Khó bảo tồn đàn voi

Theo thống kê đến đầu năm 2013 của Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Cites Việt Nam), tổng đàn voi nhà ở tỉnh Đắk Lắk còn 51 con. Nhưng chỉ 2 tháng qua, đã có 2 con voi đột ngột chết vì bị vắt kiệt sức làm du lịch.
Khó bảo tồn đàn voi

Theo thống kê đến đầu năm 2013 của Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Cites Việt Nam), tổng đàn voi nhà ở tỉnh Đắk Lắk còn 51 con. Nhưng chỉ 2 tháng qua, đã có 2 con voi đột ngột chết vì bị vắt kiệt sức làm du lịch.

Trước đó đã có nhiều voi, gồm cả voi nhà và voi rừng bị sát hại một cách dã man để cưa trộm ngà. Vì vậy, đàn voi ở nước ta đang sụt giảm đáng báo động, trong khi hoạt động bảo tồn vẫn gần như dậm chân tại chỗ. Đáng buồn hơn, không chỉ voi rừng bị săn giết trộm mà những con voi nhà đang được nuôi ở Đắk Lắk cũng đang dần kiệt sức vì phục vụ du lịch quá sức. Mới đây nhất là một con voi 63 tuổi có tên Buôn Nhang đã phải bỏ mạng.

Sáng 9-4, ông Y Glư Bkrông, ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk, vào Tiểu khu 485 thuộc lâm phần Vườn Quốc gia Yok Đôn để dẫn voi Buôn Nhang của mình về chở khách thì phát hiện voi chết từ lúc nào. Đây là con voi nhà thứ 2 chết trong vòng 2 tháng qua. Trước đó vào ngày 11-2, con voi 35 tuổi tên H’Plo (thuộc sở hữu của Trung tâm Du lịch Bản Đôn) cũng chết do phục vụ du lịch quá sức.

Sẽ nguy hiểm hơn nếu những con voi này dần tuyệt chủng vì bị vắt kiệt sức khi làm du lịch. Ảnh: VĂN PHÚC

Sẽ nguy hiểm hơn nếu những con voi này dần tuyệt chủng vì bị vắt kiệt sức khi làm du lịch. Ảnh: VĂN PHÚC

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Lê Trụ, chuyên viên của Vụ Bảo tồn thiên nhiên (Bộ NN-PTNT) cho rằng, việc người dân ở Buôn Đôn dùng voi làm du lịch ảnh hưởng rõ tới sức khỏe cũng như mục đích bảo tồn voi nhà. Điều đáng buồn là các voi nhà, trong đó có cả voi già, đang phải gồng sức để “kiếm tiền từ du lịch” nhưng thu nhập từ việc dùng voi làm du lịch, chở khách thăm thú trong các buôn làng... cũng chẳng đem lại bao nhiêu lợi nhuận. “Mặc dù các voi nhà ở Buôn Đôn đang phải làm việc quá sức, nhưng theo khảo sát của chúng tôi thì thu nhập từ việc dùng voi làm du lịch một năm cũng chỉ khoảng từ 13 - 16 triệu đồng/con (tính tất các khoản thu). Trong khi khẩu phần, chế độ chăm sóc cho voi lại rất hạn chế” - ông Trụ nói.

Cũng theo Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam, bên cạnh 49 con voi nhà còn sống, cả nước vẫn còn khoảng 70 - 73 voi hoang dã, tập trung ở Đắk Lắk, Đồng Nai, Nghệ An. Tuy nhiên số liệu này cũng không chắc chắn vì những kẻ săn bắn voi luôn rình rập. Thời gian gần đây, việc bảo tồn voi mới được các địa phương có voi quan tâm sau khi hàng loạt voi bị chết, săn bắn trộm... Trong khi đó, từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc bảo tồn voi, song các địa phương triển khai quá chậm.

Ông Trụ cho biết, những năm qua, hầu như chưa có dự án nào chính thức về bảo tồn voi, chỉ có các quyết định được ban ra và các “tiểu dự án” như chủ trương xây dựng hàng rào điện của tỉnh Đồng Nai để bảo vệ khu vực voi hoang dã sinh sống. Hoặc quyết định thành lập Trung tâm Bảo tồn voi để theo dõi, chăm sóc sức khỏe voi nhà của UBND tỉnh Đắk Lắk. Mặc dù các tỉnh đã lập dự án đề nghị bảo tồn, song sau đó lại không đi vào hoạt động vì không được cấp kinh phí.

Trước sự nguy cấp về bảo tồn loài voi, mới đây, Bộ NN-PTNT cùng với các bộ liên quan và địa phương có voi đã xây dựng đề án về bảo tồn voi trình Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, giải pháp ưu tiên là tập hợp các cá thể voi vào nơi tập trung để tiện theo dõi, đồng thời tạo cơ hội để voi nhà có thể sinh sản, tránh việc đi săn voi rừng về nuôi, làm du lịch. Trong 49 con voi nhà còn tồn tại, có trên 60% là voi trưởng thành, trong đó khoảng 19 voi đực, sẽ tính toán làm sao chúng sinh sản tốt nhất. Đặc biệt, đề án đặt ra việc sẽ hỗ trợ cho voi sinh sản, chăm sóc voi. “Và sẽ hỗ trợ cho các chủ voi một phần kinh phí để họ không phải cho voi đi làm thuê hoặc khai thác du lịch một cách quá sức...” - ông Trụ nói.

Theo như đề xuất của 3 tỉnh Đắk Lắk, Đồng Nai và Nghệ An với Bộ NN-PTNT, kinh phí cần có để bảo tồn đàn voi từ nay đến năm 2020 khoảng 220 tỷ đồng. 

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục