Khi bạn trẻ bình sách

Mỗi bạn đọc là một nhà phê bình
Khi bạn trẻ bình sách

Trong thời đại công nghệ thông tin, việc đọc sách của các bạn trẻ cũng không giống ngày trước với các loại sách điện tử, các máy đọc sách chuyên nghiệp. Việc bình sách của giới trẻ hiện nay cũng khác xưa với những phong cách đặc trưng của thời đại mới.

Một buổi giao lưu giữa bạn đọc và nhà văn.

Một buổi giao lưu giữa bạn đọc và nhà văn.

Mỗi bạn đọc là một nhà phê bình

Tham dự một buổi ra mắt sách tại một trường đại học lớn của TPHCM, hẳn nhiều người ngán ngẩm cho rằng giới trẻ ngày nay đã không còn thích sách. Nhận xét này về hình thức có phần đúng khi có rất ít bạn trẻ là sinh viên phát biểu, trao đổi, hoặc chỉ nêu những câu hỏi vô thưởng vô phạt về tác giả và tác phẩm, những câu hỏi mà trước đó trên báo chí đã đăng tải nhiều lần.

Thế nhưng, đó chỉ là hình thức bên ngoài. Thực tế vấn đề bình sách hiện nay còn nóng hơn và giới trẻ đã chuyển niềm đam mê sách lên các diễn đàn trên mạng. Vừa qua, tại một số diễn đàn, các bạn trẻ tạo ra cuộc trao đổi, thảo luận về tác phẩm Mắt biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, được in lần đầu năm 1990. Cuộc tranh luận xoay quanh các nhân vật trong tác phẩm làm nổ ra những tranh cãi về mối quan hệ Dũng-Hà Lan-Ngạn, mỗi bạn đọc đưa ra quan điểm riêng của mình về từng nhân vật, tính cách, mối quan hệ. Người phê phán nhân vật nữ “bắt cá hai tay”, xấu xa, kẻ lại bảo đó mới là sống vì tình yêu…

Cuộc tranh luận bùng nổ sau 20 năm tác phẩm ra đời còn làm rất nhiều bạn trẻ thú vị khi biết nhà văn Nguyễn Nhật Ánh còn có một dòng tác phẩm “buồn”, bên cạnh dòng tác phẩm “hài hước, dí dỏm” quen thuộc.

Bạn trẻ có nick All4You ngạc nhiên: “Thế mà mình tưởng anh Ánh chỉ viết truyện vui chứ, để đi tìm mấy truyện buồn của anh đọc thử coi”. Kết quả, ngay khi cuộc tranh luận về Mắt biếc đang diễn ra, ngoài tác phẩm này, những tác phẩm khác cùng dạng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng được các bạn trẻ đổ xô tìm đọc như Đi qua hoa cúc, Còn chút gì để nhớ, Hoa hồng xứ khác, Phòng trọ 3 người…

Văn hóa đọc trong hình hài mới

Trong những nhận định về việc phát triển nền văn hóa đọc, các nhà nghiên cứu đều cho rằng bên cạnh việc đọc thì việc trao đổi, tranh luận về tác phẩm đã đọc cũng quan trọng không kém.

Ngày nay, giới trẻ mua sách qua mạng, đọc sách điện tử và bình luận sách qua các công cụ diễn đàn trực tuyến. Hầu như bất cứ một tác phẩm văn học mới nào đều nhận được sự quan tâm, thảo luận của các bạn đọc trẻ trên mạng. Từ những tác phẩm cho thanh thiếu niên như loạt sách Harry Potter, Chạng vạng đến cả những tác phẩm lớn như Mật mã Da Vinci, Nhật ký bí mật của Chúa… Đặc biệt, với rất nhiều tác phẩm thuộc dạng pha trộn giữa lịch sử với tiểu thuyết như một số tác phẩm của Kim Dung, Dan Brown… các cuộc tranh luận trên mạng đã góp phần giúp bạn đọc trẻ, những người rất dễ bị mơ hồ giữa thật vào ảo trong tiểu thuyết, nhận ra đâu là sự tưởng tượng của nhà văn, đâu là hiện thực.

Qua những cuộc trao đổi thảo luận, nhiều bạn trẻ còn tìm cho mình những tác phẩm thích hợp. Những câu hỏi kiểu: “Em muốn tìm một tác phẩm dạng tình cảm nhưng không quá ủy mị, ai biết cuốn nào hay chỉ với”; hay “Tui muốn đọc một tác phẩm viễn tưởng nhưng không quá triết lý, có ai biết hiện có cuốn nào đọc được không?”… xuất hiện ngày càng nhiều trên các diễn đàn của giới trẻ hiện nay.

Điều đáng tiếc duy nhất là những tác phẩm trong nước lại xuất hiện quá ít. Có lẽ những người làm sách trong nước cho đến bây giờ vẫn chưa thật sự coi trọng thế giới ảo của giới trẻ, nơi đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của thế hệ thanh thiếu niên hiện nay.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục