Khi không còn chiếc phao “người nhà”

ANH THƯ

Nhiều điểm khác biệt quan trọng trong các quy định về mua sắm chính phủ (MSCP) giữa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và pháp luật về đấu thầu của Việt Nam sẽ buộc các nhà thầu Việt phải cạnh tranh sòng phẳng mà không còn chiếc phao “người nhà”. Đó là khuyến nghị của chuyên gia tư vấn quốc tế Jean Heilman Grier đến từ cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Đơn cử, trong khi pháp luật về đấu thầu của Việt Nam điều chỉnh cả các hợp đồng BOT, hợp đồng nhượng quyền, thì TPP không điều chỉnh hai loại hợp đồng này. Về hình thức lựa chọn thầu, Luật Đấu thầu hiện hành (2013) quy định tới 7 hình thức (đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt) thì TPP chỉ quy định 3 hình thức đầu (đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu). Bên cạnh đó, các trường hợp được chỉ định thầu theo pháp luật Việt Nam rộng hơn đáng kể so với TPP.

Vẫn theo TPP, các nước thành viên phải có ít nhất một cơ quan hành chính hoặc tư pháp độc lập với chủ thể mua sắm để làm đầu mối tiếp nhận và giải quyết kiến nghị trong đấu thầu. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam chưa quy định về cơ quan này. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả là trong khi Luật Đấu thầu 2013 của Việt Nam dành nhiều ưu đãi cho nhà thầu và sản phẩm, dịch vụ trong nước thì 3 nguyên tắc trong hoạt động đấu thầu MSCP của TPP là tuân thủ nguyên tắc đối xử quốc gia, không được phân biệt đối xử; quy tắc xuất xứ và cấm áp dụng các biện pháp ưu đãi trong nước (offset).

Mặc dù vậy, theo ông Đặng Chiến Thắng, chuyên gia USAID, Việt Nam đã đàm phán được lộ trình tương đối dài để “mở cửa” từ từ với MSCP. Theo đó, thời gian được phép áp dụng offset là 25 năm và Việt Nam có thể yêu cầu mức độ offset khác nhau đối với các hợp đồng, với điều kiện tổng giá trị hợp đồng được sử dụng offset không vượt quá 40% hoặc 30% (tùy giai đoạn). “Kể từ năm thứ 26 trở đi, mọi biện pháp ưu đãi trong nước sẽ không còn tồn tại”, ông Thắng nhấn mạnh. Chuyên gia Jean Heilman Grier khuyến nghị, Việt Nam cần sớm tính toán và theo dõi tổng giá trị hợp đồng hàng năm được áp dụng offset; nhu cầu sử dụng offset của từng cơ quan được tổng hợp và đăng ký như thế nào, những biện pháp ưu đãi dự kiến và cơ chế phân bổ ưu đãi trong khoảng thời gian còn lại (...).

Tất nhiên, “dễ người dễ ta”, một khi TPP được thực thi, bên cạnh những thách thức lớn phải đương đầu, các nhà thầu Việt Nam cũng sẽ có không ít cơ hội khi được tiếp cận một thị trường MSCP rộng lớn của một khu vực kinh tế có tổng giá trị chiếm tới 40% kinh tế toàn cầu.


ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục