Những ngày gần đây, hàng loạt vụ bạo hành học đường được ghi hình ảnh, phát tán trên mạng đã khiến dư luận hết sức bàng hoàng và phẫn nộ: Từ vụ bảo mẫu hành hạ dã man cháu bé 3 tuổi ở Bình Dương đến cảnh một nhóm nữ sinh Trường THCS Mạch Kiếm Hùng (quận 5) “trừng trị” bạn học theo kiểu xã hội đen. Rồi tiếp tục là “cận cảnh” một thầy giáo ở Bình Tân thẳng tay tát học trò vì em không làm được bài…
Đau lòng nhất là trường hợp ở Trường THCS Mạch Kiếm Hùng, chỉ vì cái liếc nhìn khó hiểu của người bạn cùng lớp cũng dễ để một nhóm học sinh biến thành nguyên nhân mở ra cuộc thanh trừng kẻ yếu. Các em nữ sinh thẳng tay xúc phạm thân thể và danh dự người khác ngay tại lớp học không chút đắn đo, lo ngại. Nhóm nữ sinh bắt ép kẻ “tội đồ” lột áo, đánh đập dã man, bắt quỳ gối xin lỗi theo đúng kiểu đàn anh chị trong chốn giang hồ mà không một chút phân vân, xót xa. Những bạn khác lại đứng bên ngoài cổ vũ, quay phim, đòi cởi thêm quần áo bạn… bàng quang đến lạnh lùng, vô cảm. Trong câu chuyện này, cả kẻ mạnh và kẻ yếu đều đáng thương vì các em còn quá nhỏ để ý thức được những hành động và sự tổn hại cho bản thân còn kéo dài nhiều năm sau trong cuộc đời. Cô bé bị hành hung sẽ mãi mãi không thể quên cái ám ảnh bị làm nhục trước mặt bạn bè. Những cô bé đánh bạn kia vẫn đang lơ lửng với “bản án” bị đình chỉ học 1 năm và sẽ ra sao nếu không được điều chỉnh, uốn nắn đúng hướng?
Nhiều người đổ lỗi do phim ảnh, trò chơi bạo lực trong xã hội hiện đại ngày càng nhiều. Nhưng nếu như vai trò của thầy cô giáo được khẳng định ngay từ đầu thì sự việc đã không xảy ra và thầy cô giáo cũng không phải ra hình thức kỷ luật trò. Đến lúc này, chương trình tư vấn tâm lý học đường bộc lộ rõ hạn chế, dù được đầu tư bài bản nhưng chưa tiếp cận được vào ngóc ngách của những mối quan hệ thầy - trò, trò - trò nên đã để xảy ra những câu chuyện đau lòng. Tất cả nạn nhân trong các clip hoàn toàn không có khả năng tự bảo vệ mình, những kẻ bên lề vô cảm hoặc khoái cảm bệnh hoạn trước hoàn cảnh yếu thế của bạn, hay là cũng khiếp sợ một thế lực “đầu gấu” trong học đường?
Tiếp nữa, phụ huynh ngày nay dường như “khoán” trắng con cho nhà trường, chuyện gì xảy ra với con hầu như không hay không biết, đến khi thấy hình ảnh phát tán trên mạng mới tá hỏa khi con mình bỗng trở thành nạn nhân hay kẻ thủ ác đánh bạn trong một vụ bạo lực học đường. Nhiều phụ huynh không ngại chia sẻ “sợ họp phụ huynh” vì nhiều lý do. Nhưng dù muốn dù không đó vẫn là trách nhiệm của gia đình cần phải quan tâm nắm rõ tình hình của con dù đã gửi con tới trường.
Trong điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học của Bộ GD-ĐT có quy định cấm học sinh không được sử dụng ĐTDĐ trong giờ học và đưa thông tin không lành mạnh lên mạng. Nhưng nếu không có những clip này, nhà trường, phụ huynh hoàn toàn không biết những gì đang xảy ra với con em mình đằng sau cánh cổng trường học. Một môi trường giáo dục thuận lợi để cho trẻ phát triển tốt là phải có sự kết hợp giữa gia đình - nhà trường- xã hội nhưng dường như chiếc kiềng đang ngày càng lung lay vì thiếu chân.
Mỹ Hằng