Khi hạnh phúc nhân đôi

Khi hạnh phúc nhân đôi

Từ trước đến nay, có một số đàn ông không đánh giá cao công việc nội trợ của phụ nữ. Đối với họ, nội trợ đồng nghĩa với việc không làm gì, chỉ ở nhà. Ít người nhận ra rằng, ở nhà không có nghĩa là không làm gì mà ở nhà nội trợ là cả một sự hy sinh của phụ nữ cho gia đình, con cái. Ở nhà để giải quyết 1.001 công việc không tên trong gia đình, để người đàn ông của họ yên tâm trong công việc ngoài xã hội… Nếu không có những người phụ nữ đặt toàn tâm, toàn ý; đặt cả tình yêu thương của mình vào công việc nội trợ thì hạnh phúc trong gia đình có bền vững(?!).

Chồng con phải chia sẻ việc nội trợ với phụ nữ để gia đình hạnh phúc. Ảnh minh họa

Áp lực đến từ gia đình

“Lúc đầu mình không nghĩ sẽ ở nhà chăm con nhưng hết thời gian ở cữ, con gái mình vẫn chưa thể thích nghi với người giúp việc mới, con bé cứ uống sữa vào là ộc ra, nên mình không yên tâm, do vậy cứ xin công ty cho nghỉ không ăn lương, đến 1 năm thì quyết định nghỉ việc luôn để ở nhà chăm con”, chị Bích Vân, ngụ quận Tân Bình, TPHCM, tâm sự.

Kể từ khi ở nhà (nói là chăm con) nhưng gần như làm tất tần tật công việc trong gia đình. Nhà thiếu hụt một đầu thu nhập nên cũng không thuê người giúp việc, chuyện nhỏ, lớn trong nhà đều do một tay chị Vân quán xuyến. “Ban đầu ông xã thích lắm vì có mẹ chăm con thì còn gì bằng, nên mỗi ngày về nhà ông xã đều hỏi han, chia sẻ trách nhiệm với mình, nhưng càng ngày có lẽ ổng thấy nhàm chán, nên không hỏi luôn mà coi đó như là bổn phận của phụ nữ, miễn về có cơm nước đàng hoàng, nhà sạch, con thơm là được rồi. Lâu dần tôi có cảm giác ông xã không còn coi trọng công việc ở nhà của vợ. Nhiều lúc nghe ba tụi nhỏ điện thoại với gia đình bên nội và nói “vợ con đâu có làm gì, chỉ ở nhà chăm con thôi”, nghe mà đau lòng…”, chị Vân cho biết.

Chị Loan ở quận 8 kể, hơn 10 năm qua ở nhà làm việc và chăm con, gia đình chị không thuộc hàng khá giả nhưng thu nhập của chồng cũng đủ, do vậy chính chồng chị đã đề nghị chị nghỉ việc ở nhà lo cho gia đình. Ban đầu chồng chị Loan cũng đánh giá cao sự hy sinh của vợ vì gia đình nên sau khi tan việc, về nhà chồng chị luôn xắn tay áo vào phụ vợ công việc, nhưng rồi sự giúp sức càng ngày càng thưa, đến bây giờ thì khỏi bàn, cứ chiều là chồng chị lại gọi điện về nhà cho biết: hôm nay anh đi tiệc với đồng nghiệp, ngày mai anh có hẹn ăn tối với khách… Riết thành thói quen, tối về mấy mẹ con cơm nước xong, sinh hoạt gia đình cũng chỉ có mấy mẹ con, một tuần chồng chị về nhà sớm chừng một, hai hôm, còn bình thường về tắm, rửa xong là vào phòng ngủ.

Hạnh phúc ở quanh ta

Không để mọi việc trôi theo dòng thời gian như trường hợp chị Vân và chị Loan, chị Hoài Thương, sống ở quận Bình Thạnh cho biết, trước đây chị là nhân viên kinh doanh, nhưng từ khi có bầu và sinh em bé, chị cũng bỏ hết công việc ngoài xã hội và bỏ mặc những lời khuyên, cảnh báo của bạn bè để ở nhà với con.

Chị Thương kể công việc hàng ngày, sáng dậy sớm nấu ăn cho cả nhà, ăn xong chồng đi làm còn chị đưa con đến trường. Khi con đi học, chị về làm các công việc nhà như lau nhà, dọn dẹp và chăm bón cho vườn rau xanh của gia đình. Ngoài ra, chị có sẵn nghề đan móc len, nên chị đan những chiếc túi nhỏ đựng điện thoại di động và lớn hơn là những bộ bikini rồi post lên facebook bán. Thu nhập tuy không nhiều nhưng chị Hoài Thương cho biết, cảm thấy thoải mái và vui với công việc ở nhà. Ngoài việc đan len, chị thỉnh thoảng vẫn có thời gian đi cà phê với các đồng nghiệp cũ vào buổi trưa. Hiện ngoài trang bán hàng online trên facebook, chị còn làm một showroom nhỏ ở nhà để trưng bày các mẫu hàng đan len xinh xắn dành cho giới tuổi teen, khách hàng của chị thậm chí có cả người nước ngoài.

Có ý kiến về vấn đề này, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý học Trường ĐHSP TPHCM, cho biết ông không đồng tình về việc không ít người đàn ông cho rằng nội trợ nghĩa là không làm việc gì mà chỉ thực hiện thao tác, chức năng của mình trong cuộc sống gia đình. Đây là quan niệm chưa phù hợp. Lẽ đương nhiên, mỗi người có thể đặt mình vào thử nghiệm ở vị trí ấy, công việc ấy để có những trải nghiệm sâu sắc cũng như cụ thể để tránh những chủ quan, cảm tính.

Vấn đề chính là người chồng phải hiểu được điều này, thấu cảm với vợ và chia sẻ việc nội trợ để dễ đồng cảm. Hơn nữa, người chồng phải nhận ra những vất vả, lo toan từ cuộc sống mà vợ đã - đang thực hiện. Mặt khác chính người vợ cũng đừng quá hữu khuynh để nghĩ rằng chỉ có thể làm nội trợ hay nội trợ là công việc duy nhất. Có thể thực hiện những công việc khác song song nhưng vẫn dành thời gian đủ để nội trợ thật tốt. Hay ngay trong lúc làm nội trợ, vẫn có thể dành thời gian để làm thêm vài việc có thu nhập dù ít dù nhiều để nâng cao hình ảnh và vị thế của mình.

GIA LYNH

Tin cùng chuyên mục