Khát dầu

Giá dầu thế giới hiện giảm so với mức đỉnh cao 147 USD/thùng năm 2008 và mức 127 USD/thùng trong năm nay. Giá dầu thô tại thị trường New York trong ngày 22-6 giảm, còn khoảng 93,40 USD/thùng, giá dầu thô Brent tại thị trường London khoảng 111,32 USD/thùng. Giá dầu giảm do một số nguyên nhân như nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu chậm hồi phục, nhiều nền kinh tế thành viên khu vực đồng EUR như Hy Lạp và Tây Ban Nha tiếp tục có nhiều diễn biến xấu và khối OPEC có thể tăng sản lượng. Nhìn chung, các yếu tố này mang tính chất ngắn hạn.

Về lâu dài, hầu hết các nhà kinh tế đều nhận định giá dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng, có thể đe dọa sự phục hồi kinh tế thế giới. Nhà kinh tế Fatih Birol, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cảnh báo: “Giá dầu cao có thể kéo giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ, hai nền kinh tế có mức tăng trưởng hàng đầu của thế giới và đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế thế giới”.

Theo IEA, nhu cầu về dầu toàn cầu trong 5 năm tới tăng trung bình 700.000 thùng/ngày, riêng Trung Quốc chiếm 40% trong số này. Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu một nửa trong tổng số khí đốt tiêu thụ tại nước này bất chấp đây là một trong những nước có nguồn khí đốt lớn nhất thế giới. Đến năm 2015, Trung Quốc sẽ nhập khẩu 50 tỷ m³ khí đốt hóa lỏng, tương đương với lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu.

Theo ông Birol, sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản, nhiều nước ngừng phát triển điện hạt nhân. Trong lúc tìm nguồn năng lượng mới thì dầu vẫn là lựa chọn không thể tranh cãi. Điều này sẽ làm tăng thêm áp lực cho nguồn cung dầu khí.

Cụ thể, lượng điện hạt nhân toàn cầu (trước khi có sự cố Fukushima) dự kiến từ năm 2008 đến 2035 tăng 360 gigawatt nhưng nay chỉ còn khoảng 180 gigawatt, do đó tỷ lệ đóng góp của điện hạt nhân vào lượng điện toàn cầu giảm từ 14% còn 10%. Thay vào đó, ngoài than đá dự tính sẽ tăng thêm 6% trong 5 năm tới, nhu cầu khí đốt sẽ tăng thêm 80 tỷ m³.

Giá dầu tăng ngoài nguyên nhân do nhu cầu tăng, gần đây, các nước nói nhiều đến tình trạng đầu cơ giá dầu. Ủy ban Thương mại Liên bang thuộc Thượng viện Mỹ đã mở cuộc điều tra xem liệu các công ty dầu khí và các nhà máy lọc dầu của Mỹ có thao túng thị trường, nâng giá dầu để hưởng lợi nhuận hay không. Một số nhà máy lọc dầu ở Mỹ hiện đã tự ý đóng cửa với lý do “bảo trì” làm giá dầu tăng cao.

Một số nhà máy lọc dầu còn bị điều tra về các điều khoản cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài ra, tất cả những người tham gia cung cấp thông tin sai lệch cho các quan chức chính phủ về giá bán sỉ xăng dầu nhằm hưởng lợi cũng sẽ bị điều tra. Cuộc điều tra diễn ra trong bối cảnh các nhà máy lọc dầu đang có lợi nhuận khổng lồ.

Theo các báo Mỹ, lợi nhuận ròng của các nhà máy này từ đầu năm tới nay tăng gấp đôi mặc dù họ chỉ chạy 81,7% công suất. Trong số các nguyên nhân làm giá dầu tăng, tội cố tình làm giá của giới đầu cơ đáng lên án nhất vì hành động này sẽ đẩy thiệt hại về phía những người tiêu dùng, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống.

Cơn khát dầu của thế giới đang dẫn đến hàng loạt vấn đề phức tạp, trong lúc chưa có nguồn năng lượng an toàn có thể thay thế dầu, các nhà kinh tế cho rằng mỗi nước nên tự điều chỉnh chính sách của mình sao cho giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng này. 

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục