Khi cục cưng bị… thất sủng

Khi gia đình có thêm một thành viên mới, cùng việc chia sẻ thời gian để chăm sóc, nuôi nấng đứa bé mới ra đời, nhiều phụ huynh không khỏi đau đầu khi phải đối mặt những thay đổi tâm lý bất thường của đứa con lớn.
Khi cục cưng bị… thất sủng

Khi gia đình có thêm một thành viên mới, cùng việc chia sẻ thời gian để chăm sóc, nuôi nấng đứa bé mới ra đời, nhiều phụ huynh không khỏi đau đầu khi phải đối mặt những thay đổi tâm lý bất thường của đứa con lớn.

Con hư vì... có em

Dù đã dự tính, nhưng khi ẵm con trai mới sinh từ bệnh viện về nhà, chị Nhàn (Q.3, TPHCM) vẫn thấy bất ngờ với My, con gái lớn 4 tuổi. Trong khi mọi người tíu tít xúm lại nựng nịu em bé, My đứng lùi vào một góc rơm rớm nước mắt, không chút hào hứng với việc được “lên chức” chị.

Là cháu đầu tiên trong nhà, My đã quen với việc mình là “trung tâm vũ trụ”. Mọi người, nhất là ông bà nội, cưng My như cục vàng. Khi biết tin My có em, câu cửa miệng mọi người hay trêu là: “Mẹ có em trai rồi thì My ra rìa nhé”. Sợ con sẽ hụt hẫng, trong thời gian mang bầu, chị Nhàn đã cố gắng bảo My trò chuyện với em. Tuy nhiên, nỗ lực của chị không ăn thua khi My tỏ ra bực tức vì không được trèo lên nghịch trên bụng mẹ, phải ngủ riêng vì ba mẹ sợ My đạp trúng bụng mẹ, rồi những lời trêu đùa của mọi người trong nhà về viễn cảnh “có em”: không được nhiều đồ chơi, quần áo đẹp, ba mẹ, ông bà thương em nhiều hơn...

Ảnh minh họa

Tương tự chị Nhàn, chị Hương (Q.7, TPHCM) cũng đau đầu với con gái lớn. Kinh tế khó khăn nên khi con gái đầu được 15 tuổi, vợ chồng chị mới dám sinh con thứ hai. Những tưởng có em, cô bé sẽ vui lắm, không ngờ mọi chuyện ngược lại. Từ trước đến nay, con gái chị quen được mẹ cưng chiều, nay mẹ bầu bì nghén ngẩm, nhờ làm vài việc vặt trong nhà thì cô bé vùng vằng khó chịu. Đến khi chị sinh, mọi chuyện càng tệ hơn. Có bữa, anh chị nhận được tin từ cô giáo cho hay con gái lớn học hành tụt dốc, hỏi thì cô bé đáp gọn lỏn: “Ban đêm nó khóc điếc tai, ai mà học cho nổi”. Có lần, chị nhờ cô bé trông em cho chị đi chợ, khi về, chị phát hoảng khi em bé khóc tím tái mặt mũi, còn cô chị điềm nhiên ngồi nghe nhạc như không có chuyện gì xảy ra.

Để con vui vẻ “lên chức”

Theo các chuyên gia tâm lý, việc đứa con lớn cảm thấy không thoải mái, khó chịu, thậm chí bị sốc khi biết mình sắp có thêm em bé là điều khá bình thường, nhất là khi thấy cảnh cha mẹ mong ngóng, trông đợi em bé. Những lời trêu đùa từ người lớn xung quanh cũng tác động không nhỏ đến tâm lý trẻ, khiến trẻ thường có cảm giác lo sợ bị “ra rìa”, không được cha mẹ yêu thương, chăm sóc như trước. Khoảng thời gian này, bận rộn chuẩn bị đón đứa con sau, nhiều cha mẹ có phần lơ là việc quan tâm con lớn, chưa kể có những lời nói, hành động vô tình làm trẻ bị tổn thương, như quát nạt khi con đụng vào người mẹ. Vì vậy, trẻ thường tủi thân, cảm thấy mình không còn được quan tâm như trước trong gia đình.

Nếu không phát hiện sớm và tìm cách khắc phục, dễ dẫn đến những ứng xử tiêu cực của trẻ. Đầu tiên là trẻ cảm thấy ghét em, xa lánh dần cha mẹ. Trẻ sẽ tìm cách gây sự chú ý, lôi kéo sự quan tâm của cha mẹ về phía mình như khóc lóc ăn vạ, với những trẻ lớn có thể phản ứng tiêu cực hơn như học hành xuống dốc, bỏ học, không vâng lời… Thậm chí, có trẻ còn cố tình “xử” em bằng cách lén cấu, đánh em khi không có cha mẹ bên cạnh.

Để tránh vấn đề “đau đầu” này, việc làm công tác tư tưởng trước với đứa con lớn về việc “lên chức” anh/chị là điều cha mẹ nhất thiết phải làm. Những việc đơn giản như cho con lớn “trò chuyện” với em trong bụng mẹ, hay hỏi ý kiến con lớn về việc sắm đồ dùng màu gì cho em, cùng “viễn cảnh” khi có em, em sẽ chơi ngoan và mang lại niềm vui cho anh/chị như thế nào. Bên cạnh đó, khuyến khích “trọng trách” làm anh chị của trẻ để trẻ cảm thấy vai trò của mình đối với em nhỏ, dần dần gắn kết tình cảm với em bé sắp chào đời. Cha mẹ cũng cần phải dặn dò mọi người trong nhà tránh những kiểu trêu đùa, so sánh khiến trẻ dễ có tâm lý tủi thân, lo lắng.

NHƯ DIỆU

Tin cùng chuyên mục