Vừa qua, để chuẩn bị triển khai các công trình trên địa bàn các xã biên giới của tỉnh Bình Phước, Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã tổ chức chuyến khảo sát thực địa. Chuyến đi được Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Bình Phước, Đại tá Phùng Tiến Lãng “thiết kế” với những điểm dừng chân đem lại nhiều cảm xúc cho các thành viên trong đoàn. Và nhờ thế, ngoài nội dung chính, từ chuyến đi này ý tưởng tổ chức các hoạt động “về nguồn Trường Sơn” trên địa bàn miền Đông Nam bộ, điểm cuối tuyến đường Trường Sơn, cũng bắt đầu rõ nét hơn.
Chuyến khảo sát bắt đầu từ các đồn biên phòng trên tuyến biên giới Lộc Ninh đến Đắc Bô - điểm tiếp giáp với huyện Tuy Đức (tỉnh Đắc Nông). Theo chỉ huy Đồn Biên phòng Đắc Quýt (huyện Bù Đốp), khu vực đóng quân của đơn vị hiện còn một số dấu tích của đường Hồ Chí Minh trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, trong đó có Đường 10, trạm tiếp xăng dầu, bệnh xá, trạm giao liên…
Trong tương lai khi hệ thống giao thông đi lại giữa Tà Thiết, Lộc Ninh, Bình Long, Phước Long và nhất là tuyến đường tuần tra biên giới từ Tây Ninh đi Đắc Nông qua Bù Đốp, Bù Gia Mập được hoàn chỉnh, việc đi lại tại khu vực này sẽ rất thuận tiện.
Địa danh Ngã ba cửa rừng - giao điểm giữa Đường 10 và đường ống dẫn xăng dầu trong hệ thống xăng dầu của đường Trường Sơn tại huyện Bù Đốp, hiện đang có bia tưởng niệm, là nơi đoàn dừng chân lâu nhất. Nơi đây dự kiến được chọn làm điểm để xây dựng đền tưởng niệm liệt sĩ tại đoạn cuối đường Trường Sơn huyền thoại.
Từ Đồn Biên phòng Đắc Ơ, theo tuyến đường tuần tra biên giới dài hơn 40km từ cửa rừng thuộc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, chúng tôi đi xuyên qua những cánh rừng già tuyệt đẹp chạy dọc biên giới Campuchia để đến Đắc Bô.
Tại khu vực này có các đồn biên phòng Bù Gia Mập, Đắc Ka và Đắc Bô trấn giữ một vùng biên cương vừa giàu, vừa đẹp của Tổ quốc. Những con dốc thẳng đứng uốn lượn theo những cánh rừng già ngút tầm mắt; những ngọn thác, bãi đá, con suối, những thân cây to 2 - 3 người ôm cao vút, hòa với tiếng chim hót, vượn hú, thú gọi bầy trong ánh nắng chiều buông đầy trên những tán lá rừng… càng tôn lên vẻ đẹp của vùng rừng núi biên cương.
Theo Thiếu tá Trịnh Xuân Toái, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đắc Bô, đến với Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, mọi người sẽ không chỉ khám phá, tận hưởng phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn nâng cao hiểu biết về biên giới, cột mốc chủ quyền quốc gia và cảm nhận được cuộc sống gian khó, nhưng đáng tự hào của các chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm canh giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Trước đó, qua các chuyến đi khảo sát của mình, các thành viên Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn cũng đã có ý tưởng về việc tổ chức những chuyến đi về nguồn, đặc biệt dành cho thế hệ trẻ để qua đó truyền đi thông điệp, nhắc nhở mọi người không lãng quên Trường Sơn huyền thoại. Trước mắt, có thể mở ra hướng phát triển các loại hình du lịch truyền thống, học tập tìm hiểu lịch sử của cả một vùng Nam dãy Trường Sơn hùng vĩ và tổ chức các khóa học kỳ hè trên biên cương Tổ quốc.
Tại khu vực Đồn Biên phòng Đắc Ơ (xã Đắc Ơ, huyện Bù Gia Mập), hiện có hơn 70% trong số gần 5.000 dân sinh sống là đồng bào các dân tộc ít người như: Giẻ Chiêng, Tày, Nùng, Mơ Nông… với bản sắc văn hóa rất phong phú. Đây còn là điều kiện để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, học tập gắn với các địa danh lịch sử, các bản làng dân tộc của Trường Sơn.
Đại tá Phùng Tiến Lãng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước khẳng định: Biên phòng tỉnh Bình Phước luôn trong tư thế sẵn sàng cho các hoạt động mang ý nghĩa hướng về Trường Sơn.
Ngoài việc đồng hành cùng Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn với nhiệm vụ chính là xây dựng các đền tưởng niệm liệt sĩ, nhà tình nghĩa, học bổng cho học sinh nghèo biên giới, các đơn vị biên phòng tỉnh Bình Phước cũng sẽ tham gia, tạo điều kiện tốt nhất để thế hệ trẻ hôm nay được đến với Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại tham quan học tập, tìm hiểu, để càng thêm yêu quý từng mảnh đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc.
HOÀI NAM