Báo SGGP số ra ngày 18-1-2013 có đăng 2 bài: Thật và ảo, Nghiện phây, nêu thực trạng nhiều học sinh nghiện Facebook (FB). Đây là vấn đề nhiều phụ huynh đang phải bận tâm. FB là một mạng xã hội đang có sức lan tỏa mạnh, đi đâu cũng thấy “tín đồ” của FB, từ học sinh đến những người nổi tiếng, giới văn phòng, nhà văn, nhà báo… Có thể nói FB đã len lỏi vào trường học, công sở và trở thành công cụ giao tiếp khá phổ biến.
Facebook có rất nhiều tiện ích, như có thể tìm kiếm được bạn bè cũ, hiểu được những người thân quen đang sinh sống ra sao và họ nghĩ gì. Trên FB cũng tạo cơ hội để quy tụ những người cùng sở thích để cùng sinh hoạt nhóm hoặc hỗ trợ nhau như: những người đam mê tiếng Anh, những người ôn thi đại học, những người yêu thích văn học... Qua những trang FB này, có thể học hỏi được nhiều điều ở thế giới ảo nhưng kiến thức thật. Tuy nhiên, FB cũng là con dao hai lưỡi, ngoài tiện ích thì FB cũng đang có mặt trái là bị những người thiếu ý thức lạm dụng làm diễn đàn để bêu rếu, phê phán, lăng mạ lẫn nhau. Không hiếm chuyện học sinh tung lên mạng những thước phim quay cảnh bạn bè đánh nhau để hả hê, tung ảnh hớ hênh của bạn để làm nhục nhau, hoặc viết những lời bịa đặt thiếu văn hóa để lăng mạ nhau. Đã có cả những trường hợp học sinh giấu mặt dùng FB để nói xấu thầy cô giáo và cha mẹ của mình.
Do vậy, căn dặn, hướng dẫn cho con em ở tuổi thiếu niên có ý thức khi lên FB là việc cần thiết. Nhằm giúp cho học sinh tránh xử sự không hay khi lên FB, Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) đưa ra hướng dẫn nội bộ “Những điều cấm kỵ khi lên FB” trên trang web chính thức của trường. Hướng dẫn này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều phụ huynh và học sinh trong và ngoài trường. Vẫn biết là nhà trường đâu thể quản lý được hết các học sinh lên FB, vì FB có chức năng bảo mật và người tham gia FB có thể tạo nick ảo, nhưng quy định này giúp các học sinh của trường bước đầu nhận biết được việc nào không nên làm, chứ không đơn giản chỉ là trò vui, xả stress vô hại.
Ý thức được có những việc không hay trên FB, nên nhiều phụ huynh đã tìm cách định hướng cho con mình bằng việc cùng con chơi FB, cũng lập tài khoản FB, kết bạn với con mình và bạn bè của con, nhưng không lộ diện, nói chuyện với các cháu như những người bạn một cách lịch sự để tìm hiểu và biết được con mình đang nghĩ gì, chơi với ai và chơi như thế nào. Đây là phương án khá hiệu quả mà nhiều phụ huynh đã áp dụng để kịp thời uốn nắn con cái khi chúng có dấu hiệu lệch lạc, thiếu lành mạnh trong việc sử dụng FB.
Thiết nghĩ, để các học sinh nhận thức đúng đắn về các phương tiện giải trí trên internet nói chung và FB nói riêng, rất cần có sự kết hợp định hướng từ phía nhà trường và gia đình. Tuy nhiên, nhà trường nên coi đây là những điều nhắn nhủ có lẽ sẽ hiệu quả hơn là những điều cấm kỵ, vì ở lứa tuổi này thường có chút ngông, thích làm ngược với các quy tắc.
MINH VÂN (quận 9, TPHCM)
- Thông tin liên quan:
>> Thật và ảo