Một tối, chị em tôi gọi điện thoại nhiều lần về thăm mẹ ở nhà một mình nhưng máy di động của mẹ tôi đều ò í e. Mấy chị em tôi chạy như bay về nhà thì thấy mẹ đang nằm võng xem TV. “Sao mẹ lại tắt máy di động làm chúng con hết hồn vậy?”. “Cả ngày hơn chục cái tin nhắn mua xe, vay tiền, mua lô đề, nửa đêm về sáng họ cũng không tha, phải thức giấc... mất ngủ, khổ lắm”, mẹ tôi nói.
Không chỉ mệt vì bị khủng bố tinh thần bằng tin nhắn, thuê bao trả sau còn bực bội vì quy định lạ đời của nhà mạng Viettel. Thường các nhà mạng chỉ sợ khách hàng nợ cước, vứt sim nên thuê bao trả sau muốn trả cước cách nào, họ cũng “chiều”. Với Viettel, khách hàng không được quyền được trả cước, theo cách nào tiện nhất! Mới đây, tôi cào thẻ để trả cước như trước kia vẫn làm khi đang giữa rừng, nhưng không thể. Gọi điện thoại về 1900…, mới hay, khách hàng buộc phải giữ một cách trả cước, nếu muốn thay đổi cách trả cước (từ đóng tiền mặt sang cào thẻ hoặc ngược lại) phải “xin phép” nhà mạng (?!). Thượng đế đã đổi vai!
Với Mobifone thì tôi có thể cào thẻ trả cước dù đang ở nước ngoài. Được cái này thì mất cái nọ, đó là việc làm lộ bí mật thông tin khách hàng của mạng này. Tôi thường xuyên nhận những cuộc điện thoại mời vay tiền, mua bảo hiểm. Không chỉ thế, nhiều tin nhắn mời mua sim có số ngày sinh của tôi. Tôi gọi số điện thoại để lại, hỏi mới biết, họ là các đại lý và lấy được thông tin của tôi từ bộ phận quản lý khách hàng của Mobifone. Tôi gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của Mobifone, hỏi việc trên, họ hứa sẽ tìm hiểu và trao đổi lại sau. Hơn một năm, chẳng thấy trao qua đổi lại câu nào.
Mới đây, mấy anh bạn tôi nháo nhào bỏ số thuê bao của Vinaphone vì nhà mạng sử dụng nhiều loại dịch vụ “gián điệp” với khách hàng. Năm 2010, Vinaphone cho tiến hành dịch vụ gói Family Tracker (cho phép các loại thuê bao của Vinaphone nhận được tin nhắn thông báo vị trí của một số thuê bao khác 15 phút/1 lần/1 ngày) và gói Family Finder (cho các loại thuê bao của Vinaphone có thể tìm ra vị trí của các thuê bao Vinaphone khác), chỉ bằng một tin nhắn (với điều kiện rất gọn, bên bị theo dõi phải “OK” tin nhắn hỏi ý của nhà mạng). Chưa hết hoang mang với các loại dịch vụ trên, mới đây bạn tôi lại “đứng hình” vì “dính chưởng” một cách bí mật với dịch vụ sao chép tin nhắn (SMS copy) của nhà mạng này. Với dịch vụ này, thông qua sự “giúp đỡ” của nhà mạng, các loại thuê bao của Vinaphone chỉ bằng một tin nhắn là có thể bí mật sao chép tất cả các tin nhắn chiều đi - về từ một thuê bao khác (dĩ nhiên phía bị theo dõi cũng phải trả lời bằng một tin nhắn).
Tin nhắn là dạng thư tín điện tử, thuộc bí mật đời tư được pháp luật bảo hộ. Chỉ với một tin nhắn (chưa chắc đã là chủ thuê bao nhắn như đã nói trên), những bí mật thông tin cá nhân bị xâm phạm với những dịch vụ giá rẻ mạt, bởi nhà mạng.
Nghị định 83 của Chính phủ quy định phạt các tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động viễn thông nhằm kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan hoặc gửi phát tán tin nhắn rác… Đến bao giờ khách hàng sẽ được pháp luật bảo hộ thông tin cá nhân từ nhà mạng?
PHẠM THỤC