Qua 3 năm thực hiện Đề án 1-1133, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại - tố cáo (KN-TC) ở phường, xã đã giúp nâng kiến thức pháp luật của người dân và cán bộ cơ sở tại TPHCM về thực thi Luật KN và Luật TC. Nơi nào người dân thông hiểu pháp luật KN-TC thì giảm mạnh đơn KN-TC sai.
Mô hình chuẩn
Trao đổi về hiệu quả thực hiện Đề án 1-1133, Bí thư Đảng ủy phường An Phú Đông (quận 12) Võ Minh Lâm nhận xét: “Muốn phát triển kinh tế - xã hội, trước hết phải an dân. Để ổn định xã hội, điều tiên quyết là làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết KN-TC ngay từ cơ sở. Công tác nâng cao kiến thức pháp luật KN-TC cho nhân dân trong phường không chỉ là trách nhiệm của riêng lãnh đạo và cán bộ chuyên trách, mà tất cả cán bộ, viên chức đến khu phố, tổ dân phố phải cùng vào cuộc. Đề án 1-1133 được thực hiện bằng sức mạnh của cả hệ thống chính trị và tập thể cộng đồng, do vậy, kiến thức pháp luật KN-TC đến với người dân nhanh và sâu hơn”.
Cán bộ Văn phòng Tiếp công dân TPHCM tiếp dân giải quyết khiếu nại
Thực tế từ nhiều phường, xã đã cho thấy, để đưa kiến thức pháp luật đến với người dân có hiệu quả là phải huy động các tổ chức đoàn thể, chính quyền các cấp cùng tham gia. Ở mỗi địa phương có cách tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật sáng tạo khác nhau, nhưng có chung mô hình chuẩn: Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện; lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt là cán bộ, công chức và trưởng khu phố, tổ trưởng dân phố.
Trong suốt 3 năm qua, với vai trò là cơ quan chủ trì đề án, Thanh tra TPHCM đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tại TPHCM thường xuyên tổ chức tập huấn Luật Thanh tra, Luật KN, Luật TC, Luật Tiếp công dân, cùng các văn bản có liên quan cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân với nhiều hình thức khác nhau. Toàn TP đã tổ chức 1.348 cuộc tuyên truyền phổ biến pháp luật KN-TC cho cán bộ khu phố, tổ dân phố, thanh tra nhân dân; 53 hội nghị tập huấn cho cán bộ, công chức đang làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật; 150 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ giải quyết KN-TC dành cho cán bộ làm công tác giải quyết KN-TC.
Câu trả lời từ cơ sở
Việc thực hiện Đề án 1-1133 đã tạo được bước chuyển biến tích cực trong cộng đồng dân cư và cả trong nhận thức, trình độ của cán bộ ở sở. Tại nhiều phường, xã, hầu hết các vụ việc KN-TC trên địa bàn đều được giải quyết ngay cơ sở. Số vụ KN chuyển lên cấp trên chủ yếu liên quan đến quy hoạch, đền bù giải tỏa, không thuộc thẩm quyền giải quyết của phường. Ông Nguyễn Thành Phát, Chủ tịch UBND phường Bến Nghé (quận 1), cho biết: “Để phổ biến kiến thức pháp luật đến người dân, phường Bến Nghé còn thông qua thư chúc mừng, thư chia buồn của chính quyền với người dân, lồng ghép nhắc nhở những quy định pháp luật mà người dân cần biết, phải được trang bị. Cách làm sáng tạo này không những đưa kiến thức pháp luật đến với người dân, mà còn xây dựng được sự gắn kết giữa chính quyền với người dân, tạo đồng thuận. Phường đang nghiên cứu thêm một số mô hình mới để vừa trang bị kiến thức pháp luật cho người dân vừa đảm bảo chính quyền thân thiện, gần gũi với dân”.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch UBND xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), chia sẻ thêm: “Nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân, tạo bình ổn trong địa bàn dân cư là cơ sở quan trọng để xây dựng xã nông thôn mới. Phát triển kinh tế phải đi đôi với việc nâng cao dân trí, kiến thức pháp luật cho cán bộ và người dân trong xã. Chương trình lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở xã về kiểm soát, cải cách thủ tục hành chính và Luật KN, Luật TC được tổ chức thường xuyên”.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng đánh giá: “Trong 3 năm trở lại đây, trên địa bàn TPHCM, đơn KN-TC giảm dần qua từng năm, trong đó năm 2014 giảm 33%, năm 2015 giảm 4%. Không phát sinh vụ KN đông người mới. Tỷ lệ KN đúng có tăng lên”.
TRẦN YÊN