Báo SGGP (số ra ngày 5-2-2010) có bài viết về công tác thi đua khen thưởng tại TPHCM. Trong bài có điểm lại hội nghị tổng kết văn minh đô thị mới đây của thành phố, trong hơn 300 tập thể, cá nhân được tuyên dương thì chỉ có hơn chục trường hợp là người dân.
Bài viết nêu ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên: “Nhìn đâu cũng thấy khen thưởng… cán bộ lãnh đạo nhưng lại bỏ qua những người dân bình thường. Như thế làm sao động viên, nhân rộng phong trào được?”.
Tôi rất đồng tình với nhận xét của tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên và muốn đề cập thêm một tồn tại khác cần khắc phục trong công tác thi đua khen thưởng, đó là tình trạng… “phân cấp” khen thưởng.
Tình trạng này đã được “báo động” nhiều lần tại các hội nghị sơ kết, tổng kết năm của công tác thi đua khen thưởng. Đó là người dân, quần chúng, người lao động thì thường chỉ được cấp cơ sở, phường xã khen; còn cán bộ lãnh đạo thường được nhận bằng khen, giấy khen của cấp quận huyện, thành phố, trung ương.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2009 của Ban Thi đua - Khen thưởng TPHCM, một lãnh đạo của ban kể về một trường hợp người nhiều lần bắt các đối tượng cướp giật, trộm cắp trên đường phố nhưng khi khen thưởng thì người này chỉ được nhận giấy khen cấp phường và Quận đoàn, còn khen thưởng của UBND quận và thành phố thì dành cho… bí thư và chủ tịch phường!
Nghịch lý này thấy rất rõ nếu chúng ta thống kê tỷ lệ khen thưởng của phong trào Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ngay tên gọi đã cho thấy “nhân vật chính” của phong trào là quần chúng, thế nhưng trong danh sách khen thưởng tại các hội nghị tổng kết cấp quận huyện, thành phố và trung ương thì các “nhân vật chính” chiếm tỷ lệ khiêm tốn!
Khen thưởng chính xác, đúng người sẽ là lực đẩy phong trào thi đua; còn khen thưởng theo kiểu “mâm trên, chiếu dưới” chẳng những không khích lệ được mọi người mà còn gây phản tác dụng, làm phong trào thi đua chỉ nặng hình thức, sáo rỗng.
VƯƠNG THẢO