Theo đúng vòng quay của đời sống bóng đá, một mùa bầu chọn danh hiệu Quả bóng vàng (QBV) Việt Nam, do Báo SGGP khởi xướng và tổ chức 17 năm qua, đang đến gần. Đã từ lâu, QBV còn hơn cả một giải thưởng, như một bảng tổng kết ngắn, súc tích cho một năm của bóng đá nước nhà thông qua việc tôn vinh những tài năng trên sân cỏ. Mỗi năm có mỗi sự chờ đợi khác nhau tùy vào thành tích của bóng đá Việt Nam trong 12 tháng trước đó nhưng dù thế nào đi nữa, danh hiệu QBV luôn có chỗ đứng vững chắc trong sự phát triển của bóng đá nước nhà, bởi nó là thước đo có giá trị chất lượng của nền bóng đá thông qua sự ghi nhận công trạng từng cá nhân.
Ví dụ như lần bầu chọn năm nay. Sau một mùa bóng nội địa có nhiều biến cố và sự thất bại tại SEA Games 26 của đội U-23, cuộc bầu chọn QBV 2011 là dịp để giới chuyên môn có cái nhìn tường tận nhất về những gì đã diễn ra. Càng khó chọn ra người xứng đáng càng vẽ nên một cái nhìn toàn diện về các tài năng sân cỏ Việt Nam. Nó cho thấy sự sa sút không nhỏ về chất lượng của cầu thủ nội vốn đã được báo động từ lâu.
Chắc chắn vẫn sẽ có người xứng đáng được vinh danh QBV 2011, tuy nhiên cuộc bầu chọn này được kỳ vọng sẽ tạo một sự thay đổi mạnh mẽ hơn nữa về chiến lược phát triển của bóng đá nước nhà. Không khó để nhận thấy số lượng tài năng trẻ ngày một ít đi bên cạnh sự chững lại của những tên tuổi đã thành danh. Dường như niềm khao khát chơi bóng đã phai nhạt khá nhiều ở các cầu thủ Việt Nam khi mà các giá trị “ảo” khác như phí chuyển nhượng, lương bổng không được kiểm soát chặt chẽ. Ở một cơ chế mà nguồn cung quá ít so với lượng cầu thì chuyện tài năng của cầu thủ dễ bị các giá trị vật chất làm che mờ những khao khát là điều dễ hiểu. Cầu thủ càng ít cạnh tranh càng dễ dẫn đến việc thi đấu chiếu lệ, ra sân có mặt để lãnh tiền thay vì cống hiến hết sức lực để đem lại niềm hạnh phúc cho người xem.
Thực tế không thiếu những trường hợp đáng buồn. Tiền đạo Nguyễn Quang Hải đang lên “như diều gặp gió” ở Khánh Hòa bỗng nhiên không biết ghi bàn là gì lúc chuyển sang Navibank Sài Gòn với hợp đồng lên đến chục tỷ đồng. Hoàng Đình Tùng 3 năm liền là chân sút trẻ xuất sắc nhất V-League trong màu áo “đội nhà nghèo” Thanh Hóa nhưng lúc chuyển đến Hải Phòng thì “biến mất”. Nguyễn Việt Thắng tỏa sáng ở ĐT.LA nhưng khi bỏ đội này ra đi thì chẳng còn ai nhắc đến tên nữa. Không có nhiều tấm gương như những cựu QBV Lê Công Vinh, Phạm Thành Lương hay Nguyễn Minh Phương vẫn đang nỗ lực mỗi ngày để hoàn thiện mình. Càng về sau, cuộc bầu chọn QBV mỗi năm càng nhọc nhằn hơn khi quá ít những tài năng mới hoặc có phong độ ổn định.
Năm 2009, danh hiệu được trao cho Thành Lương, lúc đó đang khoác áo đội hạng nhất ACB. Năm 2010, vinh quang thuộc về Nguyễn Minh Phương, người đã 31 tuổi những vẫn duy trì sự thanh xuân trong từng đường bóng. Dù không phải cuộc bầu chọn nào cũng giống nhau nhưng rõ ràng danh hiệu cao quý ấy luôn được cộng đồng bóng đá dành tặng cho những người có khao khát chơi bóng và cống hiến nhất. Bởi nói cho cùng, chẳng thể nào vươn đến một đẳng cấp, trở thành một tài năng được công nhận mà lại không có sự khát khao cháy bỏng về nghề nghiệp. Giá trị cao quý nhất của bất kỳ sự tôn vinh nào cũng vậy và QBV Việt Nam 2011 sắp đến cũng không phải là ngoại lệ.
Việt Quang