Khi du học không còn là giấc mơ

Người ơi người ở… không về!
Khi du học không còn là giấc mơ

Nếu như trước đây du học chỉ dành cho người học hành xuất sắc hoặc gia đình có điều kiện, thì giờ du học ngày càng trở nên dễ dàng, đơn giản. Thậm chí nhiều gia đình còn quyết định đầu tư cho con đi du học từ khi con còn nhỏ...

Du học sớm hay trễ

Hiện nay, việc tìm kiếm thông tin du học hay học bổng ngày càng trở nên dễ dàng, bởi có rất nhiều học bổng ưu tiên cho học sinh, sinh viên châu Á và các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nhiều trường danh tiếng của Mỹ, Canada, Anh, Úc, New Zealand, Singapore... hàng năm đều dành các suất học bổng giá trị cho học sinh, sinh viên Việt Nam. Bạn Sử Huệ Thanh, ngụ TPHCM, hiện đang theo học tại Đại học Truman State (Mỹ) bằng học bổng toàn phần cho biết: “Du học thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời. Mình không chỉ được học rất nhiều kiến thức mới mẻ mà còn trưởng thành, độc lập, tự tin hơn trong cách nghĩ, cách sống”.

Tuy nhiên, đối với nhiều học sinh cấp 2-3, lứa tuổi đang trong quá trình hình thành nhân cách, du học đối với họ và với phụ huynh ít nhiều băn khoăn. Nhiều người cho rằng nên cho con du học sau cấp 3, tức sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông là tốt nhất, vì khi ấy trẻ đã tương đối trưởng thành, đầy đủ ý thức, biết tự ứng phó trước các “cú sốc văn hóa” và những tình huống khó khăn nếu có. Du học sớm vô tình tạo áp lực cho trẻ, khi kỹ năng sống còn non nớt, khả năng tự lập hạn chế, lại đang trong giai đoạn hình thành và phát triển nhân cách, khó có thể sống và học tập xa cha mẹ, gia đình. Không ít trường hợp du học quá sớm không những không đạt kết quả như mong đợi mà còn dẫn đến nhiều hệ hụy.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh vẫn sốt ruột, tin rằng cho con du học bắt đầu từ bậc trung học để trẻ được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến càng sớm càng tốt, rằng ở độ tuổi này các em dễ thích nghi, vững vàng, tự tin và thành công hơn so với các bạn cùng trang lứa.

Một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục du học cho biết một số lợi thế của du học sớm: Đầu tiên, càng được tiếp cận nền giáo dục tốt, các em có cơ hội được phát triển toàn diện, sớm tiếp xúc các chương trình đào tạo đa dạng và linh hoạt theo khả năng từng học sinh. Kế đến, càng du học sớm, kỹ năng nói, viết tiếng Anh của các em càng hoàn thiện, và ngoài tiếng Anh ra, các em còn được học thêm ngôn ngữ thứ ba, thứ tư… nếu muốn. Tiếp theo, với bằng tốt nghiệp phổ thông đạt chuẩn quốc tế, cơ hội chuyển tiếp vào các trường đại học lớn trên thế giới sẽ rất thuận lợi. Tóm lại, càng du học sớm, khả năng tự lập và ý thức tự chủ của các em càng cao.

Chính vì thế, thời gian gần đây nhiều phụ huynh quyết định cho con du học từ rất sớm, nhiều nhất là đầu trung học cơ sở và một số từ tiểu học. Chị Trương Lê Thanh Thủy, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du, quận 1, TPHCM, kể: “Cứ mỗi đầu học kỳ vào họp là cô giáo lại thông báo bao nhiêu học sinh nghỉ với lý do ngắn gọn: du học”. Vậy du học ở độ tuổi nào phù hợp? Theo ông Văn Khắc Thông, Giám đốc Công ty Du học Á Âu: “Độ tuổi du học tốt nhất nên hết trung học cơ sở. Bởi khi xong 3 năm trung học ở nước ngoài, các em đã quen với môi trường sống, học tập mới, nghe hiểu tiếng Anh thuần thục, tiếp thu kiến thức dễ dàng khi vào đại học”. Bà Trần Thị Ngọc Trâm, Trung tâm Giáo dục Canada tại Việt Nam, cũng có lời khuyên: “Canada, Mỹ và nhiều nước khác vẫn có các cấp học tương tự Việt Nam, nên họ cũng nhận du học sinh bậc tiểu học. Tuy nhiên hầu hết các em độ tuổi này còn quá nhỏ để có thể tự lập. Do vậy thường phải có người thân theo giám hộ, và dĩ nhiên chi phí đội lên rất cao. Theo tôi, độ tuổi trung học phổ thông là thích hợp du học hơn cả. Bởi trong 3 năm (lớp 10, 11 và 12) tại Canada, các em sẽ được học ngôn ngữ, định hướng nghề nghiệp, xác định khả năng, sở thích... để có thể lựa chọn cho mình một trường cao đẳng hoặc đại học tương xứng. Thường các trường trung học tại Canada chưa đòi hỏi trình độ Anh văn, tuy nhiên nếu các em có nền tảng tiếng Anh càng vững thì càng dễ dàng tiếp thu bài vở, hội nhập cộng đồng”.

Du học không chỉ giúp bạn trưởng thành mà còn tự tin trong cách sống

Chị Dương Thụy Phương Khanh, cựu du học sinh Vương quốc Bỉ, hiện làm việc tại Tập đoàn CapitaLand, chia sẻ: “Vượt qua được các vòng phỏng vấn, xin visa và ngay cả đặt chân ra nước ngoài cũng chỉ mới bắt đầu, việc thích nghi với môi trường sống và hòa nhập được mới thực sự quan trọng. Đầu tiên là rào cản về ngôn ngữ, tập quán, văn hóa, thức ăn, giờ giấc... làm du học sinh cảm thấy choáng ngợp, lạc lõng. Ngoài ra, một trong số vấn đề du học sinh cần chú trọng, quan tâm là bản quyền. Ở Việt Nam các bạn thường có thói quen “mượn tạm” phim, nhạc, nhiều nhất là phần mềm máy tính bẻ khóa. Có thể bạn sẽ tiết kiệm được khá tiền, nhưng lại quên mất đang vi phạm nghiêm trọng luật bản quyền và phải chịu phạt rất nặng nếu bị phát hiện. Ngoài ra, các bạn đạo văn, đạo ý tưởng, hay bạn thường tìm bia rượu giải sầu... cũng cần rất cẩn thận chú ý nếu không muốn gặp rắc rối với nhà trường và cả chính quyền”.

Người ơi người ở… không về!

Rất nhiều du học sinh học xong “một đi không trở lại”. Phan Ngọc Tài, sinh năm 1990, du học sinh ngành thiết kế Trường Raffles College (Úc) cho biết lý do du học không giống ai: “Chỉ thích sống ở nước ngoài”. Trên Facebook, bạn bè toàn thấy ảnh Tài khoe đi chơi ở đâu, ăn gì, mua gì... không có hình ảnh, chia sẻ nào liên quan việc học. Ba mẹ sốt ruột gọi về nhưng Tài viện cớ vừa xin được học bổng nên ở lại học tiếp.

Cũng không hiếm trường hợp gia đình tạo mọi điều kiện cho con du học để... đi luôn. Thu Phương, sinh năm 1992, du học sinh tại bang Houston, bang Texas (Mỹ) cho biết: “Gia đình mình không giàu có gì, nhưng vẫn vay mượn lo bằng được cho mình du học để mong mình được... đổi đời. Tại Mỹ, sáng đến trường thì chiều tối mình phải ra tiệm nail của người quen làm thêm kiếm tiền trang trải và trả nợ”. Hiện Phương sắp học xong và đang được người quen giới thiệu kết hôn giả để có quốc tịch Mỹ và ở lại với giá 30.000 USD, nợ cũ chồng nợ mới. Hỏi Phương có sợ bị lộ, bị trục xuất về nước, Phương lạnh lùng: “Lỡ rồi, mình không còn cách quay đầu đâu”.

Dương Thụy Phương Khanh cho biết, lúc ra trường chị nhận được một số lời mời ở lại làm việc, kể cả của chính phủ, nhưng chị đều từ chối: “Sao phải ở lại? Nhớ nhà là một chuyện, nhưng ở nước họ mình chỉ như một hạt cát trên bờ biển. Và dù có làm gì, mình cũng chỉ là kẻ tha hương, ăn nhờ, ở đậu. Không đâu bằng nhà mình, bằng đất nước mình...”. Vậy đó, con đường du học hiện không còn gập ghềnh nữa, nhưng thực sự chưa bao giờ bằng phẳng. Nếu du học sinh và cả các bậc phụ huynh không sớm nhận định đầy đủ những mặt trái-phải của nó, thì tiền mất tật mang, đứt gánh giữa đường, thậm chí “mất con” là điều khó tránh khỏi. Khi du học không còn là giấc mơ, là quyết định quan trọng trong cuộc đời mà còn thể hiện sự thành công hay thất bại sau này của mỗi cá nhân nếu được xem là phong trào để hối hả, bằng mọi cách, mọi giá đi cho bằng được để rồi... đi luôn tới nơi vô định, nhận lấy những kết cục không như mong đợi.

Song Phạm - Đặng Ngân

Tin cùng chuyên mục