Theo kết quả một công trình nghiên cứu của nhóm nhà khoa học tại Đại học Fairbanks, bang Alaska, Mỹ đăng trên tạp chí khoa học Science ngày 5-3, lượng khí methane có khả năng gây hiệu ứng nhà kính đang tăng nhanh tại Bắc cực.
Kết quả này cho biết, hàng năm có khoảng 8 triệu tấn methane bốc lên từ dưới đáy biển tại khu vực Siberia của Nga gần Bắc cực. Lượng khí này tương đương với tổng số lượng methane hàng năm thoát ra từ tất cả các đại dương. Theo nhà khoa học Natalia Shakhova, đồng trưởng nhóm nghiên cứu trên, vùng đáy biển đóng băng tại khu vực này đang mất đi khả năng ngăn chặn khí thoát khỏi bề mặt.
Qua quan sát 5.000 địa điểm đá ngầm ở vùng Đông Siberia gần Bắc cực từ năm 2003-2008, các nhà khoa học ghi nhận khí methane thoát ra từ dưới lớp đáy biển đóng băng này.
Từ trước tới nay, đáy biển đóng băng được xem là hàng rào vững chắc ngăn chặn khí methane nhưng hiện nay, theo bà Shakhova, lượng khí methane tại Bắc cực đang ở mức cao nhất trong vòng 400.000 năm qua. Hiện chưa rõ đây có phải là hậu quả của khí hậu nóng lên hay do các yếu tố tự nhiên khác nhưng chắc rằng hiện tượng này càng tăng một khi nhiệt độ tăng cao.
Nhóm nghiên cứu kêu gọi cần thiết giám sát khẩn cấp khu vực Đông Siberia gần Bắc cực để theo dõi khả năng bùng phát lượng lớn khí methane tại đây. Khí methane hình thành từ việc phân hủy thực vật, được xem là khí thải gây hiệu ứng nhà kính đứng thứ hai sau CO2 . Hiện 60% lượng khí này xuất phát từ các hoạt động của con người như chôn rác, nuôi gia súc hay trồng lúa.
K.Minh