Khi cán bộ “ngán” về mặt trận, đoàn thể

Cán bộ phụ trách mảng kinh tế của một huyện ngoại thành khi được tổ chức điều động sang phụ trách công tác ở một ban đảng đã ngay lập tức có ý kiến, xin cơ quan cấp trên thay đổi lại quyết định. Sự việc lùm xùm khiến ủy ban kiểm tra của cấp ủy nói trên chút nữa phải vào cuộc. Một cán bộ khác ở một quận khi được điều động sang công tác tại mặt trận, đoàn thể, sau khi xin thay đổi quyết định của tổ chức không được, đã xin nghỉ việc…

Trên thực tế, trong nhận thức của bộ phận cán bộ, đảng viên ở nơi này nơi nọ ở cơ sở vẫn còn xem công tác ở chính quyền là “nhất”, cơ quan Đảng ít quyền lợi hơn; còn cơ quan mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội chỉ là nơi “hứng” những cán bộ không đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; ở một số nơi khác vẫn còn tình trạng khi cán bộ có vấn đề ở cơ quan đảng, chính quyền thì lại đưa về mặt trận, đoàn thể để chờ… nghỉ hưu.

Trong tâm lý của một số người, việc “bị” đưa về công tác ở mặt trận, đoàn thể cũng đồng nghĩa với việc sẽ ít có cơ hội được điều chuyển ngược trở lại công tác ở cơ quan đảng, chính quyền… Cứ thế, lâu dần tạo thành nếp nghĩ, thói quen, tâm lý, từ đó khiến cán bộ ngán ngại, không thích về công tác tại cơ quan mặt trận, đoàn thể.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, một số cán bộ cơ quan đoàn thể cơ sở lại tâm tư cho biết, so với cơ quan đảng, chính quyền đều cùng ngạch công chức, viên chức nhưng trong quan hệ đối xử, cán bộ mặt trận, đoàn thể thường “thua thiệt” hơn về chế độ học hành, lương, thưởng, điều kiện, phương tiện làm việc… Không ít nơi, để có kinh phí hoạt động, vẫn tồn tại cơ chế xin cho giữa quan hệ mặt trận, đoàn thể với chính quyền. Kinh phí nhiều hay ít đôi khi phụ thuộc vào vị thế người đứng đầu cơ quan mặt trận, đoàn thể có uy tín nhiều hay ít, có tham gia cấp ủy hay không tham gia cấp ủy…

Lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy TPHCM cũng phải thừa nhận: Cán bộ Mặt trận, đoàn thể đông nhưng chưa mạnh. Để thay đổi triệt để thực tế này, vai trò trước hết, quan trọng nhất vẫn là của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên, bất kể cán bộ đảng, chính quyền có nhận thức đúng đắn, đầy đủ hơn về ý nghĩa, vai trò công tác mặt trận, công tác dân vận trong sự nghiệp đổi mới. Đây chính là cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên tự xác định trách nhiệm và quyết tâm hoàn thành tốt nghĩa vụ thực hiện công tác mặt trận, đoàn thể khi được phân công.

Các cấp ủy cũng cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ mặt trận, đoàn thể có đủ trình độ, phẩm chất, năng lực và kỹ năng vận động nhân dân, nhất là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, trẻ tuổi để mặt trận, đoàn thể thật sự có được một đội ngũ cán bộ nòng cốt, ít nhưng mạnh, có đủ năng lực tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của đầu tàu TPHCM hiện nay.

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục