Được mệnh danh là Amazon của châu Âu, vành đai xanh sông Danube rộng khoảng 800.000 ha, chảy qua 5 nước Áo, Croatia, Hungary, Serbia và Slovenia. Đây là khu vực bảo tồn tự nhiên vùng ngập nước độc đáo, nơi trú ngụ của 1/3 loài thực vật, 1/2 loài động vật có vú và rất nhiều loài chim của khu vực. Những loài chim quý hiếm như đại bàng đuôi trắng, cò đen. Vì vậy thông tin về việc Croatia lên kế hoạch nắn dòng Danube làm dư luận xôn xao.
Lý do được Chính phủ Croatia đưa ra là để tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến vận chuyển hàng hóa đường sông từ Danube ra Biển Đen. Các nhà hoạt động môi trường đã lên tiếng phản đối dự án trên bởi những con đập, rào chắn dùng để nắn dòng sẽ làm thay đổi dòng chảy, xói mòn các bờ sông, biến đổi môi trường sống của các loài động thực vật. Hệ sinh thái sẽ bị đe dọa.
Áo đã và đang xây hàng chục đê biển với tổng chiều dài 49 cây số dọc sông Danube ở phía Đông thủ đô Vienna. Trong khi đó, Croatia cũng có thể xây 53 đê biển trải dài trên 53km sông Danube chảy qua nước này. Chính phủ Croatia hiện chưa dám thông qua chính vì vấp phải sự phản đối dữ dội của các nhà khoa học, nhà hoạt động môi trường.
Anh bạn Schwarzenberg của tôi, một nhà hoạt động môi trường của Áo, cho biết đầu năm nay anh có cơ hội đến Grimsing, vùng Wachau, thượng lưu sông Danube chảy vào lãnh thổ Áo. Đây là nơi mà Áo đang cho xây các con đập để nắn dòng chảy. Nhìn hàng chục chiếc xe ủi ầm ầm dời đất đá, đào những chỗ sông uốn khúc, Schwarzenberg không khỏi xót xa. Những dòng chảy uốn khúc không chỉ tạo nên môi trường sống cho các loài động thực vật mà còn là nguồn sống cho hàng ngàn gia đình nhờ đánh bắt cá và canh tác nông nghiệp. Nếu thay đổi môi trường tự nhiên đó, tương lai hệ động thực vật và những gia đình này sẽ ra sao?
Tác động đối với môi trường trên thực tế đã xảy ra. Kopacki rit, công viên quốc gia của Croatia, nằm ở khu vực sông Drava, một nhánh của Danube ở Croatia, là nơi cư ngụ của hơn 260 loài chim, trong đó có giống diệc bạch và chim gõ kiến xanh quý hiếm. Tuy là công viên quốc gia nhưng Kopacki rit đang “hấp hối”. Môi trường sống của các loài động vật bị phá hủy, thay đổi khiến nhiều loài chim đã biến mất.
Không thể phủ nhận những đóng góp quan trọng của Danube trong thương mại, vận tải đường sông. Dài 3.000km, Danube nối liền Tây và Đông Âu. Danube đã giúp hơn 40 quốc gia châu Âu vận chuyển hàng triệu tấn hàng hóa từ Tây Âu đến Biển Đen mỗi năm. Lợi ích kinh tế thấy rõ khi vận chuyển hàng bằng sà lan rẻ bằng 1/14 so với vận chuyển bằng đường bộ, 1/5 so với vận chuyển bằng tàu hỏa. Chính vì vậy, vận tải thương mại trên sông Danube tăng 27% trong 2 năm qua. Theo Schwarzenberg, Serbia cũng đang đợi thực tế các dự án nắn dòng của Croatia để quyết định có học theo Croatia và Áo hay không. Schwarzenberg chia sẻ “Giờ đây tôi chỉ còn mong Croatia và Serbia đừng lặp lại vết xe đổ của Áo. Thay đổi ở một quốc gia sẽ để lại thảm họa dây chuyền cho các quốc gia khác”. Nghe những suy nghĩ của Schwarzenberg, trong đầu tôi chợt vang lên những lời đẹp đẽ ca ngợi “Dòng Danube xanh”. Liệu sắp tới “Một dòng xanh xanh/Một dòng tràn mông mênh/Một dòng nồng ý biếc” có còn chăng?
Minh Hải