Nếp nhà
Một nhà văn nữ trẻ đã mô tả nhiều ông chồng Việt về đến nhà chỉ ăn xong rồi gác chân đọc báo… né tránh việc nhà. Chỉ một hình ảnh ấy thôi, đã làm dậy sóng cộng đồng mạng mấy tháng qua. Một số ông chồng thì phản ứng, còn chị em phụ nữ thì đồng cảm và bức xúc...
“Cuộc chiến” tô, chén
Bạn tôi, một phụ nữ xinh đẹp và đảm đang, hiện đang làm việc tại công ty nước ngoài, lãnh lương bằng tiền đô. Thế nhưng, gương mặt chị hiếm khi thanh thản. Chị tâm sự với tôi, chồng chị rất cưng chiều vợ, nhưng gia đình là người miền Trung, nên chồng chị cũng nhiễm thói gia trưởng nặng. Vợ chồng chị có hai cậu con trai. Và suốt gần hai chục năm qua, chị luôn là người vừa lo chuyện ở cơ quan, vừa lo chuyện nhà, chuyện con cái, học hành. Chồng chị làm giám đốc của công ty, đi làm về là ăn cơm, xem tivi, rồi ngủ. Bữa nào phải tiếp khách thì anh không ăn cơm nhà. Hai cậu con trai từ nhỏ tới lớn cũng học lối cư xử theo cha. Cho đến một ngày, chị bị ngất xỉu ở chợ phải đi cấp cứu. Chị kể: “Nằm trên giường bệnh, tôi đã nghĩ là mình phải tổ chức lại công việc gia đình. Nếu tôi cứ ôm đồm thế này, lỡ khi mình bệnh thì chồng cũng khổ mà con cũng khổ”. Thế nhưng, mọi sự thay đổi không hề đơn giản. “Ngày đầu tiên tôi nhờ chồng rửa chén, anh ấy đứng lên xô đổ cả chồng bát đĩa”, chị kể với nụ cười cay đắng…
Gia đình chị Hòa - một nữ công chức - thoạt đầu có vẻ thuận lợi hơn. Chồng chị là một kỹ sư đi học ở nước ngoài về, nên anh không ngại và cũng quen việc vào bếp. Ngày vợ chồng còn ở riêng, cả hai vợ chồng chia nhau chuyện nhà: Chị chăm con nhỏ, đi chợ, cuối tuần anh xung phong nấu ăn, những lúc rảnh còn bỏ đồ vào máy giặt, phơi đồ phụ vợ, sửa sang các việc vặt trong nhà. Thế nhưng, từ ngày cha mẹ anh lớn tuổi, cả nhà dọn về ở chung để tiện chăm sóc ông bà thì bỗng dưng anh trở nên biếng nhác, chẳng còn hứng thú làm việc gì cả. Đi làm về anh chỉ ăn xong rồi ngồi xem tivi, đọc báo, đến việc đổ rác cũng không nhúng tay. Tất tật mọi việc nhà từ lớn đến nhỏ đều đổ vào đôi vai của người vợ. Chị Hòa than: “Từ ngày về ở chung, ổng như đứa con trai được nuông chiều chứ không phải là người chủ trong gia đình nữa. Ăn uống thì thích ăn món ăn của mẹ nấu. Còn phụ giúp việc nhà cho vợ thì có vẻ ngại. Tình thế này khiến tôi tiến thoái lưỡng nan”.
Đàn ông tề gia
Hàng chục năm qua, xã hội phát triển, phần đông người phụ nữ Việt đã thoát khỏi cái lề thói cũ, có ý thức vươn lên, tham gia công việc xã hội, sẵn sàng nhận thêm trách nhiệm, chấp nhận với cái mới, trong khi đó, số đàn ông Việt thực sự hiểu và thực lòng muốn chia sẻ việc nhà với vợ cũng chưa nhiều. Dù vậy, trong thực tế, có không ít gia đình mà người đàn ông làm việc tề gia nội trợ và họ đang làm rất tốt. Vấn đề này chủ yếu vẫn xuất phát từ tư tưởng.
Giang là trưởng phòng kinh doanh của một ngân hàng lớn. Công việc của chị vừa bận bịu về thời gian, vừa căng thẳng trí não. “Tôi biết mình không thể cáng đáng một lúc hai việc lớn như thế nên đã bàn bạc với ông xã và chúng tôi thống nhất chia sẻ công việc với nhau”. Ông xã của chị Giang làm nghề tự do, nên có thể dễ dàng thu xếp việc nhà. Thế là mỗi sáng anh dậy sớm đưa đón con đi học, đưa vợ đi làm rồi về quán cà phê giải quyết công việc của mình với khách hàng. Chiều về, anh tranh thủ vào bếp, giải quyết một số việc nhà rồi đi rước vợ, con. Cuối tuần thì cả hai vợ chồng đều đi chợ, bàn bạc với nhau những món ăn trong suốt tuần.
Trong giới showbiz, mọi người cũng đang bàn tán chuyện về một nữ ca sĩ nổi tiếng mới đây vừa tuyên bố thẳng thắn: “Trong gia đình tôi, khi tôi ra ngoài kiếm tiền thì chồng tôi lo việc nhà”. Cô ca sĩ ấy là người may mắn vì chồng cô là người nước ngoài. Với đàn ông phương Tây, chuyện vào bếp, làm việc nhà là một kỹ năng đã được trang bị từ khi còn nhỏ.
Chị bạn tôi sau trận ốm thập tử nhất sinh đã phải tìm cách thuyết phục chồng. Những lần đi du lịch ở nước ngoài, chị dẫn chồng đến nhà người quen cho anh thấy cảnh vợ chồng vào bếp đầm ấm. Rồi bạn bè cùng tỉ tê, dần dà anh cũng chuyển dần suy nghĩ. Chị tiết lộ: “Lúc đầu, ổng cũng không tự giác đâu, cũng dây dưa lần hồi nhưng mình nhất quyết không làm thay. Dần dà rồi cũng quen. Bây giờ thì ổng và hai thằng con trai đã thành thạo lắm rồi, mình có bận việc hay đi công tác xa cũng không phải lo lắng như ngày trước nữa”.
Còn chị Hòa cũng phải tìm giải pháp. Trước hết là chị tâm sự và hướng dẫn các con chia sẻ việc nhà. Con trai lớn học cấp 3 được ông bà coi là “cháu đích tôn” thì được phân công phơi đồ, đổ rác và biết vào bếp làm vài món cơ bản để “cứu đói”. Con gái thì phụ trách rửa chén, cuối tuần phụ nấu ăn. Lâu lâu hai đứa con lại “nhắc nhở” nhớ món Tây của ba nấu. Cũng có lúc con gái cũng nhờ ba rửa chén giúp… Dần dà, hình ảnh người đàn ông vào bếp không còn xa lạ trong sinh hoạt gia đình…
Trong cuộc sống hiện đại, “việc nước, việc nhà” dường như đang quá nặng với đôi vai của người phụ nữ. Họ cần có sự chung vai của người bạn đời, để cùng xây một mái ấm bền vững.
TRẦN QUỐC