Bước sang năm thứ 2, chương trình bình ổn giá thuốc do UBND TPHCM chủ trương thực hiện đang tạo cơ hội cho người dân, người bệnh tiếp cận thuốc sản xuất trong nước có chất lượng nhưng giá hợp lý. Tuy nhiên, không phải cứ thuốc bình ổn giá là dễ bán.
Giá hợp lý nhưng thích thuốc ngoại
Cầm toa thuốc trị bệnh trên tay, chị Hoàng Anh Th. (ngụ quận 10, TPHCM) tạt vào một nhà thuốc có treo băng rôn “điểm bán thuốc bình ổn giá năm 2012” trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10. Với 5 loại thuốc được bác sĩ kê, chị Th. dặn dò cô bán thuốc: “Cứ bán đúng theo bác sĩ nhé”.
Thấy toa thuốc gồm 5 loại nhưng hết 4 loại thuốc ngoại của Ấn Độ và Hàn Quốc, cô bán thuốc bảo: “Mấy thuốc này trong nước cũng có mà giá rẻ. Chẳng hạn thuốc trị đau dạ dày Famotidin 40mg chỉ 360 đồng/viên, hay Omeprazol 20mg chỉ 805 đồng/viên. Đây là thuốc bình ổn giá, chất lượng ngang bằng thuốc ngoại”.
Dù đã được tư vấn như vậy, nhưng chị Th. vẫn cương quyết rằng vị bác sĩ kê đơn là bác sĩ giỏi, cho thuốc như vậy là chắc trị dứt bệnh, với lại thuốc ngoại thì phải hơn thuốc nội. Biết rằng phải mất tới gần 1 triệu đồng cho hóa đơn của toa thuốc 5 loại, trong khi nếu mua thuốc bình ổn giá thì mất chưa tới một nửa nhưng chị Th. vẫn vui vẻ ra về...
Theo ghi nhận của phóng viên, chương trình bình ổn giá thuốc đưa ra 85 loại thuốc (hoạt chất), từ trị bệnh ngoài da đến tim mạch đều được sản xuất bởi những công ty dược trong nước có công nghệ tiên tiến đạt chuẩn GMP-WHO nhưng giá cả lại hợp lý so với thuốc cùng loại nhập khẩu.
Chẳng hạn thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng viêm có Celecoxib 200mg của Công ty Domesco với 1.580 đồng/viên, Voltimax 50mg của Công ty Euvipharm 290 đồng/viên, Mobimed 7,5 của Công ty Pymepharco với 980 đồng/viên… Hay như thuốc trị bệnh tiểu đường Glizadinax của Công ty OPV là 1.035 đồng/viên, Metformin Stada 500mg của Công ty Stada Việt Nam là 830 đồng/viên…
“Gần như những loại thuốc có chất lượng trong nước đều được bán với giá rẻ hơn thuốc nhập ngoại cùng loại trung bình từ 20%-30%, còn nếu thuốc bình ổn giá thấp hơn nữa và thấp hơn mặt bằng chung cũng 10%-15%”, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết.
Tuy nhiên, thực tế thuốc bình ổn giá vẫn chưa thực sự được người dân, bệnh nhân chú trọng. Một chủ nhà thuốc đăng ký bán thuốc bình ổn giá ở quận 7 cho biết: “Phần lớn người bệnh mua thuốc hiện nay đều có toa của bác sĩ. Do đó, bác sĩ kê gì thì họ yêu cầu đúng như vậy. Khốn nỗi không ít bác sĩ kê thuốc ngoại hoặc thuốc đắt tiền để có hoa hồng cao”. Trong khi đó, không ít nhà thuốc thừa nhận việc đăng ký bán thuốc bình ổn giá chẳng qua là để làm “mồi nhử” người bệnh, chứ bán thuốc bình ổn ít lời.
Chủ nhà thuốc P.Đ. bán thuốc bình ổn giá ở quận 3 thổ lộ: “Thường các hãng dược nước ngoài trích chiết khấu cao hơn, trung bình 20%-25%, trong khi các hãng dược bán thuốc bình ổn giá chỉ cho 10%-15%”. Chính vì vậy mà tuy đăng ký bán thuốc bình ổn giá nhưng nhiều nhà thuốc chỉ lấy thuốc “tượng trưng”.
Thuốc bình ổn giá cho bảo hiểm y tế?
Lần đầu tiên tham gia chương trình bình ổn giá thuốc, Công ty Roussel Việt Nam đã cung ứng thuốc bình ổn giá ra thị trường với tổng giá trị gần 900 triệu đồng tính từ 1-4 đến 15-5 vừa qua. Tuy chưa phải là nhiều so với năng lực của công ty nhưng dược sĩ Lê Việt Hùng, giám đốc công ty, cho rằng đã phần nào tiếp cận, phục vụ đến tận người dân, người bệnh với thuốc tốt nhưng giá hợp lý.
Được phân công cung ứng thuốc bình ổn giá cho các quận 10, Tân Phú, Nhà Bè, Cần Giờ, Công ty Roussel Việt Nam cho treo băng rôn bán thuốc bình ổn đến các điểm bán thuốc có đăng ký. Trong khi đó, là một trong 4 công ty tham gia từ lúc ban đầu của chương trình bình ổn giá thuốc năm 2011, Công ty Dược phẩm Euvipharm đã chủ động tiếp cận được khá nhiều nhà thuốc.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Trung Nghĩa, Tổng Giám đốc công ty, nhu cầu từ các điểm bán thuốc bình ổn giá chưa đáng kể so với khả năng cung ứng của công ty. Một công ty dược tham gia bán thuốc bình ổn giá từ năm 2011 cho rằng cần có cơ chế để các điểm bán thuốc bình ổn giá bán nhiều hơn bởi có điểm cả năm chỉ nhận được vài lọ thuốc nhỏ mắt, thuốc trị cảm cúm, ho rồi “tịt luôn”. Khi hỏi tới thì được trả lời là… hàng chưa bán hết.
Theo Sở Y tế TPHCM, tính đến tháng 4-2012 đã có 1.023 điểm bán thuốc bình ổn giá, trong đó gần 1.000 nhà thuốc tư nhân, doanh nghiệp, 99 nhà thuốc bệnh viện. Và dự kiến trong năm 2012 này nâng tổng số điểm bán thuốc bình ổn giá lên 2.000 điểm là nhà thuốc đạt chuẩn GPP. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không tránh khỏi tình trạng một số nhà thuốc sẽ lấy thuốc bình ổn giá nhưng tuồn về các tỉnh hoặc đưa ra “chợ trời” bán, hưởng chênh lệch.
Lãnh đạo một số công ty dược cho rằng, việc tham gia bán thuốc bình ổn giá một phần muốn “lấy” hình ảnh chứ thực tế bán chẳng được là bao. Giám đốc một công ty dược nói tính bình quân mỗi tháng doanh thu từ các điểm bán thuốc bình ổn giá chỉ khoảng 1 tỷ đồng thì không đáng kể. Trong khi cái quan trọng là gần 70% bệnh nhân sử dụng thuốc bảo hiểm y tế thì thuốc bình ổn giá không vô được.
Còn ông Phạm Trung Nghĩa (Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Euvipharm) cho rằng các bệnh viện khi tổ chức đấu thầu cung ứng thuốc thường chia làm 3 “rổ”: thuốc nhập ngoại, thuốc liên doanh và thuốc sản xuất trong nước.
Trong 3 cái “rổ” ấy, các loại thuốc nhập ngoại luôn được ưu tiên, kế đến là thuốc liên doanh và sau cùng mới tới thuốc nội. “Tại sao không đưa chung vào một “rổ” và của ai tốt, chất lượng, giá rẻ hơn thì trúng thầu?”, ông Phạm Trung Nghĩa thắc mắc.
Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng nên bình ổn giá thuốc ngay chính trong đấu thầu thuốc vô bệnh viện, nhất là cho bảo hiểm y tế. Có như vậy, mới vừa giảm chi phí thuốc cho người bệnh, vừa hạn chế tình trạng “móc túi” ngân sách qua việc cho trúng thầu thuốc giá cao.
TƯỜNG LÂM