tiếp tục hoạt động và được cử vào Ban Thường vụ Xứ ủy Nam bộ. Đồng chí tiếp tục tham gia các công tác Ban tổ chức Xứ ủy, Ban Phụ vận, Đảng đoàn Phụ nữ Nam bộ những năm 1952 - 1954, làm đại biểu Quốc hội lưu nhiệm (miền Nam) khóa II và III. Năm 1954, sau Hiệp định Genève, đồng chí Ngô Thị Huệ về Sài Gòn làm Trưởng ban Phụ vận Thành ủy. Năm 1959, đồng chí  cùng các con ra Hà Nội học tập và công tác. Đồng chí từng giữ trọng trách Vụ trưởng Vụ Tổ chức, Ban Cán bộ Trung ương, trúng cử đại biểu Quốc hội khóa IV.

Nghỉ hưu về sống tại TPHCM, đồng chí Ngô Thị Huệ tích cực tham gia các phong trào phụ nữ. Đồng chí là một trong những người thuộc nhóm thành lập Tổ sử Phụ nữ Nam bộ, rồi sau đó phát triển thành Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, ủy viên Hội đồng biên soạn lịch sử Nam bộ Kháng chiến. Đồng chí cũng có mặt và đóng góp công sức của mình trong nhiều chương trình từ thiện, là người đã có công vận động để lập ra Bệnh viện miễn phí An Bình (nay thuộc Sở Y tế TPHCM). Năm 1993, tại cuộc họp Thường trực Thành ủy TP, đồng chí Ngô Thị Huệ cùng một số cán bộ đã đề xuất thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM. 

Với quá trình hoạt động cách mạng và cống hiến của mình, đồng chí Ngô Thị Huệ đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều huân chương, huy chương kháng chiến các loại. Đồng chí cùng 5 nữ cán bộ cách mạng lão thành trong Tổ Sử phụ nữ Nam bộ được phong tặng Huân chương Lao động hạng nhất vào năm 1997. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2012), đồng chí được trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng và Huân chương Hồ Chí Minh.

Tại lễ khánh thành đầy trang trọng, ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Sóc Trăng, đã báo cáo quá trình xây dựng công trình cho biết: Công trình được khởi công xây dựng từ đầu tháng 7 và hoàn thành vào cuối tháng 10-2016, có diện tích 127,5m2, tổng kinh phí đầu tư 1,5 tỷ đồng bao gồm nguồn vốn ngân sách tỉnh và nguồn vốn xã hội hóa. Công trình gồm nhà lưu niệm, đường đi, bờ kè, sân đường nội bộ và nội thất bên trong; trong đó nội thất bên trong nhà lưu niệm được xếp thành 3 gian. Hiện nay, hơn 2.000 đầu sách quý, trong đó có tác phẩm “Tiếng sóng bủa ghềnh” của đồng chí Ngô Thị Huệ đã được trưng bày tại đây. Công trình được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa và mừng đại thọ 100 tuổi đời, 84 tuổi Đảng của đồng chí Ngô Thị Huệ.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã xúc động ôn lại quá trình cách mạng đầy cam go và thử thách của đồng chí Ngô Thị Huệ. “Công trình đầu tư với diện tích không lớn, số tiền không nhiều nhưng chứa đựng tấm lòng của các thế hệ với truyền thống cách mạng hào hùng của người dân Mỹ Quới và đồng chí Ngô Thị Huệ. Công trình có ý nghĩa lịch sử hết sức quan trọng, giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ; công trình không chỉ gắn với cuộc đời, sự nghiệp của một người phụ nữ Nam bộ tiêu biểu vào thời kỳ đầu của cách mạng Việt Nam mà còn gắn với truyền thống anh hùng của những người con ưu tú, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng qua các thời kỳ và những chiến sĩ cách mạng của xã Mỹ Quới”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân hy vọng sẽ có nhiều thế hệ học sinh, thanh niên, thiếu niên nhi đồng đến đây để tìm hiểu, học tập truyền thống yêu nước, quê hương cách mạng; đồng thời nhắc nhở các thế hệ noi theo tấm gương của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và đồng chí Ngô Thị Huệ.

Dịp này, Văn phòng Chủ tịch nước, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã tặng 200 suất quà cho các học sinh hiếu học, vượt khó và 20 phần quà cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng của địa phương.

MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục