Lý giải về sự quyết liệt quá mức ở các vòng đấu cuối V-League, từ lãnh đạo, ban huấn luyện các đội bóng đến ban tổ chức giải đều cho rằng đó là điều bình thường khi các đội phải tranh chấp để tránh suất xuống hạng. Và cái bình thường ấy, gần như năm nào cũng vậy, là các pha bóng thô bạo như đấu võ trên sân bóng, là sự đổ vấy, quy chụp cho người này người kia khi thua trận, là hàng loạt thông tin ông này ông kia “đi đêm” nhau, là trọng tài bị “bắn”… Thậm chí, những trận đấu quyết liệt ấy, quyết liệt đến mức không còn thấy bóng dáng của một môn thể thao quyến rũ nhất hành tinh ở đâu cả, còn được xem là… có cái để coi hơn các trận đấu đầu mùa.
Điều này đúng khi các đội bóng hiện nay đều đặt mục tiêu sống còn qua từng trận đấu. Rớt hạng, coi như mất đứt hàng tỷ đồng. Và việc xây dựng lại đội bóng cho mùa sau còn tốn kém gấp chục lần nữa, mà chưa chắc một hai mùa bóng có thể lên hạng trở lại. Vậy nên, theo cách tính kinh tế nhất, thà bỏ ra một ít để có thể trụ hạng còn hơn là trong sạch mà phải thâm thủng hầu bao. Đầu tư tiền bạc có thể chưa mang lại kết quả như ý muốn, nên nhiều chiêu khác được tung ra khiến đối phương cũng như người hâm mộ hoa mắt.
Đã gần như thành lệ, cứ thua thì đổ lỗi do trọng tài bắt ép là xong. Mỗi trận đấu là một trận quyết chiến. Trên sân, cầu thủ nhu cương theo chỉ đạo của huấn luyện viên, các pha bóng tiêu diệt đối phương được gọi bằng cái tên đầy tính kỹ thuật là đá rắn… Và giờ thì hầu hết các từ ngữ dành riêng cho nghệ thuật bóng đá như chiến thuật, phương án, đấu pháp… đều được dùng cho một điều gì đó ngoài bóng đá.
Chuyên nghiệp giúp nền bóng đá phát triển. Muốn phát triển phải được sự đầu tư chiều sâu trên nền tảng tiềm năng của các đội bóng, từ cầu thủ đến nguồn lực tài chính. Và việc đầu tư tiền cho bóng đá là điều kiện không thể thiếu. Thế nhưng dùng tiền để đầu tư phát triển bóng đá là điều cần thiết, chứ đừng để tiền làm cho bóng đá với tư cách là một môn thể thao đầy sức quyến rũ ngày càng mất dần đi. Quyết chiến để tránh xuống hạng, trên thực tế hiện nay, là để các ông bầu, các đội bóng không bị mất tiền, chứ không phải để bảo vệ truyền thống, danh dự, lối đá của câu lạc bộ, càng không phải để có một trận cầu cống hiến cho khán giả, điều mà bóng đá chỉ có thể trở thành môn thể thao vua khi có được điều đó.
Công bằng nhìn nhận, vẫn còn những đội bóng dù được đầu tư nhiều, thậm chí rất nhiều tiền nhưng không chấp nhận kiểu chơi phi bóng đá và sẵn sàng chấp nhận thất bại để giữ được bản sắc của mình. So sánh thì sẽ khập khiểng, nhưng cũng là cách để cho thấy tiền tỷ không thể thô bạo xóa đi nét đẹp thể thao. Các trận cầu quyết định suất xuống hạng hay thăng hạng ở các giải bóng đá thu hút người hâm mộ trên thế giới đều diễn ra quyết liệt theo đúng nghĩa của nó. Đó là những pha bóng đẹp của cầu thủ, là chiến thuật tài tình của huấn luyện viên và kết thúc là sự chấp nhận thắng thua trên tinh thần thể thao.
Ai cũng biết, đầu tư cho một đội bóng là lớn, nhưng điều đó không thể quyết định mà chính thái độ với thể thao của nhà tổ chức và những đội bóng tham gia mới có thể bảo vệ, tôn vinh hay là hủy diệt những giá trị tốt đẹp của bộ môn này.
HOÀNG MAI