Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các bộ ngành liên quan dừng cấp phép mới, đồng thời rà soát lại họat động của các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN) hiện hữu.
Theo đó, với những KKT, KCN, CCN họat động không hiệu quả, không triển khai hoặc triển khai xây dựng hạ tầng, nhà xưởng, trang thiết bị chậm tiến độ, xin gia hạn nhiều lần, gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xem xét thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Về khía cạnh môi trường, đây được xem là giải pháp mạnh nhằm xử lý triệt để tình trạng chủ đầu tư hạ tầng cố tình “ăn gian vào môi trường” để tăng lợi nhuận cho mình.
Trên thực tế, hiện tồn tại rất nhiều KCN không đầu tư hạ tầng xử lý chất thải. Chỉ tính dọc sông Đồng Nai có hơn 100 KCX, KCN nhưng có đến 70% trong số đó chưa đầu tư hạ tầng xử lý chất thải. Kết quả là chất lượng nước sông luôn trong tình trạng báo động về ô nhiễm, đe dọa trực tiếp đến chất lượng nguồn nước cấp sinh họat của hơn 16 triệu dân. Điều đáng nói là tình trạng vi phạm trên đã kéo dài nhiều năm. Các cơ quan chức năng cũng đã mỏi tay vì phải ký quyết định phạt những đơn vị này, nhưng rồi chuyện đâu lại vào đấy. Lý do duy nhất là không thể đóng cửa họ được, càng không thể thu hồi giấy chứng nhận đầu tư do vướng Luật Doanh nghiệp…
Không dừng lại đó, việc chạy theo thành tích thu hút đầu tư giữa các tỉnh thành cũng tạo cơ hội cho chủ KCN nói riêng và doanh nghiệp gây ô nhiễm nói chung có đất để tồn tại. Theo nghiên cứu gần đây của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, đang có sự dịch chuyển ô nhiễm từ thành phố lớn sang tỉnh lân cận. Nguyên nhân cũng được lý giải là do tại các thành phố lớn, các cơ quan chức năng đang siết chặt theo Luật Bảo vệ môi trường. Việc xử lý hành vi vi phạm cũng mạnh tay hơn. Những doanh nghiệp tái vi phạm ô nhiễm nghiêm trọng lần thứ 3 trở lên sẽ phải đối diện nguy cơ bị đóng cửa. Trong khi cũng với những hành vi vi phạm như trên thì tại các tỉnh vẫn còn bị xử lý nhẹ.
Thế nhưng, với quyết định mới mà Thủ tướng Chính phủ vừa đưa ra thì tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” nữa. Các chủ doanh nghiệp nói chung cũng sẽ không thể sử dụng hàng ngàn lý do như thiếu vốn, khó kết nối hạ tầng do doanh nghiệp đã họat động nên không thể làm hạ tầng ngầm, chưa tiếp cận được công nghệ xử lý thích hợp… để biện minh cho hành vi sai phạm của mình. Đặc biệt hơn, các cơ quan chức năng cũng có thể mạnh tay hơn trong việc xử lý dứt điểm hành vi vi phạm môi truờng vốn đang gây nhứt nhối trong dư luận xã hội lâu nay.
MINH XUÂN