Khép lại kỳ thi nhiều áp lực

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2022-2023 tại TPHCM đã khép lại với nhiều hình ảnh đẹp về tình cảm gia đình, tình thầy trò, cả những lời động viên sĩ tử dành cho nhau.
Học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập tại điểm thi Trường THCS Bàn Cờ ngày 11-6. Ảnh: CAO THĂNG
Học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập tại điểm thi Trường THCS Bàn Cờ ngày 11-6. Ảnh: CAO THĂNG

Tuy là một kỳ thi có quy mô thành phố nhưng theo đánh giá của nhiều phụ huynh và học sinh, kỳ thi có tính chất “chọi” cao hơn thi tốt nghiệp THPT bởi không có chế độ đặc cách đối với thí sinh bị tai nạn hoặc bệnh tật bất khả kháng.

Nếu như thi tốt nghiệp THPT quốc gia, thí sinh làm bài không tốt còn nhiều phương án dự phòng thông qua các hình thức xét tuyển học bạ, thi đánh giá năng lực, nộp hồ sơ vào các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập thì với tuyển sinh lớp 10, cơ hội xét tuyển chỉ có một và nếu trượt cả 3 nguyện vọng công lập, thí sinh buộc phải chấp nhận rẽ hướng qua học nghề, học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc trường THPT tư thục.

Tại điểm thi Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) vào trưa 12-6, hình ảnh một phụ huynh cầm theo bảng cổ vũ với dòng chữ in đậm “Bất kể con thi đạt kết quả thế nào, bố mẹ đều yêu con” đứng chờ con giữa cái nắng chói chang khiến nhiều người xúc động.

Kết thúc giờ làm bài môn Ngữ văn, tại điểm thi Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1), một thí sinh nam ngồi khá lâu ở xích đu gần cổng trường mà không vội tìm bố mẹ. Khi được hỏi, nam sinh này cho biết khá buồn vì bị “tủ đè”, em muốn ngồi một mình để bình tĩnh trước khi ra cổng trường gặp bố mẹ.

Năm học 2022-2023, toàn thành phố có hơn 72.000 suất học lớp 10 công lập, trong khi đó tổng số học sinh lớp 9 tham gia tuyển sinh lớp 10 gần 94.000 em. Như vậy, sẽ có hơn 21.000 học sinh trượt cả 3 nguyện vọng lớp 10 công lập.

Theo lý giải của Sở GD-ĐT TPHCM, điểm đặc biệt của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay là số lượng học sinh tham gia tuyển sinh tăng cao so với năm học trước. Đây chính là lứa “heo vàng” từng gây quá tải cho các trường tiểu học, THCS khi các em vào học lớp 1 và lớp 6.

Hiện nay, ngoài áp lực đậu - rớt của một kỳ thi, nhiều gia đình còn đặt lên vai các sĩ tử gánh nặng của cơm áo gạo tiền bởi “rớt công lập bố mẹ không đủ tiền đóng học phí trường tư”, hay “rớt lớp 10 thì đi học nghề, sau này làm công nhân thôi con”.

Kết quả đậu - rớt của một kỳ thi không quyết định việc các em thành công hay thất bại trên đường đời. Vì vậy, khép lại một kỳ thi đầy áp lực cũng là lúc nhiều cánh cửa khác sẽ mở ra, thoạt nhìn đó có thể là đường vòng nhưng biết đâu lại là trải nghiệm. Hành trang tuổi trẻ của các em còn rất dài, và sẽ có thêm nhiều kỳ thi như thế… 

Tin cùng chuyên mục