Khi các nhà mạng di động đầu tư ra nước ngoài

Cùng hướng đến Myanmar
Khi các nhà mạng di động đầu tư ra nước ngoài

Liên tiếp trong thời gian gần đây, báo chí quốc tế và Việt Nam đều nói đến việc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel và Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đang thực hiện những hoạt động đầu tư nước ngoài. Viettel thì không mới, nhưng với VNPT, có vẻ như lần này đang tập trung mọi khả năng mở mạng di động ở nước ngoài.

Mobifone đang có kế hoạch đầu tư tại Myanmar.

Mobifone đang có kế hoạch đầu tư tại Myanmar.

Cùng hướng đến Myanmar

Đầu tháng 12 vừa rồi, báo chí đồng loạt đưa tin việc mạng di động MobiFone của Việt Nam chính thức mở văn phòng đại diện tại thành phố Yongon, Myanmar. Thực ra từ cuối tháng 7-2012, một phái đoàn của VNPT, do ông Lê Ngọc Minh, Phó Tổng giám đốc VNPT, Chủ tịch Công ty VMS MobiFone, dẫn đầu đã đến Myanmar tìm kiếm cơ hội mở rộng kinh doanh.

Thời gian gần đây, lãnh đạo VNPT đã gặp gỡ các đối tác Myanmar trong lĩnh vực viễn thông với tần suất khá lớn. Lãnh đạo VNPT mong muốn hợp tác và giúp đối tác viễn thông của Myanmar rút ngắn thời gian đưa dịch vụ ra thị trường, đồng thời sử dụng hiệu quả lực lượng lao động nhằm biến ngành dịch vụ di động từ một dịch vụ xa xỉ, chỉ một số ít người có thể sử dụng hàng ngày, thành một dịch vụ cơ bản với người dân Myanmar.

Chuyện tìm kiếm cơ hội và đầu tư dịch vụ di động ở thị trường Myanmar không chỉ riêng Việt Nam và được hầu hết các hãng di động lớn trên thế giới rất quan tâm. Bởi lẽ, thị trường Myanmar với gần 60 triệu dân, nhưng dịch vụ di động gần như chưa có gì, giống Việt Nam cách đây khoảng 15 năm. Bản thân Viettel cũng đã xúc tiến hoạt động này trong nhiều năm qua, kể từ khi doanh nghiệp này có chủ trương đầu tư ra nước ngoài cách đây 6 - 7 năm. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Một lãnh đạo Viettel từng ví von, thị trường di động Myanmar như “nàng công chúa ngủ trong rừng” và hiện rất nhiều “chàng hoàng tử” là các hãng di động thế giới đang tìm cách “ve vãn, tiếp cận”. Vị lãnh đạo này cũng cho rằng, nếu Viettel có được giấy phép đầu tư dịch vụ di động ở thị trường Myanmar, chỉ sau vài năm triển khai và kinh doanh, hiệu quả sẽ lớn hơn cả 3 thị trường Campuchia, Lào và Haiti cộng lại. Có lẽ đó cũng là tiềm năng mà VNPT và MobiFone nhìn thấy rõ, nên quyết tâm tìm cơ hội đầu tư vào đây. Cho dù 2 “ông lớn di động” của Việt Nam thừa biết là sẽ đụng đầu nhau ở thị trường này.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, vào ngày 3-12, Viettel chính thức ký kết đầu tư mạng viễn thông và internet tại Cameroon, châu Phi; và đây là thị trường nước ngoài thứ 7 của Viettel, sau: Campuchia, Lào, Haiti, Peru, Mozambique và Đông Timor. Cách đây vài tháng, các tờ báo của Ethiopia và châu Phi đã đồng loạt đưa tin về việc Viettel chuẩn bị đầu tư vào thị trường viễn thông Ethiopia cũng như các nước châu Phi vùng cận Sahara. Theo đó, Viettel đang “để mắt” đến thị trường viễn thông Ethiopia, đặc biệt là việc lắp đặt đường dây cáp quang. Ngoài những thị trường trên, trong nhiều năm qua, lãnh đạo Viettel đã nhiều lần bày tỏ sự quan tâm đối với thị trường dịch vụ di động ở Triều Tiên, Cuba, Venezuela và Paraguay.

Khuyến khích và hỗ trợ

Theo quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngoài việc đảm bảo thị trường viễn thông phát triển bền vững theo hướng chất lượng, hiệu quả, còn có quy định về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Theo đó, Nhà nước sẽ khuyến khích và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông có đủ năng lực, điều kiện để mở rộng kinh doanh và đầu tư ra thị trường nước ngoài trên cơ sở tuân thủ luật pháp và đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Một điều dễ hiểu, khi thị trường trong nước đã bão hòa, với khả năng của mình, các “ông lớn” di động trong nước tìm hướng đầu tư ra nước ngoài là không tránh khỏi, để tiếp tục duy trì sự tăng trưởng của mình. Một điều lý thú, ngày 30-11 vừa qua, khi bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều nhất Việt Nam năm 2012 được công bố, Viettel đứng đầu với mức đóng góp lớn nhất và xếp thứ 2 chính là VMS - MobiFone!

Viettel đang đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ có thị trường quy mô 300 - 500 triệu dân. Nếu đạt được con số này, Viettel sẽ đạt doanh thu từ thị trường nước ngoài lớn gấp 3 - 5 lần thị trường trong nước và trở thành một trong 10 doanh nghiệp viễn thông đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới.

Trong năm 2011, tổng doanh thu Viettel đạt gần 6 tỷ USD với hơn 60 triệu thuê bao đang hoạt động trên toàn cầu. Viettel nằm trong nhóm 15 công ty lớn nhất thế giới về số lượng thuê bao. Các mạng viễn thông mà Viettel đầu tư và kinh doanh, chỉ sau 2 năm đều bắt đầu có lãi và trở thành công ty lớn ở nước sở tại; và sau 3 năm kinh doanh, Viettel đã bắt đầu chuyển lợi nhuận về nước. Năm 2011 Viettel chuyển về nước hơn 40 triệu USD và dự kiến năm 2012 khoảng 80 triệu USD. Trong khi đó, MobiFone cũng cho biết, mạng di động này có tham vọng vươn ra thị trường nước ngoài để trở thành 1 trong 10 mạng di động hàng đầu châu Á. MobiFone dự kiến đầu tư ra nước ngoài và phục vụ cho thị trường khoảng 200 triệu dân trong thời gian tới.

Theo quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến 2020, các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam như Viettel, MobiFone sẽ được hưởng những chính sách khuyến khích hỗ trợ từ nhà nước khi đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, việc chính sách hỗ trợ như thế nào cũng sẽ là vấn đề nóng được đặt ra trong thời gian tới.

Một vấn đề được các chuyên gia kinh tế nêu ra hiện nay là có hay không các mạng di động Việt Nam “cạnh trạnh” nhau trong việc đầu tư ra nước ngoài? Câu chuyện Viettel và VNPT ở thị trường Myanmar là thấy rõ. Nên chăng nhà nước cần có chiến lược và chính sách cụ thể, hợp lý trong vấn đề này, tránh trường hợp 2 doanh nghiệp Việt Nam “tranh nhau” một thị trường, điều không nên để xảy ra. Làm sao để các mạng di động Việt Nam khi tiến hành đầu tư ra nước ngoài thuận lợi, không trở thành “đối thủ khốc liệt” của nhau; để đảm bảo nguồn vốn đầu tư, đồng thời gây dựng, phát triển được vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực viễn thông di động.

Trần Lưu

Tin cùng chuyên mục