Khi lòng tin bị lợi dụng

Khi lòng tin bị lợi dụng

Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh có con ở tuổi mầm non đang chuyền tay nhau nhiều hình ảnh liên quan đến một lớp học có tên “Kích bán cầu não cho trẻ em”. Đi kèm các hình ảnh này là những lời quảng cáo, giới thiệu “có cánh” của các trung tâm về mục tiêu của lớp học như “giúp trẻ có trí thông minh siêu việt”, “bé sẽ trở thành thần đồng chỉ sau một khóa học”.

Nguồn: VTC

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hình thức lớp học nói trên đang nở rộ ở Hà Nội và TPHCM, học phí một khóa trên dưới 10 triệu đồng/48 buổi học. Nội dung các bài học xoay quanh việc đào tạo một số kỹ năng như bịt mắt vẫn đoán được màu sắc của đồ vật, trẻ học lớp 1 có khả năng giải toán lớp 3…

Theo một đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), hiện nay chưa có bất kỳ công bố nào trên thế giới khẳng định tính an toàn, cũng như tác dụng của phương pháp kích hoạt não ở trẻ em. Ngoài ra, các lớp học theo hình thức này không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GD-ĐT. Do đó, trong thời gian tới, bộ sẽ đề nghị các địa phương nhanh chóng vào cuộc, rà soát để chấn chỉnh hoạt động của các lớp học này.

Tuy nhiên, trào lưu “kích bán cầu não” đang khiến nhiều giáo viên, chuyên gia trong lĩnh vực GD-ĐT lo ngại về sự nở rộ đến mức thiếu kiểm soát. Trong đó, lợi dụng lòng tin, sự kỳ vọng thái quá của phụ huynh, nhiều trung tâm đã mở các khóa học với tên gọi rất “kêu”, học phí đắt đỏ song giáo trình, hiệu quả của các phương pháp này chưa được cơ quan nào thẩm định. Còn nhớ cách đây ít lâu, phụ huynh từng rồng rắn bỏ tiền triệu cho con đi thực hiện sinh trắc dấu vân tay với hy vọng có thể thay đổi, đoán trước vận mệnh, tương lai trẻ. Khi trào lưu cũ chưa hạ nhiệt thì nay thị trường lại xuất hiện thêm kiểu đào tạo mới. Về bản chất, cả hai trào lưu nói trên đều dựa trên kết quả một số nghiên cứu chưa rõ ràng. Trẻ có trở thành thần đồng hay không chưa ai biết nhưng trước mắt, cả phụ huynh lẫn học sinh đang bị cuốn vào một cuộc đua giáo dục kỹ năng sống theo hình thức đốt cháy giai đoạn. Những đứa trẻ, sau khi trải qua các khóa đào tạo này, ai dám bảo đảm các em sẽ không bị ảo tưởng về năng lực thực có, từ đó nảy sinh các tâm lý như chán học, thiếu tập trung vào các giờ học trên lớp, nhận thức lệch lạc về mục tiêu phấn đấu của bản thân?

Thực tế giáo dục đã chứng minh mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt với tính cách, đặc điểm tâm sinh lý, năng lực nhận thức và hiểu biết khác nhau. Lời khuyên của các chuyên gia là mong phụ huynh hãy tỉnh táo, tạo điều kiện cho trẻ phát triển bình thường, tự nhiên theo khả năng vốn có. Xin đừng biến những đứa trẻ trở thành công cụ gửi gắm sự kỳ vọng, đôi khi là quá lớn của phụ huynh. Trong đó, việc chạy theo các trào lưu, phương pháp giáo dục mới chỉ vô tình khiến các em bị đẩy vào cuộc đua cạnh tranh thiếu lành mạnh, thiệt thòi lớn nhất vẫn thuộc về học sinh.

THANH THU

Tin cùng chuyên mục