Khe hở và trách nhiệm

Sự cố bục nước đường hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 (xã Zuôih, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) ngày 13-9 vừa qua có thể coi là hy hữu đối với các công trình thủy điện ở Việt Nam. Được khởi công năm 2012, công trình này có công suất lắp đặt 100MW gồm 2 tổ máy, sản lượng điện trung bình hàng năm 425,5 triệu KWh, mức đầu tư ban đầu là 3.661 tỷ đồng. Đến tháng 5-2016, chủ đầu tư (Tổng Công ty Phát điện 2) đã điều chỉnh phê duyệt dự án tăng thêm trên 1.600 tỷ đồng. Công trình thủy điện Sông Bung 2 được nghiệm thu, cho phép tích nước hồ chứa từ ngày 25-8, hoàn thành đóng cửa van hầm dẫn dòng vào ngày 3-9 và đúng 10 ngày sau thì sự cố nghiêm trọng trên đã xảy ra. Đến thời điểm này, hầu hết ý kiến của các chuyên gia về xây dựng và thủy điện đều cho rằng sự cố ở thủy điện Sông Bung 2 vừa qua không phải do thiên tai, cụ thể là cơn bão số 4 gây ra, mà là do nguyên nhân chủ quan và nghi ngờ chất lượng công trình. Ông Ngô Việt Hải, Tổng giám đốc Tổng Công ty Phát điện 2 thừa nhận, chủ đầu tư có trách nhiệm liên đới trong vụ việc, nhưng nguyên nhân từ đâu thì phải do cơ quan chức năng xác định.

Một điều khó hiểu, khi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn cho biết, việc tăng vốn dự án thủy điện Sông Bung 2 (thêm 1.600 tỷ đồng) địa phương không có thông tin, chỉ nghe qua báo chí. Khi thẩm định và nghiệm thu công trình, cũng vì lý do phân cấp, phân quyền nên tỉnh không được tham gia, dẫn đến việc không được nghe những cảnh báo về năng lực yếu kém của các nhà thầu.

Cũng theo ông Toàn, trách nhiệm vụ việc này thuộc về Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công thương. Một công trình lớn như vậy, ở ngay trên địa bàn của mình mà lãnh đạo và các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam không hề biết chuyện nâng vốn và không được tham gia quá trình nghiệm thu thì khi sự cố xảy ra, làm sao biết rõ mọi việc liên quan để ứng phó kịp thời được!

Vẫn biết là có chuyện phân cấp, phân quyền do quy mô của dự án, nhưng rõ ràng, ở đây có chuyện vô lý hoặc là khe hở của pháp luật. Điều đó khiến cho việc quy trách nhiệm cho các bên liên quan trong các sự cố thủy điện Sông Bung 2 cũng như nhiều sự cố khác, luôn mơ hồ, thiếu minh bạch. Một ngày sau sự cố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công thương, EVN và tỉnh Quảng Nam khẩn trương phối hợp tìm kiếm cứu nạn người bị mất tích, có ngay các giải pháp khắc phục sự cố, không để mất an toàn cho người, công trình và vùng hạ lưu. Thủ tướng cũng yêu cầu EVN, Bộ Công thương và tỉnh Quảng Nam khẩn trương xác định nguyên nhân, có ngay các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hồ đập trong khu vực. Vậy có thể hiểu, không chỉ EVN và Bộ Công thương mà tỉnh Quảng Nam cũng có trách nhiệm trong sự cố này.

Đầu tháng 7 vừa rồi, liên quan đến vụ việc nhà máy thép Formosa ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) xả thải, đầu độc môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung gây hậu quả nặng nề, lãnh đạo Bộ KH-CN cho biết, toàn bộ quá trình thiết kế xây dựng nhà máy cũng như thay đổi công nghệ của nhà máy Formosa Bộ KH-CN không “được mời” thẩm định. Theo đó, tại thời điểm Formosa đầu tư thì cơ quan chịu trách nhiệm xem xét, phê duyệt đầu tư là UBND tỉnh Hà Tĩnh. Theo quy định, tỉnh Hà Tĩnh có gửi công văn kèm theo báo cáo tiền khả thi cho Bộ KH-CN năm 2008 xin ý kiến. Với nội dung thông tin trong báo cáo tiền khả thi, đó là báo cáo sơ bộ, chưa có nội dung đầu tư, Bộ KH-CN đã trả lời: “Công nghệ lò cao truyền thống là công nghệ phổ biến được các nhà máy thép trên thế giới sử dụng và đây không phải công nghệ mới”. Tuy nhiên, toàn bộ quá trình tiếp theo, nhất là việc thiết kế xây dựng nhà máy Formosa ở Vũng Áng thì Bộ KH-CN không “được mời” thẩm định mà do Bộ Công thương thẩm định nên trách nhiệm thuộc về Bộ Công thương. Việc thay đổi công nghệ của Formosa cũng do Bộ Công thương chịu trách nhiệm. Như vậy, Bộ KH-CN là cơ quan chuyên ngành về đánh giá và thẩm định công nghệ, nhưng lại do phân cấp, phần quyền, nên không được tham gia vào việc thẩm định và đánh giá công nghệ của Formosa. Đây có lẽ cũng là một trong những lý do khiến xảy ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng đối với biển miền Trung do chất thải Formosa gây ra.

Hai sự cố khác nhau về mức độ, tính chất nhưng đều tồn tại một vấn đề. Đó là do phân cấp, phân quyền, nên sự phối hợp cũng như trách nhiệm của những bên liên quan trực tiếp đến công trình, dự án đều thiếu và không rõ ràng, từ đó dẫn đến những hậu quả khác nhau. Nếu tỉnh Quảng Nam được tham gia vào quá trình đánh giá, nghiệm thu công trình thủy điện Sông Bung 2, có thể sự cố sẽ không diễn ra và nếu diễn ra thì tỉnh Quảng Nam không lúng túng trong việc xử lý như vậy. Nếu Bộ KH-CN được tham gia thẩm định công nghệ và quá trình xây dựng, vận hành nhà máy Formosa, biết đâu sự cố ô nhiễm nghiêm trọng biển miền Trung đã không xảy ra... Giờ thì mọi chuyện đã diễn ra và địa phương nào, đơn vị nào, cá nhân nào cũng có cái lý để né tránh trách nhiệm của mình.

Đó là khe hở của cơ chế, sự vận hành pháp luật hiện nay. Cần phải bịt chặt những khe hở đó, để rồi bất cứ một vụ việc nào xảy ra, trách nhiệm của ai cũng được quy rõ ràng, minh bạch. Với Quảng Nam, một tỉnh có diện tích nhỏ (xếp 45/63 cả nước), nhưng lại là địa phương có mật độ thủy điện lớn nhất nước với hơn 40 công trình. Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn hiện nay dày đặc các công trình thủy điện và Sông Bung 2 là một trong số đó. Những câu chuyện như lũ thì thủy điện xả tràn gây ngập lụt, hạn thì giữ nước khiến vùng hạ du thiếu nước không còn xa lạ nữa. Nếu chính quyền tỉnh Quảng Nam không có trách nhiệm,  “đứng ngoài” quá trình xây dựng, nghiệm thu, vận hành các công trình thủy điện; “giao hết” trách nhiệm cho các chủ đầu tư, cho EVN, cho Bộ Công thương, thì chắc chắn những sự cố như Sông Bung 2 còn sẽ diễn ra!

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục