Nếu như chỉ cách đây vài năm, internet, chat, email … còn là những từ xa lạ với người dân vùng ven thì hiện nay lại đang trở thành niềm đam mê của không ít người dân ngoại thành, nhất là với lứa tuổi thanh thiếu niên. Hàng loạt điểm truy cập internet mọc lên khắp nơi như nấm mùa mưa ở vùng ven kèm theo đó là không ít chuyện vui, buồn xảy ra từ khi… “chat” về làng.
- Giao lưu, mở mang kiến thức
Tôi theo chân một bạn trẻ vào một điểm truy cập internet nằm trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, phường Trung Mỹ Tây, quận 12. Điểm này chỉ rộng chừng 40m2.
Phòng có 20 bộ máy vi tính với hơn chục người đang mê mải gõ tay trên bàn phím. Khác với các điểm “chat” ở nội thành, khách đến đây có cả sinh viên, học sinh lẫn thanh niên nông thôn mang dép lào, quần ống thấp ống cao tranh thủ đi “chat” thư giãn sau khi vừa nghỉ tay chăn nuôi, trồng trọt.
![]() |
Các bạn trẻ đang say mê “chat” tại một điểm Internet phường Hiệp Thành, Q12. |
Giá bình dân 3.000 đồng một giờ có cả trà đá miễn phí. Lượng người vào mạng tìm thông tin cần thiết cũng có mà người đi “chat” nói chuyện phiếm cũng nhiều. Nguyễn Thành Tuấn, ngụ ấp Đông Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn vừa loay hoay gõ gõ bàn phím vừa nói: “Chiều nào tắm và cho bầy heo ăn xong em cũng tranh thủ ghé ra điểm truy cập này để xem thông tin trên mạng, mở mang thêm kiến thức và “chat” với mấy người bạn vừa mới quen…”.
Tuấn học hết cấp 3 nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải nghỉ học ở nhà phụ gia đình. Cậu ta bảo, nhờ lên mạng, cậu biết được Trường Đại học Nông Lâm TPHCM chuẩn bị mở lớp tại chức ngành chăn nuôi nên đã mua hồ sơ dự thi. “Nhờ lên mạng mà thanh niên nông thôn tụi em cập nhật, nắm bắt được thông tin mới và có thêm được nhiều bạn bè cùng trang lứa chứ cứ cặm cụi cả ngày với bầy heo thì không khéo sẽ “lúa” đời mất thôi…”, Tuấn nói vậy.
Các điểm truy cập internet nằm trên đường Lý Thường Kiệt, thị trấn Hóc Môn vào buổi tối luôn đông nghẹt khách. Chị Nguyễn Thị Đào, chủ một điểm truy cập intenet ở đây nói, nếu như các điểm truy cập internet ở nội thành gần như bảo hòa vì nhiều gia đình có máy tính nối mạng riêng thì ở nông thôn, “cơn lốc” “chat” đang tràn về vì nhu cầu ngày một nhiều.
Theo chị Đào thì điểm truy cập của chị không lúc nào vắng khách và cao điểm là giờ trưa và chiều, tối gần như không còn chỗ ngồi. “Giới trẻ nông thôn bây giờ rất chịu học hỏi, nâng cao kiến thức mà internet là phương tiện hữu hiệu nhất, chị nhận xét như vậy.
- Và mặt trái của “chat” vùng ven
Một số thầy cô giáo ở các trường học cấp 2, 3 vùng ven than phiền, tình trạng học trò cúp học, bỏ tiết để “giết” thời gian tại các điểm internet công cộng ngày càng trở nên phổ biến và đáng lo ngại. Thầy Đào Dương Huy, giáo viên Trường THCS Tân Thới Hiệp, phường Hiệp Thành, quận 12 cho biết, không ít lần, thầy phát hiện đến giờ lên lớp thể dục, học trò bỏ tiết để ngồi “chìm đắm” trong thế giới “chat”.
Những ngày Tết Ất Dậu vừa qua, nhiều điểm internet ở vùng ven mở suốt ba ngày xuân, học sinh được bao nhiêu tiền lì xì đều “nướng” vào “chat” đến độ phờ phạc, mất ăn, mất ngủ. Chưa “đã”, những ngày đầu năm này, nhiều cô, cậu lại tiếp tục cúp tiết để lên mạng. Một phụ huynh làm nghề nuôi bò sữa ở phường Thạnh Lộc, quận 12 do bận bịu việc nông nên ít quan tâm đến cậu con trai đang học lớp 8.
Sau những ngày Tết vừa qua mới phát hiện ra, một số đồ đạc trong nhà “đội nón” âm thầm ra đi như đầu đĩa VCD, bàn ủi điện… Hỏi ra thì mới biết thủ phạm chính là cậu con, đã “mượn đỡ” để “gửi” ở hiệu cầm đồ lấy tiền đi “chat”…
Chị Trương Thị T., nhà ở ấp 5, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi than thở, chị có cô con gái đang học lớp 12, trước rất ngoan, học rất giỏi. Từ khi gần nhà có điểm internet, cô bé xin tiền mẹ đi lên mạng để ôn thi trực tuyến. Chị không rành mấy cái vụ này nên nghe con nói sao, tin vậy.
Ngày nào chị cũng cho cô bé hai, ba chục ngàn đồng đi học “từ xa”. Chẳng biết ôn thi thế nào mà kết quả thi rớt tốt nghiệp cái bịch. Cha, mẹ mắng thì cô bé bỏ nhà đi hoang. Gia đình nháo nhào đi kiếm thì mới tá hỏa vì cô con gái rượu của mình đang đi thuê khách sạn tại Ngã tư Ga, quận 12 để ở chung với một thanh niên quen qua “chat”. Anh này đã có vợ nhà ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức có nick name rất “kêu” là “hoang tu rung xanh”.
Mới cách đây 5 ngày, chị Nguyễn Thị N., bán thức ăn gia súc ở khu phố 2, phường Hiệp Thành, quận 12 nức nở kể, đã nhiều ngày chồng chị bỏ bê công việc, không phụ vợ mà chỉ suốt ngày lo đi “truy cập, truy kiết”. Bỏ công theo dõi, chị phát hiện chồng mình tình tự với một cô gái trong một quán cà phê vườn bên Gò Vấp.
Anh chồng lúng túng: “Cái này chỉ là bạn quen qua… mạng mà…”. Níu áo lôi chồng về chị mếu máo: “Chát ơi là chat…”. Xem ra, “chat” về nông thôn bên cạnh những mặt ích lợi thì cũng có lắm chuyện dở cười, dở khóc…
THẢO BÌNH
Các tin, bài viết khác
-
Bến Tre: Kỷ niệm 61 năm ngày Bến Tre Đồng khởi
-
Phân luồng giao thông nhiều tuyến đường phục vụ Đại hội Đảng
-
Kiểm tra thực phẩm tết từ chợ đầu mối, kho lạnh
-
Nhận biết nhanh những dấu hiệu có nguy cơ xảy ra sạt lở đất
-
CSGT TPHCM kiểm tra đo nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế
-
Những người trẻ trong “thế giới một mình”
-
Trắng đêm kiểm tra an toàn thực phẩm phục vụ tết
-
Vi phạm trong bảo vệ môi trường, doanh nghiệp bị phạt 210 triệu đồng
-
Cảnh báo nguy cơ điện giật, ngộ độc khí than do sưởi ấm
-
Lúng túng khi tiếp nhận các vụ xâm hại trẻ