Khi nắng ngả bờ tây…

Chúng tôi được tham gia chuyến đi đến các đảo phía Tây Nam của Tổ quốc với những nhân vật khá đặc biệt. Họ nhớ rõ từng nhành cây, ngách đá trên các hòn đảo. Trước đó, vào thời kỳ gian khó của đất nước, bộ đội thiếu thốn trăm bề, nhưng họ vẫn dành phần nước, lương thực ít ỏi… để lo cho dân.
Khi nắng ngả bờ tây…

Chúng tôi được tham gia chuyến đi đến các đảo phía Tây Nam của Tổ quốc với những nhân vật khá đặc biệt. Họ nhớ rõ từng nhành cây, ngách đá trên các hòn đảo. Trước đó, vào thời kỳ gian khó của đất nước, bộ đội thiếu thốn trăm bề, nhưng họ vẫn dành phần nước, lương thực ít ỏi… để lo cho dân.

Nặng nghĩa, vẹn tình

Trời mờ sáng, chúng tôi đã nhìn thấy đảo Thổ Chu từ xa. Trên boong tàu, đại tá Nguyễn Đồng Bính, Phó Chủ nhiệm chính trị Vùng 5 Hải quân, nguyên Bí thư Đảng ủy, Đảo phó chính trị đảo Thổ Chu, có 20 năm công tác ở đảo bâng khuâng nhìn về phía cầu tàu. Mấy ai biết được, hòn đảo xanh tươi, đẹp mê hồn như vậy lại ẩn chứa sự kiện buồn đau. Vào ngày 10-5-1975, Khmer đỏ đưa tàu đổ bộ và chiếm đảo Thổ Chu. Sau đó, bọn chúng bắt khoảng 500 dân thường đang sinh sống trên đảo đưa đi đâu đến nay không ai biết.

Ngày 24-5-1975, quân đội của ta đã tiến công và giành lại đảo. Kể từ đó, khu vực quân ta tấn công được gọi là bãi Chiến Thắng. Và, đền Thổ Châu đã được xây dựng để tưởng nhớ những người dân vô tội liên quan đến sự kiện này.

Đại tá Bính bảo: “Tôi không nghĩ có ngày mình sẽ ngồi tại đảo Thổ Chu và lướt web xem tin tức như hôm nay. Ngày về đảo công tác, anh em chúng tôi đã chứng kiến và chia sẻ sự khổ cực với nhân dân. Nước thiếu, điện không có nên sóng điện thoại là điều không tưởng. Bà con chỉ sống quây quần ở bãi Ngự, sát biển. Anh em chúng tôi đã xây dựng hàng loạt đơn vị trên đảo này để làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Đơn vị nào ở gần bãi biển thì đỡ vất vả hơn. Nước thiếu kinh khủng lắm. Trữ nước mưa rồi, phải sử dụng tằn tiện, không được hoang phí. Ở đảo, cứ chiều chiều thì anh em ôm “phao” đi xuống bãi”.

“Hải quân phải biết bơi và bơi giỏi nữa, nhưng sao họ lại ôm phao?”, tôi buột miệng hỏi. Không trả lời ngay, Đại tá Bính chỉ tay về hướng biển, rồi nói tiếp: “Coi gần vậy chớ cũng vài cây số. Đường đèo cao, khúc khuỷu chứ chưa như bây giờ. “Phao” đây là cái can 20 lít. Khi tắm xong thì anh em múc 1 can nước, rồi “vận động” ngược về doanh trại. Đến doanh trại thì mồ hôi nhễ nhại, họ lấy nước trong can ra tắm lại. Ở đảo này, bộ đội được tắm 2 lần!”.

Nhưng, dù có thiếu nước đến đâu, căng thẳng đến mức nào thì bộ đội vẫn chia sẻ nước với dân. Doanh trại khang trang, rộng rãi, bộ đội sáng tạo, xây dựng nhiều hầm ngầm giữ nước để phục vụ ăn uống, sinh hoạt. Nhân dân cần kíp, bộ đội sẽ hỗ trợ kịp thời. Chính vì vậy, khi đi cùng đại tá Bính đến thăm khu dân cư ở bãi Ngự, ai cũng tươi cười chào hỏi thân tình, như người thân lâu ngày gặp nhau.

Khi nắng bắt đầu nhạt nhòa và mặt trời dần khuất ở đồi Tây thì anh em lại í ới nhau đánh bóng chuyền hay chăm sóc vườn rau. Họ không để cho thời gian trống và tìm mọi việc để làm. Bởi lẽ, đó là thời điểm nhớ gia đình, vợ con, người thân da diết nhất. Ngày ấy, đảo và đất liền còn cách trở, cả tuần có 1 chuyến tàu. Anh em công tác trên đảo biết tin buồn của gia đình cũng không thể nào trở về kịp, dù đơn vị hỗ trợ, tạo điều kiện hết mình…

Trở lại đảo Chuối

Đêm ở đảo vắng đến rất nhanh, mới đó mà bóng tối đã bao phủ. Hàng trăm ánh đèn ở đầu tàu cá nhấp nháy đủ màu xung quanh cầu cảng. “Nhổ neo!”, mệnh lệnh dõng dạc, dứt khoát vang vang trong đêm. Chiếc tàu HQ637 rùng mình rời cầu cảng. Trời dần sáng tỏ, Hòn Chuối hiện rõ mồn một. Cheo leo bên vách đá là hàng chục căn nhà mái tôn, vách lá với hàng cột khẳng khiu… loi choi, lô xô ra bãi.

Đảo mang tên Hòn Chuối vì trên ấy khi xưa trồng rất nhiều chuối, thế thôi. Hòn Chuối không có cầu cảng và tàu HQ637 phải neo từ ngoài xa. Từ trong đảo, chiếc tàu nhỏ phăm phăm chạy ra. Vừa cặp mạn tàu HQ637, một thanh niên đen thui, tóc quăn tít từ trong phòng lái bước ra. Anh ta cởi cái nón đang đội trên đầu ra vẫy vẫy và la lớn: “Ông Bảy! Trời ơi, ông Bảy ra đảo mà không báo cho con biết?”.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Hòe (Bảy Hòe), Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn ra đa 512, cười cười: “Luận đó hả? Ba má mày khỏe không?”. Anh chàng đứng đợi thượng tá Hòe leo cầu thang sắt sang tàu nhỏ. Thượng tá Hòe vừa chạm tàu, cậu thanh niên nhào tới ôm.

Khuôn mặt méo xẹo, không biết anh ta khóc hay cười mà người rung bần bật. “Gặp ông Bảy, con nhớ chú út con quá! Nghe tin Hải quân ra thăm đảo, con liền từ chối chở mấy người dân đi về Sông Đốc. Chờ tàu Hải quân từ hồi khuya tới giờ. Bây giờ biết có ông Bảy ra hòn, con nghỉ chạy tàu đi “phục vụ” ông Bảy nghen!”. Ông Bảy ôm cậu thanh niên vào lòng và vỗ nhè nhẹ trên vai. Ông Bảy chính là một trong những người bạn thân thiết nhất của chú Út, chú của Luận, người vừa mất cách đây vài tháng.

Nhà dân dọc bờ biển ở đảo Hòn Chuối.

Tàu từ từ tiến vào bến nước. Đó là khối bê tông khá vững chãi, vuông vức chìa ra khỏi hòn. Cạnh đó là quán nước. Cũng như các căn nhà cập bên đá núi. Quán nhỏ, lụp xụp mái tôn, vách lá gầy guộc, mong manh. Trên bến có một người đàn ông mập mạp, nước da đen dòn, mặc áo thun bỏ trong quần, hai tay chống nạnh, đứng sát mép nước đang nhìn về phía con tàu.

Cũng như anh Luận, vừa nhác thấy thượng tá Hòe, ông ta giơ tay vẫy vẫy liên tục và chạy nhanh về vị trí con tàu chuẩn bị cập bến. Vừa nắm tay kéo thượng tá Hòe lên bờ, ông ta liền trách: “Trời ơi! Anh Bảy ra mà không điện thoại báo tin cho em một tiếng”.

Ông Ba Phương - Lê Thanh Phương, người đàn ông có nước da đen dòn, Tổ trưởng Tổ an ninh nhân dân duy nhất của đảo Hòn Chuối - mời thượng tá Hòe và chúng tôi vào trong quán nước của mình. Ba Phương ra lệnh cho mấy đứa nhỏ: “Út Gái lấy nước cho mấy chú uống! Thằng Luận chạy u ra bè lấy mấy con cá bớp, cá mú về nấu chua, chưng tương nghen mậy. Bữa nay phải đãi anh Bảy mấy món cây nhà, lá vườn”.

Rồi ông Ba chỉ tay về cô gái trẻ đang đem mấy ly nước đá đến bàn: “Đây! Chứng nhân của tình bạn anh em mình nè. Hồi gặp anh Bảy ở Hòn Khoai, vợ tôi đang mang bầu nó. Bây giờ, gần 30 tuổi, có chồng con rồi”. Cô gái đó là Lê Thị Thúy Hằng, con gái út của ông Ba Phương.

Có lẽ chưa có cái tình bạn nào tréo ngoe như cái tình bạn giữa thượng tá Hòe và ông Ba Phương. Cách đây hơn 30 năm, Ba Phương đưa vợ con ra mấy cái hòn ở vùng biển Vàm Đôi Cạy. Nghề câu cá, câu mực… tiền ra vô rủng rỉnh. Năm đó, biển động. Hơn 1 tuần lễ không có tàu, bè nào ghé ngang. Lương thực hết, nước sắp cạn khô. Ba Phương chống xuồng, xách theo cái can qua Hòn Khoai xin nước.

Từ trên đài quan sát, thượng tá Hòe nhìn thấy. Đó là thời điểm chuyện vượt biên rầm rộ, tưởng Ba Phương là dân vượt biên, thượng tá Hòe cho lính xuống bắt. Ba Phương được áp giải về trạm ra đa. Nhớ lại, Ba Phương vỗ đùi đánh bép một tiếng rồi tiếp lời: “Ông Hòe tưởng tôi vượt biên nên thẩm vấn rất căng thẳng. Khi xác minh đúng tôi là ngư dân của vùng này thì ổng chỉ đạo lính cấp tốc dùng xuồng máy đưa cả chục can nước và gạo, muối tiếp tế cho bà con. Người dân và vợ con tôi có nước rồi tôi về chi nữa”.

Nương tựa, sẻ chia

Đảo Hòn Chuối địa thế khá cheo leo, hiểm trở. Lối đi lại duy nhất trên đảo là chồng chồng đá tảng dựng đứng. Nhiều lúc chúng tôi phải áp sát người, trườn, trèo, bò qua từng tảng đá. Mắt chằm chằm nhìn xuống để lựa thế đặt bàn chân vào những vị trí đã mòn nhẵn bởi dấu chân người bao năm nay. Trời nắng đã vất vả, trời mưa nước tuôn từ trên núi cao xuống xối xả khiến cho con đường vốn gian nan càng thêm trơn trợt. Đường lên đồn biên phòng Hòn Chuối và Trạm ra đa 615 là như thế và không có con đường nào khác. Đường khúc khuỷu, gập ghềnh… xe đạp không thể di chuyển thì xe gắn máy là điều xa xỉ.

Ấy vậy mà doanh trại bộ đội vẫn uy nghi, khang trang, rộng rãi và đầy cây trái, hoa thơm, cỏ lạ. Hình như từng hạt cát, xi măng, vôi, vữa, gạch, đá, bàn, ghế, tủ, giường… xây dựng doanh trại đã thắm đẫm mồ hôi của quân và dân ở miền biên hải. Trạm ra đa 615 cũng chính là chỗ dựa vững chắc cho người dân nghèo ở vùng đảo vắng. Ai có việc gì khó cũng tìm đến trạm. Lính hải quân ở đảo, dù khó nhọc, gian lao nhưng vẫn rộng lòng cưu mang nhân dân và thật đáng trân trọng khi họ coi đó là nghĩa vụ thiêng liêng, là trách nhiệm cao cả của anh bộ đội Cụ Hồ.

Thượng tá Hòe cho biết: “Việc trích và chi viện kịp thời gạo, lương thực, thực phẩm, nước nôi cho người dân ở đây nhiều lúc tưởng khó thực hiện. Bộ đội có thể nhịn đói, nhưng dân thì không thể đói khát. Quãng thời gian đầu, nước trên đảo rất khan hiếm, chúng tôi phải khóa két nước. Sáng sớm, đơn vị tập trung mở két nước. Thủ trưởng cũng như lính, tiêu chuẩn mỗi người 1 “bơ” (lon sữa bò) tùy nghi sử dụng. Tắm giặt thì xuống bãi. Không ít lần, biển động, tàu tiếp phẩm không ra được, anh em ở trạm gồng gánh rất căng thẳng. Bộ đội thiếu thì bà con cũng không dư dả gì. Khổ nhất là thiếu muối, người lả ra, đầu nhức như búa bổ…”.

Sống ở biển mà thiếu muối là chuyện không tưởng. Nhưng, đó lại là thực tế tại Hòn Chuối và các đảo ở vùng biển Tây Nam trong mùa biển động. Anh em bộ đội phải xuống bãi vớt váng vàng làm muối. Dù muối ấy tanh tưởi, đắng ngắt… nhưng có còn hơn không!

Quân dân đảo Thổ Chu, Hòn Chuối và các đảo ở vùng biển Tây Nam đã qua những ngày cơ cực. Có điện, sóng điện thoại… đời sống quân dân ở nơi ấy đã bớt gian nan. Vùng biển xinh đẹp, nhiều tiềm năng đang trỗi dậy từng ngày. Nhờ biển sạch, môi trường xanh, nhờ biết dựa vào khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy hải sản… một vài tỷ phú, như ông Ba Phương đã xuất hiện tại vùng biển này. Đó cũng là cơ sở vững chắc để nhà nước xây dựng Đảo Thanh niên.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục