Khen thưởng còn nặng dáng dấp xin - cho

“Mọi công dân Việt Nam - không phân biệt, miễn là có đóng góp cho đất nước, cho địa phương thì đều được ghi nhận, khen thưởng. Nhưng khi triển khai công tác này, giữa chủ trương và thực tế có thể ví von như một bên đạp ga, một bên đạp thắng…”, ông Đỗ Văn Đạo (ảnh), Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng TPHCM chia sẻ với phóng viên Báo SGGP trước thềm Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng năm 2015 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2016.
Khen thưởng còn nặng dáng dấp xin - cho

Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng TPHCM Đỗ Văn Đạo:

“Mọi công dân Việt Nam - không phân biệt, miễn là có đóng góp cho đất nước, cho địa phương thì đều được ghi nhận, khen thưởng. Nhưng khi triển khai công tác này, giữa chủ trương và thực tế có thể ví von như một bên đạp ga, một bên đạp thắng…”, ông Đỗ Văn Đạo (ảnh), Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng TPHCM chia sẻ với phóng viên Báo SGGP trước thềm Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng năm 2015 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2016.

Sợ khen vì thủ tục

* Điều gì ông cảm thấy tâm đắc nhất trong công tác thi đua, khen thưởng năm 2015 của TPHCM?

Khen thưởng còn nặng dáng dấp xin - cho ảnh 1

* Ông ĐỖ VĂN ĐẠO: Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 của TPHCM phấn khởi: tăng trưởng kinh tế GDP đạt cao nhất trong 3 năm trở lại đây; thu ngân sách vượt chỉ tiêu; các vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm và thực hiện có hiệu quả …

Kết quả này không thể phủ nhận vai trò động lực thúc đẩy của công tác thi đua - khen thưởng thành phố. TPHCM đã tổ chức 4 đợt lễ trao tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng rất trang trọng; lần đầu tiên TPHCM tổ chức tuyên dương 16 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể… nên đây là những việc làm rất ý nghĩa trong hoạt động khen thưởng. TPHCM cũng tổ chức thành công đại hội thi đua yêu nước (được Trung ương chọn là đơn vị tổ chức điểm), các điển hình được TPHCM giới thiệu dự đại hội thi đua toàn quốc cũng được biểu dương, đánh giá cao. Cũng tại đại hội thi đua toàn quốc, phong trào xây dựng nông thôn mới biểu dương 10 huyện nông thôn mới trên cả nước thì TPHCM có đến 3 huyện, gồm: Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè…  

* Có ý kiến cho rằng công tác thi đua - khen thưởng vẫn còn mang dáng dấp “xin - cho”, ông nhìn nhận thế nào?

* Điều băn khoăn nhất trong công tác khen thưởng hiện nay là còn nặng dáng dấp xin - cho. Chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như Luật Thi đua - Khen thưởng thì bất kỳ công dân Việt Nam nào có đóng góp cho đất nước, cho địa phương thì phải được ghi nhận. Chủ trương là như vậy nhưng giữa chủ trương và thực tế có thể ví von như một bên đạp thắng - một bên đạp ga. Trong các thủ tục, quy định về đề nghị khen thưởng còn nhiều bất cập làm cho nhiều cá nhân, tổ chức có thành tích cũng ngại được khen. Ngay như chuyện muốn được danh hiệu thi đua thì phải đăng ký danh hiệu thi đua, trong khi nhiều người khiêm tốn không đăng ký nên cuối năm không được xét công nhận. Hay tôi đơn cử trường hợp người thật việc thật là bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Y khoa - Medic. Rất nhiều người đề nghị tôi đề xuất khen thưởng ông, thậm chí đề nghị danh hiệu Anh hùng Lao động. Ông xứng đáng được đề xuất khen thưởng Anh hùng Lao động quá đi chứ. Thời còn làm việc tại Bệnh viện Bình Dân, trong điều kiện phương tiện kỹ thuật còn khó khăn, ông đã từng dùng miệng hút đàm để cứu bệnh nhân. Với chủ trương đổi mới đất nước, ông thành lập Trung tâm Chẩn đoán Y khoa với máy móc đầu tư hiện đại của thế giới, sau này các bệnh viện khác ở nước mình mới nhập về, hoạt động rất nhiều người khen ngợi… Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến việc khen thưởng cho ông thì ông từ chối thẳng thừng “như đỉa phải vôi” vì ngán ngại thủ tục và sợ thực tế sau khi được danh hiệu thì rất nhiều đơn vị, báo đài điện thoại làm phiền kiểu như gợi ý đóng góp, xin PR quảng cáo… 

* Một thực tế khác, sự phát triển của TPHCM là công sức đóng góp của 8,9 triệu dân nhưng khen thưởng chỉ thấy hầu hết là dành cho các cá nhân, tổ chức trong hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước, ông thấy thế nào?

* Tỷ lệ khen thưởng đối tượng bên ngoài như người dân, người lao động, doanh nghiệp còn rất thấp. Có những thời kỳ công tác khen thưởng chỉ tập trung công an, chủ tịch, bí thư phường, xã, thị trấn… Theo quan điểm của tôi, lãnh đạo, công chức, viên chức được Nhà nước trả lương thì phải hoàn thành nhiệm vụ, nếu được khen thì phải là những cá nhân, tổ chức phải thật sự tiêu biểu, phải tích cực, có sáng kiến… mới khen. Còn những người ngoài nhà nước họ bỏ tiền, bỏ công sức ra làm và phải còn đóng thuế lại cho Nhà nước (doanh nghiệp) thì rất cần được đề xuất khen lại ít thấy phát hiện, đề xuất...

Hướng thi đua vào việc khó

* Những bất cập này do đâu và trách nhiệm đang nằm chỗ nào, thưa ông?

* Có những bất cập, hạn chế liên quan đến luật, chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì kiến nghị tháo gỡ. Tuy nhiên, tôi cho rằng quan trọng là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý trong lĩnh vực này đối với các ngành, các cấp đối với công tác này. Tôi có thể lý giải thêm để dễ hiểu, năm 2013 Luật Thi đua - Khen thưởng (sửa đổi) có thay đổi là khuyến khích khen thưởng cho công nhân, nông dân và người lao động… Tuy nhiên, nếu các cấp quản lý không sâu sát, không quan tâm thì ai làm báo cáo, ai đề nghị khen cho họ, trong khi các tiêu chuẩn, điều kiện quy định rất chặt chẽ. Nên mặc dù luật khuyến khích nhưng để khen được cho các đối tượng này là cả một vấn đề. Do vậy, về mặt nhận thức cần phải quán triệt trong từng cấp, từng ngành, cũng như Luật Thi đua - Khen thưởng cũng phải điều chỉnh.

* Năm 2016 có ý nghĩa quan trọng - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2015 - 2020. Công tác thi đua - khen thưởng phải đổi mới như thế nào để thật sự là động lực tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội TP, thưa ông?

* Năm 2016 dự báo tình hình sẽ rất nhiều khó khăn tác động đến kinh tế - xã hội TPHCM, đặc biệt là tình hình biến đổi khí hậu, khô hạn, xâm nhập mặn… Do vậy, để công tác thi đua - khen thưởng thật sự là động lực thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế - xã hội TP phát triển thì công tác thi đua - khen thưởng cần tiếp tục được đổi mới theo hướng giao quyền chủ động cho cơ sở, định hướng rõ nội dung, mục tiêu, bám sát nhiệm vụ chính trị của từng ngành, lĩnh vực, địa phương và đơn vị. Phong trào thi đua phải có nội dung, biện pháp cụ thể và phải tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, việc khó, kể cả những lĩnh vực còn yếu kém tại các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt nội dung về các chương trình đột phá do Đại hội Đảng bộ TPHCM đề ra trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Công tác khen thưởng dựa trên nền tảng phong trào thi đua để chọn những cá nhân, tập thể tiêu biểu nhất, xứng đáng nhất để khen thưởng chính xác, công bằng, công khai và kịp thời.

* Xin cảm ơn ông!

Vân Anh (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục