Khi nào cán bộ công chức sống được bằng lương?

Khảo sát cho thấy phần đông cán bộ công chức, viên chức (CBVC) đều không sống được bằng lương thực tế vì mức lương tối thiểu (LTT) hiện quá thấp. Từ năm 2003, qua 7 lần điều chỉnh LTT từ 230.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng vào tháng 5-2011, tiền lương ở khu vực hành chính sự nghiệp vẫn thấp, không đảm bảo những nhu cầu thiết yếu của người hưởng lương.

Khảo sát cho thấy phần đông cán bộ công chức, viên chức (CBVC) đều không sống được bằng lương thực tế vì mức lương tối thiểu (LTT) hiện quá thấp. Từ năm 2003, qua 7 lần điều chỉnh LTT từ 230.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng vào tháng 5-2011, tiền lương ở khu vực hành chính sự nghiệp vẫn thấp, không đảm bảo những nhu cầu thiết yếu của người hưởng lương.

Trước yêu cầu của xã hội và thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ đã có dự thảo “Báo cáo về thực hiện cải cách tiền lương đối với CBCNV từ năm 2003 đến nay và định hướng cải cách LTT giai đoạn 2012 - 2020”. Thông tin này đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Từ ngày 1-10-2011, mức LTT ở doanh nghiệp đã được điều chỉnh lên 2 triệu đồng/người/tháng (vùng 1) nên việc điều chỉnh LTT ở khu vực hành chính sự nghiệp là cần thiết, phù hợp với mong mỏi của đông đảo CBVC trong cả nước. Vấn đề đặt ra ở đây là dù tính toán theo phương án nào và như dự thảo đưa ra là tăng LTT bằng mức của DN vùng 1; lấy bình quân 3 hay tính toán trên mức thu nhập và chi tiêu bình quân đầu người cả nước thì tiền lương phải đảm bảo cuộc sống, tái tạo sức lao động, giúp họ yên tâm làm việc.

Muốn vậy, ngoài điều chỉnh LTT cho CBVC, Chính phủ phải chỉ đạo Bộ LĐTB-XH phải sớm cải tổ, điều chỉnh hệ thống thang lương, bảng lương một cách khoa học. Theo đó, việc trả lương phải đảm bảo công bằng, khoa học và sát với năng lực, trình độ, vị trí và năng suất lao động của từng người. Hiện nay, chúng ta đang duy trì cách tính hệ số lương rất phức tạp, rối rắm và thiếu khoa học. Vì thế dù duy trì đến mấy trăm thang lương, bảng lương nhưng việc trả lương vẫn lạc hậu, không sát với năng lực, hiệu quả, năng suất làm việc của người lao động.

Trong khi các ngành nghề trong xã hội phát triển mới và nhanh thì hệ thống thang lương, bảng lương chậm đổi mới nên không bao quát hết ngành nghề, sản phẩm phát sinh. Hơn nữa, việc trả lương theo hướng bình quân chủ nghĩa và vận dụng một cách cứng nhắc đã khiến cho chính sách tiền lương ngày càng xa rời thực tế.

Cái khó cần phải gỡ hiện nay là đối tượng hưởng lương ngân sách quá lớn – hơn 2 triệu người và tăng lương cho đối tượng này sẽ tạo thêm áp lực nặng nề cho ngân sách nhà nước. Giải pháp cấp bách phải làm ngay là tách bạch lương của khu vực sự nghiệp công ra khỏi lương của khu vực hành chính để nhà nước chỉ tập trung lo cho khu vực hành chính.

Song song đó cần phải đổi mới cơ chế tuyển dụng CBVC và tinh gọn bộ máy nhân sự ở các cơ quan, đơn vị hành chính. Việc giảm bớt đầu mối “bú bầu sữa mẹ” ngân sách nhà nước sẽ tạo ra bước đột phá trong cải cách tiền lương theo hướng trả lương đúng người đúng việc. Một khi tiền lương trả cho CBVC được tính đúng, tính đủ thì họ mới đủ sống, toàn tâm toàn ý với công việc được giao.

Hà Anh (TPHCM)

Tin cùng chuyên mục