Khi đủ điều kiện, sẽ dạy ngoại ngữ từ lớp 1

(SGGPO).-
Khi đủ điều kiện, sẽ dạy ngoại ngữ từ lớp 1

(SGGPO).- Đầu giờ chiều 16-11, còn 20 phút, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phải trả lời 19 chất vấn của ĐBQH.

Trả lời chất vấn ĐBQH về tình trạng ngồi nhầm lớp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận có hiện tượng đó, chủ yếu là do yếu kém ở môn tiếng Việt. Nguyên nhân là do một số nơi chạy theo thành tích, nhiều em ngồi nhầm lớp do khó khăn về thể chất, trẻ khuyết tật. Đây là điều mà ngành giáo dục sẽ phải rút kinh nghiệm.

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) tại sao quy định học ngoại ngữ từ lớp 3 nhưng học sinh phải học từ lớp 1, Bộ trưởng cho biết, học ngoại ngữ càng sớm càng tốt, nhưng vì chưa chuẩn bị đủ đội ngũ giáo viên nên chỉ dạy từ lớp 3; còn những nơi có điều kiện vẫn tổ chức dạy làm quen với ngoại ngữ từ lớp 1. Khi chuẩn bị đã đầy đủ, ngành giáo dục sẽ tiến tới dạy ngoại ngữ từ lớp 1.

Được dành thời gian phát biểu tại buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Chúng ta có nhiều điều không hài lòng nhưng vẫn phải thấy giáo dục đã có nhiều thành tích, có nhiều nỗ lực. Đổi mới phải có quá trình, có những việc đổi mới bây giờ thì 10 năm sau mới có kết quả”. Ông cũng cho rằng, trong các khuyến nghị của thế giới về giáo dục Việt Nam, thì giáo dục phổ thông phải được nâng chất lượng hơn, nhất là giáo dục cho đồng bào thiểu số. Chính phủ tới đấy sẽ phải chú trọng khâu này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Về giáo dục đại học Việt Nam, nhìn chung đánh giá của quốc tế, kiến thức càng cao thì kỹ năng càng kém. Nhiều công ty đa quốc gia vào tuyển dụng lao động bậc đại học thường yêu cầu phải bồi dưỡng thêm, trong khi đó chỉ 20% lao động phổ thông là cần đào tạo thêm. Nguyên nhân khiến chất lượng giáo dục đại học chưa tốt là khâu kiểm định chất lượng, chuẩn đầu ra chưa tốt. Cùng với đó là đẩy mạnh tự chủ đại học. Tự chủ cả về tài chính, học thuật, nhân sự. “Chính phủ đang đẩy mạnh điều này. Tự chủ tài chính không có nghĩa là nhà nước cắt hết ngân sách, mà tự chủ thực chất là nhà nước bớt can thiệp hành chính vào hoạt động của nhà trường. Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh giám sát của cộng đồng đối với giáo dục đại học”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói. Ông cũng đánh giá, hiện nay đang thực hiện tự chủ đại học rất tốt, đáng mừng là có 3 trường cao đẳng nghề tham gia tự chủ.

Về việc có ĐBQH chất vấn “phải chăng Việt Nam không có triết lý giáo dục?”, trong buổi chất vấn Bộ trưởng bộ GD-ĐT sáng 16-11, Phó Thủ tướng cũng chia sẻ: “Trưa nay tôi lên mạng gõ thì ngay lập tức ra 1,3 triệu kết quả về triết lý giáo dục. Có thể Việt Nam không có những câu triết lý đúc kết, nhưng triết lý của chúng ta nằm ở mục tiêu xây dựng đất nước, xây dựng con người Việt Nam. Đơn cử như học để biết, để làm, để phát triển thành công người Việt Nam có ý thức quốc tế, thành công dân toàn cầu nhưng vẫn phát huy giá trị tốt đẹp của người Việt... Tức là chúng ta có triết lý nhưng thực hiện chưa tốt”.

Không có phương pháp thi cử nào là hoàn hảo

Về đổi mới thi cử, Nghị quyết 29 của Trung ương coi đây là khâu đột phá vì đây cũng là một trong vấn đề xã hội bức xúc nhất. Trước chúng ta có nhiều kỳ thi, trong đó thi phổ thông được cho là không trung thực, không cần thiết; thi đại học thì căng thẳng, áp lực nhưng vào học thì lại quá nhẹ nhàng. Mục tiêu là làm sao có một kỳ thi khách quan, đánh giá được năng lực học sinh. Nhiều nước đã làm. ĐHQG Hà Nội nhiều năm qua cũng đã làm một kỳ thi trắc nghiệm trên máy tính, rất đơn giản. Nhưng Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta chưa thể làm ngay kỳ thi này vì còn chưa tương thích với việc dạy và học hiện nay. Thi cử năm nào xã hội cũng lo, hồi hộp. Nhưng tổng thể thì thấy, thi năm 2015 tốt hơn trước rất nhiều; 2016 cũng tốt hơn và phương án 2017 này đã được lấy ý kiến rất rộng rãi để chốt cách phù hợp nhất. “Dù là việc của bộ GD-ĐT nhưng do tác động lớn đến toàn xã hội nên Chính phủ cũng phải họp, bàn rất nhiều”, Phó Thủ tướng nêu.

Vẫn theo Phó Thủ tướng, đúng như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã khẳng định, thi trắc nghiệm hay tự luận, không có phương pháp nào hoàn hảo. Quan trọng nhất của thi trắc nghiệm là cách ra đề, điều này ĐHQG Hà Nội đã thí điểm mấy năm nay và có kết quả tốt. “Điều còn lại là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải cam kết ban hành đề án đổi mới thi cho các năm tới để xã hội yên tâm. Điều này Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT phải ban hành trước kỳ thi năm 2017. Mục tiêu là có một kỳ thi gọn nhẹ, khách quan, hiệu quả”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

* Chốt lại phần chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, GD-ĐT là vấn đề liên quan trực tiếp đến từng gia đình, từng người dân, thể hiện qua số ĐB chất vấn, tranh luận tăng vượt so với các Bộ trưởng trước. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tuy mới nhận nhiệm vụ, trả lời lần đầu nhưng đã nắm rõ tình hình, trả lời thẳn thắng, đặc biệt từng câu hỏi đều nhận trách nhiệm về ngành, về cá nhân. Tuy nhiên, trả lời còn dài chưa thỏa mãn được ĐBQH vì thế có tranh luận đi tranh luận lại nhiều lần so với Bộ trưởng khác. “Đây là điều bình thường vì giáo dục là quốc sách, là tương lai của đất nước, nên tranh luận để GD-DT trở nên tốt hơn là nhiệm vụ của chúng ta”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Khi đủ điều kiện, sẽ dạy ngoại ngữ từ lớp 1 ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ GD-ĐT tham mưu cho Chính phủ triển khai các giải pháp đổi mới giáo dục, trong đó đổi mới thi cử phải có lộ trình, không tạo áp lực, tránh việc thường xuyên thay đổi gây tốn kém, lắng nghe ý kiến nhân dân để hoàn thiện phương án thi. Rà soát, khắc phục quy hoạch mạng lưới ĐH-CĐ, khắc phục tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm; dự báo thị trường lao động, phân luồng học sinh tốt hơn.

Đồng thời có những giải pháp khắc phục triệt để tiêu cực trong dạy thêm học thêm gây sức ép cho xã hội; rà soát đổi mới chương trình-sách giáo khoa để hạn chế những sai sót, bất cập.

“Chúng ta đánh giá cao của ngành GD-ĐT, sự yêu nghề, tâm huyết của đội ngũ giáo viên, sự hiếu học các em HS-SV, sự chăm lo cho giáo dục của toàn xã hội, các gia đình. Nhưng phải nghiêm khắc nhìn nhận lại tình trạng học sinh Việt Nam bị học quá tải, nhưng khi ra trường thì khó tìm việc làm. Đây là thực trạng cần phân tích đánh giá để tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Bộ GD-ĐT cần phối hợp với các bộ ngành, địa phương để khắc phục những điều này, báo cáo Quốc hội trong kỳ sau”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Nhân ngày 20-11, Chủ tịch Quốc hội gửi lời chúc mừng đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đến toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên đang công tác trong ngành GD-ĐT.


Sáng 16-11, Quốc hội bước vào nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Đã có 58 đại biểu (ĐB) đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Không để dạy thêm, học thêm thành gánh nặng cho xã hội

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu, chuyện dạy thêm, học thêm luôn khiến phụ huynh phải phì cười với luận điệu “học thêm là tự nguyện”, họ phải ký cái giấy tự nguyện học thêm với một trung tâm nào đó và do giáo viên lớp đứng dạy.

ĐB Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) chất vấn, Bộ trưởng nói “học thêm đã đi vào ổn định hơn” là chưa có cơ sở. Dân rất bức xúc với nạn dạy thêm, học thêm. Trả lời các ĐB, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói, Bộ GD-ĐT đã có chủ trương chính sách đúng về dạy thêm, học thêm, nhưng trách nhiệm của Bộ là chưa sâu sát.

“Tôi nhận trách nhiệm là phải sâu sát hơn, không phải cứ đưa chủ trương là xong. Học thêm không thể cấm. Tôi nói học thêm đã ổn định là có cơ sở, tuy chưa thể dứt điểm nhưng đã đi vào ổn định hơn”, ông Phùng Xuân Nhạ nói.

Sau phần trả lời này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) giơ bảng tranh luận cho rằng, bà không đồng tình khi Bộ trưởng nói không cấm dạy thêm, học thêm. “Phải cấm dạy thêm, học thêm bất hợp lý.  Ví dụ, giáo viên đưa nội dung trên lớp về nhà dạy, hoặc kiểm tra trên lớp đúng như dung học thêm, điều này dân phản ánh nhiều. Vì vậy, phải cấm những trường hợp này. Đề nghị phải quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm, không để thành gánh nặng cho xã hội”, ĐB Quyết Tâm nêu. 

Đáp lời, Bộ trưởng đồng ý cấm việc lợi dụng để dạy thêm, học thêm như ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu. Bộ trưởng thừa nhận vừa qua chưa sâu sát, tới đây sẽ phải sâu sát thêm, đồng thời bộ sẽ phối hợp với các địa phương để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm.

Đại biểu nghe Bộ trưởng trả lời chất vấn

Phân luồng học sinh: Thất bại!

ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) chất vấn Bộ trưởng quyết tâm thế nào để giải quyết các bức xúc hiện nay của ngành giáo dục như: chất lượng,  học thêm, bạo lực học đường...

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) chất vấn Bộ trưởng

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, chất lượng giáo dục kém có nguyên nhân là chương trình đào tạo chưa bám sát yêu cầu thị trường lao động. Đào tạo còn quá chú trọng kiến thức hàn lâm, chưa chú trọng kiến thực thực tiễn, kỹ năng, vì thế khi sinh viên ra trường yếu ngoại ngữ, Công nghệ thông tin, hiểu biết cuộc sống kém. Nếu sinh viên nào có kỹ năng, ngoại ngữ thì rất dễ xin việc. Bộ GD-ĐT cũng đã có điều chỉnh là yêu cầu trường khi xây dựng chương trình đào tạo phải có ý kiến của doanh nghiệp, tuy nhiên có thực tế là Bộ chưa sát sao, tới đây, Bộ sẽ tăng cường giám sát điều này.

Bộ trưởng cũng nhận trách nhiệm về việc phân luồng học sinh chưa tốt. Tốt nghiệp THPT, 75% vào ĐH-CĐ, chỉ 15% rẽ sang hướng khác, đó là thực tế cho thấy phân luồng chưa bảo đảm.  Trong thời gian tới, việc phân luồng sẽ thực hiện tốt hơn, nhất là mới đây Thủ tướng đã ban hành Khung giáo dục quốc dân, trong đó chỉ rất rõ các bậc học, có sự phân luồng, liên thông giữa các bậc học. Cùng với khung giáo dục này, sẽ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thì việc phân luồng sẽ được bảo đảm.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn

Đáng chú ý, Bộ trưởng cũng thừa nhận, bạo lực học đường đang ngày càng gia tăng. Dù trong hơn 22 triệu HS-SV, chỉ một bộ phận có bạo lực học đường nhưng khi xảy ra thì gây tác động lớn, phản cảm, làm vấy bẩn môi trường học đường. Vì thế, Bộ GD-ĐT đã đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức HS-SV, trong đó có việc đưa môn giáo dục công dân vào thi THPT quốc gia từ năm 2017.

Năm nào cũng đổi mới thi để đỡ gây “sốc”?

ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông)  chất vấn thi năm 2017 chủ yếu thi trắc nghiệm gây ảnh hưởng đến các em, có bảo đảm chống tiêu cực?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng cho rằng, thi trắc nghiệm chỉ là thay đổi phương thức thi, không thay đổi nội dung thi. Thi trắc nghiệm bảo đảm tính minh bạch, chống tiêu cực, phù hợp cho thi số đông để xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH-CĐ. Bộ đã tham khảo rất nhiều, lấy ý kiến rộng rãi và được ủng hộ. Phương thức này là quá độ để tới đây chuyển sang phương thức thi hoàn chỉnh hơn.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) chất vấn về vấn đề thi trắc nghiệm năm 2017

Nói thêm về đề án đổi mới thi cử, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết, những năm qua đều đã thực hiện nhiều mô hình. Trước đây là thi “3  chung” với 2 kỳ thi: tốt nghiệp, đại học, cao đẳng. Kỳ thi này dài ngày, tốn kém, mệt mỏi. Vì vậy, năm 2015 bắt đầu tổ chức kỳ thi “2 trong 1”, dù còn một số bất cập như rút hồ sơ gây lộn xộn. 2016 tiếp tục đổi mới chỉ còn 2 cụm thi, không còn được rút hồ sơ. Năm 2017, việc đổi mới thi tiếp tục được đổi mới để gọn nhẹ hơn, hiệu quả hơn.

Trả lời câu hỏi "vì sao năm nào cũng đổi mới?", Bộ trưởng cho rằng, để đỡ gây sốc cho xã hội, mỗi năm điều chỉnh một chút để đi tới một phương án thi hoàn thiện đáp ứng  yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT như Nghị quyết 29 TƯ đề ra.

Bộ trưởng thừa nhận, mỗi lần đổi mới thi cử lại gây xôn xao dư luận  một phần do lỗi của Bộ GD-ĐT, công tác truyền thông chưa tốt…

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) chất vấn, thi năm 2017 có thực sự gọn nhẹ, không gây áp lực? Trả lời, Bộ trưởng cho rằng, có áp lực nhưng ở mức chấp nhận được.  ĐB Đàng Thị Mỹ Hương tranh luận lại cho rằng, đó là chấp nhận được cho người lớn. Còn thời gian các bài thi tổ hợp 150 phút với 60 câu là nặng; thi tổ hợp không phải là giải pháp để khắc phục học lệch, học tủ của học sinh, mà đó là do cách tổ chức giáo dục. Những trả lời của Bộ trưởng chưa thuyết phục, chưa rõ.

Tranh luận về thi trắc nghiệm, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, phương thức thi này không chống được tiêu cực. “Có học sinh nói với tôi chỉ thích thi trắc nghiệm vì dễ được điểm cao. Các em kể một phòng thi trắc nghiệm chọn 1 bạn học giỏi nhất, xức dầu thơm rất nhiều, khi bạn ho một tiếng là cả phòng tích vào phương án 1; ho 2 tiếng là tích vào phương án 2...”,  ĐB Nga kể. Câu chuyện này của ĐB khiến hội trường cười xôn xao hồi lâu.

Trả lời ĐB Việt Nga, thiết kế đề thi năm nay sẽ không có chuyện “xức dầu” như vậy, vì mỗi em sẽ là một mã đề thi riêng, các câu hỏi đề thi đều được chuẩn hóa.

Bộ trưởng chịu trách nhiệm gì khi để 191.000 sinh viên ra trường thất  nghiệp?

ĐB Hồ Thị Minh (Quảng Trị) chất vấn, hiện nay 191.000 sinh viên ra trường thất nghiệp, trong khi đó hàng loạt trường cao đẳng (CĐ), trung cấp vẫn tiếp tục đào tạo, liệu các em ra trường có việc làm hay không? Có nên duy trì việc đào tạo lãng phí này hay không?

ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cũng cho rằng sinh viên tốt nghiệp không việc làm là rất lãng phí, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và giải pháp?

Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) đặt câu hỏi chất vấn

Ông Phùng Xuân Nhạ cho biết, khi nhận nhiệm vụ cũng rất trăn trở  việc này, vì sứ mạng của trường đại học (ĐH) là đào tạo sinh viên ra trường phải có việc làm, không mất thời gian đào tạo lại. Hiện hàng năm có 300.000  sinh viên ra trường, 80% có việc làm, còn lại khoảng 60.000 sinh viên thất nghiệp. Chỉ cần cộng dồn lại mấy năm thì con số rất lớn.

“Sinh viên thất nghiệp chủ yếu là ở các trường chất lượng yếu kém, mới thành lập.  Vì vậy, tới đây sẽ làm mạnh việc điều chỉnh quy hoạch trường ĐH-CĐ, áp chuẩn đầu ra cho các trường chất lượng còn yếu. Với những trường yếu kém quá thì phải chuyển đổi, hoặc là thành phân hiệu của một trường ĐH lớn, hoặc là trường thành viên để bảo đảm chất lượng đào tạo”, Bộ trưởng cho biết. Cùng với đó, hạn chế nâng cấp trường CĐ, trung cấp. 

“Không nên nhất thiết phải đào tạo ĐH khắp nơi, nên tập trung đào tạo ở Trung ương, các địa phương không nên lập nhiều trường ĐH”, Bộ GD-ĐT nêu quan điểm.  Đặc biệt, phải siết chặt đầu vào, nâng chuẩn đầu ra. Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường hàng năm phải báo cáo số sinh viên ra trường, nếu trường không báo cáo sẽ không được giao chỉ tiêu tuyển sinh.

Chốt lại, Bộ trưởng cho rằng sinh viên thất nghiệp có nhiều nguyên nhân. “Về phía Bộ GD-ĐT thì Bộ nhận trách nhiệm ở các khâu đó. Nhưng có những nguyên nhân Bộ không làm nổi, ví dụ đào tạo ra thì phải có các doanh nghiệp nhận vào làm, tức là còn phụ thuộc thị trường, doanh nghiệp”, ông Phùng Xuân Nhạ nói.

Sau phần trả lời này, nhiều ĐB đã đứng dậy tranh luận cho rằng, trong số 191.000 sinh viên thất nghiệp đa phần là sinh viên tốt nghiệp ĐH, nhiều người tốt nghiệp sau đại học. Nguyên nhân là do chất lượng đào tạo kém, đào tạo chưa gắn với thị trường lao động, quy hoạch ĐH-CĐ chưa phù hợp, Bộ GD-ĐT cùng Bộ LĐ-TB và XH chưa có sự gắn kết trong đào tạo - việc làm, chưa dự báo được thị trường lao động...

Trả lời các tranh luận, ông Phùng Xuân Nhạ tiếp tục nhận trách nhiệm ở  khâu đào tạo chưa bảo đảm yêu cầu. Ngoài ra, ông cũng thừa nhận việc phối hợp với Bộ LĐ-TB và XH chưa nhiều để gắn kết giữa đào tạo - việc làm.

Đề án Ngoại ngữ đến năm 2020 là siêu dự án, không hiệu quả?

Ngoại ngữ hiện là một điểm yếu của nhiều người lao động

Trước khi trả lời chất vấn, ông Phùng Xuân Nhạ thừa nhận tuy ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực nhưng còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập, chưa đáp ứng mong mỏi của nhân dân.

Là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) chất vấn đề án dạy ngoại ngữ (NN) có mục tiêu đến năm 2020 đa số thanh niên đủ trình độ ngoại ngữ để làm việc độc lập, với kinh phí hơn 9.000 tỷ đồng, đã chi hết 5.000 tỷ đồng nhưng đến nay, nhiều mục tiêu không đạt được.  Liệu dự án có chung số phận như 5 dự án mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội lần này?

Với câu hỏi này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời luôn là dự án không đạt mục tiêu này. Vì dạy và học NN cần thời gian dài, để viết thành thạo các mục tiêu như đề án đề ra cần chi phí rất lớn. Đề án có đưa ra lộ trình, mục tiêu để thực hiện nhưng khi thực hiện có nhiều khó khăn: thời gian, kinh phí, chuẩn bị... khiến mục tiêu không thành công. Ví dụ chuẩn bị đội ngũ giáo viên không khả thi, vì vậy thực hiện khó khăn, đó là điều mà chúng tôi rất rút kinh nghiệm.

“Chúng tôi nhận trách nhiệm là khi xây dựng đề án phải hết sức khả thi, bám sát các yếu tố để thực hiện mục tiêu. Vì vậy, vừa qua chúng tôi đã rà soát đề án và điều chỉnh mục tiêu”, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết. Cũng theo Bộ trưởng, đề án này không thể chịu trách nhiệm đào tạo NN cho tất cả thanh niên, vì đặt mục tiêu như vậy là không khả thi.

Từ đó, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh cách tiếp cận thực hiện đề án, trong đó tới đây tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên, tập trung các phương thức dạy NN như dạy NN trực tuyến, dạy NN từ xa.. Và học NN phải là động cơ của toàn xã hội, phải xã hội hóa, không thể chỉ trông chờ hết vào ngành giáo dục. 

“Không chỉ tập trung, đào tạo NN cho HS-SV mà phải là dạy NN cho toàn dân, tạo ra một xã hội học NN. Chúng tôi nhận trách nhiệm bước đầu về đề án này.  Đến năm 2020 chưa thể đạt mục tiêu là thanh niên Việt Nam sử dụng được NN để làm việc. Thực tế, các quốc gia Singapore, Malaysia... đều đòi hỏi phải có thời gian dài hơi, mấy chục năm để đạt tới trình độ tiếng Anh tốt. Tương tự, yêu cầu về NN đối với công chức viên chức, giáo viên thì Bộ GD-ĐT sẽ bàn với Bộ Nội vụ để điều chỉnh yêu cầu, lộ trình”, ông Phùng Xuân Nhạ nêu.

ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) tiếp tục chất vấn, đề án NN đến năm 2020 là một siêu dự án, không hiệu quả, rất lãng phí khi đầu tư nhiều cơ sở vật chiếu rồi đắp chiếu? Bộ trưởng rút kinh nghiệm thế nào để các đề án sau không lặp lại tình trạng tương tự?

Bộ trưởng cho biết, đến nay số tiền mới thực hiện chỉ hơn 3.000 tỷ đồng. Nhưng ông cũng thừa nhận đề án có nhiều bất cập, kể cả chuyện nhiều nơi mua thiết bị rồi để đấy, nên tới đây phải điều chỉnh. Khi điều chỉnh rồi sẽ không phải cần quá nhiều tiền, vấn đề là đưa ra các phương pháp dạy và học ngoại ngữ đúng.

“Phải rút kinh nghiệm rất sâu sắc. Cá nhân tôi cũng rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc triển khai các đề án khác, phải bảo đảm triển khai khả thi, sát thực tiễn”, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết. Đề án triển khai trong thời gian tới cần tập trung 3 vấn đề: giáo trình phải gọn nhẹ, theo chuẩn thế giới; giáo viên bảo đảm chuẩn, tăng cường dạy trực tuyến, từ xa để mọi người đều được học.

 ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn, bộ sách công nghệ giáo dục đưa vào dạy có được Hội đồng quốc gia thẩm định hay không, có xin ý kiến Bộ GD-ĐT hay không? Nếu không thì tại sao bộ sách còn nhiều tranh cãi này vẫn ung dung vào trường học, hiện nay đã mở rộng tới 48 tỉnh thành.

Ông Phùng Xuân Nhạ thừa nhận đây là một bức xúc của xã hội, Bộ GD-ĐT đã nhận thức được và đang cho rà soát. Tới đây, sau khi rà soát có thể có sự điều chỉnh.

Tiếp tục tranh luận, ĐB Kim Thúy yêu cầu Bộ trưởng cho biết rõ bộ sách công nghệ giáo dục có thông qua Hội đồng thẩm định hay không? Nếu không thì trách nhiệm thế nào? Còn nếu Bộ trưởng thấy đúng là chưa thẩm định mà vẫn cho sử dụng tức là  thấy sai mà không sửa?

Trả lời ĐB, Bộ trưởng thừa nhận chưa thẩm định, tới đây sẽ thẩm định, sau thẩm định nếu cần sẽ cho dừng.

PHAN THẢO - Ảnh: LÃ ANH

Tin cùng chuyên mục