Khao khát kỹ năng mềm

Thực tế kinh tế Mỹ hiện nay cho thấy ngày càng có nhiều việc làm dựa vào các kỹ năng trừu tượng (tạm gọi là kỹ năng mềm) chứ không phải là kiến thức hoặc kỹ năng đo lường được. Điều này buộc nước Mỹ và các trường cao đẳng, đại học phải xem xét đến “tài sản vô hình” về nguồn kiến thức xã hội, trí tuệ và óc tổ chức cho các em sinh viên.

Chuyện tưởng như đùa, báo CS Monitor dẫn kết quả một cuộc thăm dò của Viện Gallup cho thấy, hầu hết người Mỹ nói rằng tốt nghiệp trung học cơ sở đã là quá “sang” để có thể tìm việc. Tuy nhiên điều đáng lưu ý hơn có trên 1/4 số người được hỏi nói rằng chất lượng của giáo dục đại học Mỹ trở nên tồi tệ hơn. Nghịch lý ở chỗ: Nền kinh tế Mỹ tạo thêm chỉ có 4.000 việc làm trong tháng 1-2013 nhưng hoạt động sản xuất đang gia tăng ở mức cao nhất trong gần 1 năm.

Thực tế là Mỹ có một số lượng kỷ lục bằng cử nhân. Hơn 1/3 trong số này tốt nghiệp đại học năm 2010 giờ đây có công việc không đòi hỏi nhiều hơn 1 bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Hơn 1/2 trong số này thiếu việc làm trong thời kỳ 3 năm hậu suy thoái (kinh tế Mỹ suy thoái năm 2009). Do thị trường việc làm thay đổi nhiều nên các nhà kinh tế đang rất lúng túng để giúp thanh niên lựa chọn ngành học, hay nói rộng hơn là giúp định hướng ngành học theo thị trường công việc trong bối cảnh nhiều ngành nghề không còn phù hợp với xã hội ngày nay. Với các nước phát triển, việc định hướng nghề theo nền kinh tế không phải dễ.

Tăng trưởng kinh tế tại các nước phát triển như Mỹ phần lớn xuất phát từ “kỹ năng mềm” bao gồm niềm tin trong các mối quan hệ kinh doanh, mức độ tự do cho mọi người để sáng tạo và khả năng quản lý làm sao tổ chức tốt nhất cho các nhân viên sử dụng các công nghệ mới. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), vốn hữu hình, chẳng hạn như nhà máy, đường cao tốc và nguồn cung cấp năng lượng vẫn còn quan trọng nhưng đã giảm bớt. Vốn vô hình, thường được gọi là con người, óc tổ chức, hoặc trí tuệ hiện thống trị nền kinh tế hiện đại, trong cả các doanh nghiệp theo định hướng dịch vụ hoặc sản xuất công nghệ cao.

Thật không may, giáo dục đại học tập trung vào việc cung cấp một tập hợp các kỹ năng hoặc kiến thức không thể giúp sinh viên tốt nghiệp với khả năng rộng lớn hơn để có tư duy suy xét,  sáng tạo và thích ứng với một nền kinh tế đang thay đổi. Sinh viên tốt nghiệp khoa học máy tính loại giỏi có thể tìm được một công việc, nhưng việc họ có thể tạo ra đội ngũ nhân viên sáng tạo đáp ứng ý tưởng của khách hàng, nhà cung cấp và đồng nghiệp hay không là chuyện khác.

Cũng theo một cuộc thăm dò của  Gallup về giáo dục đại học, người Mỹ đang rất khao khát học tập một chương trình tiên tiến hơn nhưng các trường đại học lại tỏ ra thận trọng. Vì vậy, những gì tạo ra giá trị trong nền kinh tế ngày nay xuất phát từ những cách thức  tổ chức các mối quan hệ thành các nhóm để khai thác thành những ý tưởng, công nghệ phục vụ nền kinh tế.

Các nhà giáo dục khuyên các chuyên gia đào tạo và học sinh cần phải đi tiên phong trong việc phát triển “kỹ năng mềm” nhằm mang lại thành công trong kinh doanh hơn là chỉ tập trung vào kỹ năng vật lý  hay những kiến thức có thể đo lường. Nhiều trường đại học và các doanh nghiệp đã bắt đầu hợp tác cung cấp môi trường đào tạo “kỹ năng mềm”. Quá trình phục hồi kinh tế Mỹ  yêu cầu sinh viên phải được đào tạo theo cách thức sáng tạo hơn.

Thụy Vũ

Tin cùng chuyên mục